Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Góc nhin - tiêu điểm

Áp lực kiểm lâm

09:14 - Thứ Bảy, 04/11/2023 Lượt xem: 3185 In bài viết

ĐBP - Tỉnh Ðiện Biên hiện có gần 415.362ha rừng, phân bố trên địa bàn 128 trong tổng số 129 xã, phường, thị trấn. Song hiện nay số lượng kiểm lâm địa bàn xã chỉ có 121 người.

Diện tích rừng lớn, lực lượng chuyên trách mỏng đã dẫn đến nhiều khó khăn bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ðịa hình nhiều núi cao, vực sâu chia cắt phức tạp trong khi nếu chia trung bình thì mỗi kiểm lâm địa bàn xã của tỉnh Ðiện Biên đang phụ trách hơn 3.400ha rừng. Còn xét nhiệm vụ thực tế thì có kiểm lâm địa bàn đang chịu trách nhiệm với hơn 10.000ha rừng. Ðây là một sự thật không công bằng!

Nói không công bằng bởi với địa bàn quản lý lớn như vậy thì kiểm lâm có “ba đầu sáu tay” cũng không thể quán xuyến được hết nhiệm vụ. Trong khi, nếu xảy ra phá rừng, cháy rừng thì kiểm lâm phụ trách luôn nằm trong top “chịu trách nhiệm”, thậm chí còn bị truy tố nếu xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.

Vì sao lực lượng kiểm lâm luôn thiếu hụt như vậy? Và tại sao không tuyển, bổ sung cho đủ công chức kiểm lâm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?

Ðiều này trước hết phải xuất phát từ thực tế là muốn làm tốt công tác lâm nghiệp thì phải có trình độ chuyên môn, được đào tạo chuyên ngành bài bản. Nhưng nhiều năm trở lại đây, khâu tuyển sinh đầu vào tại các trường chuyên ngành có rất ít thí sinh quan tâm. Thống kê từ các trường đại học lĩnh vực nông, lâm nghiệp trong cả nước, các kỳ tuyển sinh hầu như không trường nào đạt được 50% chỉ tiêu các chuyên ngành Lâm sinh hay Quản lý tài nguyên rừng, trong khi chỉ tiêu cũng chỉ ở mức trên dưới 100 người.

Ðầu vào khó tuyển, “đầu ra” thì không dừng khi có nhiều cán bộ kiểm lâm chuyển ngành, thôi việc. Trong 5 năm (2018 - 2023) toàn ngành Kiểm lâm Ðiện Biên đã có 10 người xin chuyển công tác và 1 người thôi việc.

Kiểm lâm địa bàn phải chịu rất nhiều khó khăn, áp lực từ trách nhiệm, chế độ chính sách cho đến dư luận xã hội. Ðiều kiện làm việc ở vùng cao, biên giới còn nhiều thiếu thốn trong khi có những đối tượng vi phạm lâm luật liều lĩnh, manh động sẵn sàng chống trả quyết liệt… Có một áp lực khác không hề nhỏ mà kiểm lâm phải đối mặt là dư luận xã hội. Khi một cây gỗ bị chặt hạ, một khoảnh rừng bị phá hay thú rừng bị săn bẫy, mua bán… là nhiều người cho rằng có kiểm lâm “chống lưng, dung túng” cho những đối tượng vi phạm, mà không hề tìm hiểu thấu đáo ngọn ngành. Ðúng là trước đây đã từng xảy ra một số sai sót, tiêu cực nhưng đó chỉ là thiểu số. Ðừng vì thế mà dư luận vội gán ghép, áp đặt cách nhìn nhận, đánh giá xấu đi hình ảnh kiểm lâm. Bởi còn rất nhiều cán bộ kiểm lâm nhiệt huyết, yêu nghề, vẫn lặng thầm lội suối trèo đèo ngày đêm đi tuần rừng.

Ðể xây dựng lựng lượng kiểm lâm đầy đủ, vững mạnh đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trong tình hình mới, cần đồng bộ nhiều giải pháp. Từ đổi mới “đầu vào” - khâu tuyển sinh chuyên ngành, chẳng hạn với chính sách ưu đãi học phí, ăn ở, phân công công tác sau khi hoàn thành tốt khóa học tập, đào tạo. Cho đến các giải pháp cụ thể, phù hợp về chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách quản lý bảo vệ rừng; công tác tuyên truyền, giáo dục; sự phối hợp trong quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng… Bởi “Muốn giữ rừng phải giữ được lực lượng kiểm lâm!”.

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top