Y tếSức khỏe

Phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ nhỏ

00:00 - Thứ Hai, 22/02/2016 Lượt xem: 4097 In bài viết
ĐBP - Thời tiết thay đổi thất thường, nhiều đợt rét đậm kéo dài trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, nhất là các bệnh phát triển theo mùa, như: Cảm cúm, viêm phổi, thủy đậu, quai bị… đặc biệt là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Mặc dù năm qua toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong song nhiễm khuẩn hô hấp cấp là bệnh nguy hiểm, người dân cần chủ động phòng, tránh.

Theo số liệu của tổ chức Y tế Thế giới, mỗi trẻ trung bình trong một năm nhiễm khuẩn hô hấp cấp từ 4 - 9 lần, ước tính toàn cầu mỗi năm có khoảng 2 tỷ trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, trong đó khoảng 40 triệu là viêm phổi. Tỷ lệ trẻ chết do nhiễm khuẩn hô hấp cấp chiếm từ 19 - 20% số trẻ tử vong dưới 5 tuổi trên toàn cầu.

Bác sỹ tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà thăm khám cho trẻ nhỏ.

Xác định đây là bệnh có tính chất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, năm qua, ngành Y tế tỉnh đã làm tốt công tác phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở 100% xã, phường, thị trấn. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi được quản lý và bảo vệ đạt 99%; 37.917 lượt được khám bệnh và 30.976 lượt được điều trị, đạt 95,3% so với kế hoạch.

Bác sĩ Mai Thị Tâm, Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là một nhóm bệnh chỉ sự tổn thương cấp tính của đường hô hấp, như: Mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản hoặc nhu mô phổi do vi khuẩn hoặc vi rút gây nên; trẻ có thể mắc nhiều lần trong năm. Dấu hiệu chính của nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là triệu chứng ho. Trẻ có thể ho khan từng tiếng hoặc ho có đờm, nặng hơn có thể ho thành cơn dài khiến trẻ mệt mỏi, nôn trớ khi ho. Ngoài ra, trẻ có thể bị sốt 37 - 380C) hoặc chảy nước mũi, hắt hơi, ngạt mũi, thở khò khè, thở nhanh… Khi bệnh phát triển nặng, trẻ thường bỏ bú hoặc không uống được, co giật, ngủ li bì. Thời gian diễn biến của bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày, tùy vào sức đề kháng của trẻ và loại vi trùng gây bệnh. Bệnh chỉ đột ngột nặng trong vòng 1 - 2 ngày. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu thấy trẻ có một trong số những dấu hiệu bệnh nặng thì nhất thiết phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Không nên tự cho trẻ uống thuốc đặc biệt là các loại thuốc giảm ho, hạ sốt, kháng sinh vì sẽ gây lu mờ triệu chứng của bệnh và rất khó khăn cho chẩn đoán và điều trị. Trong trường hợp sau khi trẻ được thăm khám, có chỉ định của y, bác sĩ cho trẻ về chăm sóc tại nhà, thì cần phải cách ly, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ.

Để phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ nhỏ, bác sỹ Mai Thị Tâm khuyến cáo phụ huynh không để cho trẻ bị suy dinh dưỡng vì sức đề kháng yếu, trẻ sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Nên chăm sóc trẻ từ khi còn trong bụng mẹ. Người mẹ khi có thai cần phải ăn uống đầy đủ và phải đi khám, khi trẻ được 4 – 5 tháng tuổi phải cho ăn thêm phù hợp với sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, cần giữ ấm, thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, tránh những thức ăn lạnh. Đặc biệt, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, tránh tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, tự mua kháng sinh điều trị sẽ ảnh hưởng hại đến sức khoẻ của trẻ. Ngoài sự chủ động của người dân, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về cách phát hiện dấu hiệu cũng như cách chăm sóc trẻ khi nhiễm khuẩn hô hấp, từ đó góp phần giảm tỷ lệ mắc và tử vong đối với bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top