Y tếSức khỏe

Sản phụ cần trang bị kiến thức trước khi sinh

00:00 - Thứ Hai, 29/06/2015 Lượt xem: 1491 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, việc lựa chọn phương pháp sinh mổ thay cho cuộc “vượt cạn” tự nhiên của các sản phụ trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng. Ngoài những ca sinh mổ theo chỉ định y khoa, có khá nhiều trường hợp chọn sinh mổ chỉ vì muốn con được chào đời vào ngày, giờ đẹp hoặc để thoát khỏi cảm giác sợ đau đẻ. 

Lập gia đình từ năm 2008, nhưng đầu năm 2013 chị Nguyễn Thị H. (phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ) mới mang thai. Từ khi biết chị có em bé, 2 bên gia đình nội, ngoại đều rất phấn khởi, bởi cả 2 vợ chồng chị đều là con trưởng. Do quá mong chờ đứa cháu đầu nên cả mẹ đẻ lẫn mẹ chồng chị đều chuẩn bị rất nhiều thứ để đón đứa trẻ, trong đó có cả việc chuẩn bị ngày, giờ cho bé chào đời. Vì thế, mặc dù bác sỹ tư vấn chị có thể sinh thường, nhưng hai bên gia đình nội, ngoại nhất quyết yêu cầu cho chị sinh mổ bởi đã chọn được ngày, giờ tốt. Tuy không nhằm chọn ngày, giờ đẹp nhưng chị Phạm Thị T. (phường Thanh Trường) lại chọn phương pháp sinh mổ để chào đón đứa con đầu lòng chỉ vì sợ… đau đẻ. Theo chị T., khi chị mang thai, được nghe bạn bè, đồng nghiệp kể nhiều về những cơn đau bụng khi chuyển dạ rồi tư vấn cho chị chọn biện pháp sinh mổ để vừa an toàn, vừa đỡ đau. Không chỉ có chị H., chị T., hiện nay, nhiều phụ nữ chọn phương pháp sinh mổ thay cho việc sinh tự nhiên với lý do phần nhiều không mang tính khoa học.

Cán bộ y tế xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo tư vấn cho phụ nữ kiến thức về sức khỏe sinh sản và những tác hại của việc sinh mổ.

Theo thống kê của Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2014, trong số 3.212 trường hợp sinh tại bệnh viện, có 1.020 ca sinh mổ (chiếm 31,7%); 6 tháng đầu năm 2015 có 408 trường hợp sinh mổ trong tổng số 1.244 ca sinh tại khoa (chiếm 32,7%). Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về tỷ lệ mổ lấy thai, tốt nhất chỉ nên dưới 15% tổng số ca sinh.

Bác sỹ Ngô Thị Nhung, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Sinh mổ có những hạn chế nhất định như: mất máu nhiều hơn; thuốc gây  tê, thuốc mê sẽ ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ, thuốc có thể gây tụt huyết áp và nhiều tai biến khác; sau phẫu thuật việc ăn uống của sản phụ sẽ hạn chế hơn, vết mổ đau, vận động khó khăn, hồi phục sức khỏe sau sinh chậm… Chọn phương pháp sinh mổ có nguy cơ gây biến chứng xa, như: dính ruột, dính ổ bụng, vô sinh; khi có thai lần tiếp theo nếu thai làm tổ và phát triển ở vị trí sẹo mổ lấy thai lần trước thì rất nguy hiểm đến mẹ và bé; lần có thai sau sẽ phải cách ít nhất 2 năm sau lần phẫu thuật lấy thai trước, có thể gây rạn vỡ tử cung ở vị trí sẹo mổ lần trước; trẻ sinh mổ không có cơ chế ép ngực tống các chất dịch ở đường hô hấp ra ngoài nên dễ bị suy hô hấp…

Việc chọn phương pháp sinh mổ trong một số trường hợp giúp an toàn cho sản phụ và thai nhi, nhưng lạm dụng sinh con theo cách này cũng không tốt. Bác sỹ Nhung khuyến cáo: Để bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé, bà mẹ mang thai nên biết chờ đợi và can thiệp đúng lúc, tốt nhất là sinh thường nếu không có chỉ định của bác sĩ, bởi đó là quá trình phù hợp của tự nhiên. Ngoài ra, không nên vì những lý do xã hội như chọn ngày, chọn giờ sinh đẹp, tâm lý sợ đau đẻ... mà chọn phương pháp sinh mổ. Đặc biệt, các bà mẹ cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chuẩn bị cho mình tâm lý và kiến thức thật tốt trước khi sinh.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top