Xã hộiPhòng chống thiên tai

Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa lũ

08:31 - Thứ Năm, 20/05/2021 Lượt xem: 2905 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, thời tiết có những diễn biến phức tạp, khó lường, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì trước hết người dân cần chủ động, nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình.

Công nhân Công ty TNHH Đức Đoàn thi công công trình kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, đất sản xuất tại xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) giai đoạn 2.

Năm 2020, tỉnh ta đã chịu thiệt hại lớn do thiên tai gây ra: 4 người thiệt mạng và 6 người bị thương; hơn 3.800 ngôi nhà bị hư hỏng; 2.149ha lúa bị thiệt hại; 6.451 con gia súc, gia cầm bị chết; gần 65km đường giao thông bị hư hỏng; 54 công trình thủy lợi và nhiều công trình hạ tầng, thiết bị khác bị hư hỏng, thiệt hại. Ước tổng thiệt hại lên đến hơn 263,3 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2021 được Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, các cấp, ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Với phương châm: “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, trong đó lấy phòng ngừa là chính, Ban chỉ huy PCTT & TKCN các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong chủ động ứng phó với thiên tai. Đồng thời xây dựng phương án phòng chống thiên tai phù hợp với từng địa phương, đơn vị; đặc biệt chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” ứng phó khi có sự cố xảy ra. Thực hiện kiểm tra, rà soát, xác định các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao có thể xảy ra sạt, xói lở đất, ngập úng để xây dựng phương án phòng ngừa chủ động; kiên quyết di dời hoặc sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Là một trong những địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, vì vậy trước mùa mưa năm nay, huyện Mường Nhé đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai đến các đơn vị trên địa bàn.

Theo ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé: Xác định công tác phòng ngừa là chính, huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện; tổ chức trực ban 24/24 giờ bắt đầu từ ngày 5/5 đến hết tháng 10/2021. Thành lập lực lượng xung kích, lực lượng bảo vệ tại chỗ, lập danh sách các hộ dân phải sơ tán, có kế hoạch sơ tán cụ thể (nơi sơ tán, phương tiện, hiệu lệnh, quản lý nơi người dân đến sơ tán); thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” nhằm ứng phó khi bất ngờ xảy ra các tình huống. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân chủ động phòng, chống thiên tai được huyện thực hiện thường xuyên; thông báo các điểm có nguy cơ lớn để người dân biết chủ động di dời. Trong công tác ứng phó, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn chủ động về người, máy móc, trang thiết bị sẵn sàng tham gia khi có tình huống. Đến nay các xã, cơ quan, doanh nghiệp đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các vật tư, máy móc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về phòng, chống thiên tai.

Thời điểm này, các cấp, ngành trong tỉnh đang khẩn trương triển khai phương án, kế hoạch PCTT & TKCN năm 2021, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm như: Nâng cao nhận thức người dân; làm tốt công tác dự báo thiên tai, thông tin kịp thời; cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ” và dự kiến các phương án khi thiên tai xảy ra; đảm bảo lực lượng, phương tiện cho công tác PCTT & TKCN; kiện toàn ban chỉ đạo, thành lập tổ xung kích khắc phục hậu quả thiên tai; di dời những hộ dân vùng nguy cơ sạt lở cao… Đến nay 100% các xã, phường, thị trấn đã thành lập tổ đội xung kích tiên phong tham gia công tác PCTT & TKCN, thường xuyên ứng trực cùng với nhân dân, giúp người dân kịp thời di chuyển đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Cùng với đó, cơ quan chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo, cảnh báo thiên tai. Đến nay toàn tỉnh đã được đầu tư 26 trạm đo mưa tự động, đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo về thiên tai. Ngoài ra toàn tỉnh có 4 trạm khí tượng, 3 trạm thủy văn, 1 trạm thám không vô tuyến. Các trạm khí tượng thủy văn được đặt trên địa bàn các huyện, thị, thành phố và những địa bàn có nguy cơ lớn xảy ra thiên tai giúp thực hiện tốt công tác theo dõi, dự báo đầy đủ, kịp thời diễn biến thời tiết, thủy văn. Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, nhiều công trình phòng, chống thiên tai đã và đang được đầu tư xây dựng, như: Công trình kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, đất sản xuất và công trình công cộng suối Huổi Lé, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) giai đoạn 2; công trình kè bảo vệ đất sản xuất và khu dân cư C9, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên); kè bảo vệ đất sản xuất và khu dân cư tổ 1, tổ 2, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà)…

Để đạt được hiệu quả tối đa trong PCTT & TKCN, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì sự chủ động, ý thức tự giác của người dân đóng vai trò quyết định. Khi người dân chủ động phòng chống thiên tai cho chính gia đình mình thì có nghĩa họ đã hiểu được sự nguy hiểm của thiên tai và thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top