Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh bất ngờ kết thúc:

Tuột cơ hội hóa giải khủng hoảng

15:52 - Thứ Năm, 07/12/2017 Lượt xem: 5245 In bài viết
Những bế tắc với các vấn đề quan trọng tại khu vực, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar không tìm được hướng đi mới như kỳ vọng khi Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 38 bất ngờ kết thúc ngay khi cuộc gặp cấp cao (dự kiến kéo dài hai ngày) vừa bắt đầu được vài giờ tại thủ đô của Kuwait.

Với chủ đề chính là tập trung tháo gỡ bế tắc, hạ nhiệt cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất tại vùng Vịnh kể từ năm 1991, các chuyên gia nhận định, Hội nghị Thượng đỉnh thường niên năm nay là sự kiện quan trọng nhất trong hai thập kỷ qua của khối chính trị và kinh tế khu vực gồm 6 quốc gia Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Đây là cơ hội để GCC chứng tỏ vị thế sau khi không thể hiện được vai trò rõ rệt trong việc giải quyết các mâu thuẫn giữa Qatar với Bahrain, Saudi Arabia và UAE trong thời gian qua. Bất chấp các nỗ lực của quốc tế và khu vực, với cáo buộc Doha tài trợ cho phần tử khủng bố, các nước Arab đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, phong tỏa các tuyến vận tải hàng không, đường biển và đường bộ với Qatar.

 

Hội nghị Thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) kết thúc sớm do nhiều bất đồng tồn tại giữa các thành viên.

Có thể thấy rõ sự phân chia hai khối trong GCC với một bên là Bahrain, Saudi Arabia, UAE và một bên là Qatar, trong khi Oman và Kuwait đóng vai trò trung lập. Bahrain thậm chí còn kêu gọi dừng tư cách thành viên của Qatar trong GCC. Tín hiệu tích cực hiếm hoi tại Hội nghị Thượng đỉnh GCC là sự có mặt của đại diện Qatar, mở đường cho các động thái tiếp theo nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại. Đây được kỳ vọng là cuộc tiếp xúc trực tiếp cấp cao nhất mà Bahrain, Saudi Arabia và UAE có với Qatar từ sau khi hàng loạt lệnh cấm vận nhằm vào quốc gia này được áp đặt.

Tuy nhiên, trong khi Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tới tham dự hội nghị thường niên của GCC thì 3 nước Bahrain, Saudi Arabia và UAE chỉ cử đại diện cấp thấp hơn tham dự. Tình thế này đã tác động lớn tới vai trò trung gian hòa giải của Kuwait. Tuyên bố chung Kuwait được đưa ra sau khi kết thúc cuộc họp ngắn ngủi cũng không đề cập đến cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay. Ngoài việc khái quát các hoạt động hướng tới mục tiêu kinh tế, Tuyên bố Kuwait kêu gọi GCC tăng cường hợp tác, đoàn kết vì lợi ích chung của các quốc gia và dân tộc, đồng thời nêu lên những thách thức đe dọa an ninh, ổn định của khu vực với mục tiêu cuối cùng là đạt được sự phát triển thịnh vượng chung.

Một động thái đáng chú ý là ngay trước thềm phiên họp, Bộ Ngoại giao UAE cho biết, Tổng thống Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan đã tuyên bố thành lập mối quan hệ đối tác mới với Saudi Arabia để điều phối “tất cả lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa giữa hai nước", tách biệt với GCC. Thông báo của UAE không đề cập liệu đây có phải là một nhóm mở cho các quốc gia khác hay không, nhưng thông điệp được gửi đi rất rõ ràng là hai quốc gia vùng Vịnh này có thể độc lập hợp tác với nhau ngay trong những lĩnh vực cơ bản của GCC. Các chuyên gia nhận định, nếu hai nước quyết tâm theo đuổi mục tiêu này, việc GCC dần mất đi vai trò của mình sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Phát biểu tại hội nghị, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah kêu gọi thành lập một ủy ban nhằm xem xét sửa đổi quy chế của GCC và cho rằng bước đi này sẽ giúp tổ chức tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo tại khu vực. Dù vậy, việc các nước thành viên còn tồn tại nhiều bất đồng và không giải quyết được tại Hội nghị Thượng đỉnh của GCC đã tác động lớn đến vị thế, vai trò của tổ chức này khi không thể bảo đảm cho các hoạt động hợp tác vì tương lai chung.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top