Y tếSức khỏe

Phòng và chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà

00:00 - Thứ Hai, 07/03/2016 Lượt xem: 3102 In bài viết
ĐBP - Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 2 - 5 tuổi, bệnh dễ tử vong do mất nước nếu không được cấp cứu và xử lý kịp thời.

Trẻ bị tiêu chảy cần được cho bú hoặc uống nước nhiều hơn bình thường. Ngoài ra, có thể cho trẻ uống dung dịch oresol hoặc nước cháo muối, nước cơm, nước canh, nước quả tươi, nước sôi để nguội... Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy rất quan trọng:

Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng đang bú mẹ: Vẫn tiếp tục bú mẹ và tăng số lần bú.

Với trẻ trên 6 tháng tuổi: Ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa và thêm ít dầu ăn; thức ăn cần nấu kỹ, loãng hơn bình thường, cho ăn nhiều lần và từng ít một; cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả chín; khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn; không nên cho trẻ ăn thức ăn, đồ uống có khả năng làm tăng tiêu chảy như: Nước giải khát có ga hoặc có nhiều đường và tránh những thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như rau, ngũ cốc nguyên chất (đỗ, ngô…) vì khó tiêu; lưu ý không sử dụng kháng sinh cho trẻ, nếu có thì phải theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Khi trẻ hết tiêu chảy, cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền để giúp trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong ít nhất là 1 tháng.

Một số nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị tiêu chảy, như: Ăn bổ sung sớm và thức ăn bổ sung không phù hợp với lứa tuổi; ăn phải thức ăn ôi thiu, nấm mốc; sử dụng nước nhiễm bẩn; môi trường sống bị ô nhiễm; vệ sinh cá nhân kém: Không rửa tay với xà phòng, uống nước lã; hoặc khi trẻ bị các bệnh như sởi, viêm tai giữa, viêm họng, viêm phổi, giun sán hoặc trẻ bị suy dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ không hợp lý…

Để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, các gia đình cần thực hiện: Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; cho trẻ ăn bổ sung hợp lý khi trẻ đủ 6 tháng tuổi; lựa chọn thực phẩm tươi, sạch an toàn; rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến, thực hiện ăn chín, uống sôi. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống, tắm rửa; rửa tay với xà phòng và nước sạch trước khi cho trẻ ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh cho trẻ; tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Khi trẻ bị tiêu chảy có nguy cơ bị mất nước và rơi vào tình trạng nặng rất nhanh. Vì vậy gia đình cần phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm như: Sốt, nôn, phân có máu, bỏ bú… và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Anh Sáu (T4G)
Bình luận
Back To Top