Y tếSức khỏe

Vai trò của i-ốt đối với sức khỏe

00:00 - Thứ Tư, 06/01/2016 Lượt xem: 3063 In bài viết
ĐBP - I-ốt  đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể con người. I-ốt là vi chất dinh dưỡng cần thiết để tuyến giáp tổng hợp các hoóc môn điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể, như: tim mạch, tiêu hóa, da, lông, tóc, móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động.

Thiếu i-ốt sẽ dẫn đến thiếu hoóc môn tuyến giáp, gây ra bướu cổ và nhiều rối loạn bệnh lý khác, như: sảy thai, thai chết lưu, khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, đần độn, cơ thể chậm phát triển, mệt mỏi, giảm khả năng lao động. Thiếu i-ốt có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình phát triển của mỗi người, ở mỗi giai đoạn, nó có tác động khác nhau. Lượng i-ốt tối ưu cho cơ thể: Trẻ còn bú từ 0 - 6 tháng cần 40mcg/ngày; trẻ còn bú từ 6 - 12 tháng cần 50mcg/ngày; trẻ từ 1 - 3 tuổi cần 70mcg/ngày; trẻ từ 4 - 9 tuổi cần 120mcg/ngày; trẻ từ 10 - 12 tuổi cần 140mcg/ngày; từ 14 tuổi đến khi trưởng thành là 150mcg/ngày; phụ nữ có thai và đang cho con bú nên tăng thêm 50mcg/ngày.

Khi cơ thể bị thiếu i-ốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ. Bướu cổ là cách thích nghi của cơ thể để bù lại một phần i-ốt thiếu, khi bướu cổ có kích thước to có thể chèn ép đường thở, đường ăn uống, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thiếu i-ốt trong thời kỳ niên thiếu gây ra bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng. Trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị đần độn, liệt cứng hai chân. Thiếu i-ốt ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể gây ra sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu i-ốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn vì tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Các hậu quả đó sẽ tồn tại vĩnh viễn trong cả cuộc đời. Hiện nay, y học chưa chữa được. Thiếu i-ốt ở người lớn gây ra bướu cổ với các biến chứng như mệt mỏi, không linh hoạt và giảm khả năng lao động. Để phòng tránh các rối loạn do thiếu hụt i-ốt, hàng ngày nên sử dụng muối i-ốt khi chế biến các loại thức ăn. Với trẻ em trong độ tuổi phát triển, cần thường xuyên chế biến thức ăn giàu chất i-ốt; bổ sung những loại thực phẩm có chứa i-ốt trong bữa ăn  hàng ngày bằng các  loại hải sản: tôm, cua, cá, ghẹ, rong biển, tảo biển; các loại rau: rau xanh đậm, rau dền, rau đay, mồng tơi; các loại trái cây tươi, thịt, sữa... Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về tác hại của thiếu i-ốt và tầm quan trọng của việc sử dụng i-ốt trong các bữa ăn hàng ngày tại gia đình, trường học hay những nơi công cộng… để mỗi người chế biến và sử dụng thực phẩm biết cách tự bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ: Xuân Bảy (T4G)

Bình luận
Back To Top