Y tếSức khỏe

Thực phẩm biến đổi gen - An toàn hay nguy hiểm?

00:00 - Thứ Hai, 25/04/2016 Lượt xem: 2576 In bài viết
Độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen là một trong những vấn đề gây ra nhiều tranh cãi giữa các quốc gia trên thế giới. Việc loại thực phẩm này có hại cho sức khỏe con người hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải thống nhất nhưng đã trở thành nguyên nhân của một trong những vụ kiện lớn nhất trong lịch sử WTO giữa Mỹ và EU. 

Độ an toàn của thực phẩm biến đổi gen là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa các quốc gia trên thế giới.

Sinh vật biến đổi gen, hay GMO là một loại cây trồng hay vật nuôi đã bị thay đổi ADN thông qua kỹ thuật di truyền. Trong hầu hết các trường hợp, các sản phẩm GMO bị thêm vào một đoạn mã ADN từ một sinh vật khác, đó có thể là một loại vi khuẩn, thực vật hay động vật nhằm gia tăng chất lượng hay khiến sản phẩm GMO phát triển theo hướng mà nhà sản xuất mong muốn.

Gần đây, giống bò xanh có xuất xứ từ Bỉ (Belgian Blue) cho sản phẩm siêu sữa, siêu nạc đang gây ra nhiều tranh cãi. Cấu trúc gen của loại bò đã được sửa đổi làm cho cơ bắp của chúng phát triển gấp hai lần so với các loại bò bình thường khác. Nhờ đó, một con bò đực sẽ có trọng lượng trung bình 800-1.100kg, một con bò cái là 600-700kg. Tuy nhiên, việc quá phát triển khiến bò xanh Bỉ đối mặt với nguy cơ tăng sản thớ cơ - chứng bệnh gây ra sự tăng trưởng bất thường trong cơ chứ không đơn giản là giúp cơ thể phình to ra. Điều này dấy lên những lo ngại cho việc tiêu thụ sản phẩm này.

Chính những mối lo đó đã từng khiến Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) có những tranh chấp trong việc nhập khẩu dòng thực phẩm biến đổi gen. Từ năm 1998, EU bắt đầu cấm sản xuất và lưu hành thực phẩm GMO do lo ngại về vấn đề an toàn với người sử dụng. Khối này sau đó đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ - quốc gia xuất khẩu thực phẩm GMO hàng đầu thế giới. Năm 2004, Mỹ đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), yêu cầu EU hủy bỏ lệnh cấm sản xuất các thực phẩm GMO và bồi thường ít nhất là 1,8 tỷ đô la cho Mỹ. Từ đó đến nay, cuộc chiến này diễn ra gay gắt.

Ngay cả khi Mỹ cho rằng GMO rất an toàn và người Mỹ vẫn dùng thì EU không đồng tình. Sau nhiều tranh cãi, hai bên cuối cùng phải đi đến thỏa thuận rằng GMO có thể xuất khẩu vào EU nhưng phải dán mác thông báo "đây là thực phẩm biến đổi gen", tạo điều kiện cho người dân EU có quyền lựa chọn. Tuy nhiên, kể từ sau khi thỏa thuận về việc chấp thuận thực phẩm biến đổi gen có hiệu lực năm 2006, Ủy ban Châu Âu (EC) đã 2 lần buộc các lô hàng thực phẩm biến đổi gen của Mỹ quay trở lại nơi xuất xứ.

Đặc biệt, năm 2015, EC cũng đã thông qua dự luật cho phép các nước thành viên EU có toàn quyền tự quyết trong việc cho phép hoặc cấm lưu hành thực phẩm biến đổi gen vì lý do môi trường, kể cả khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn EU về vệ sinh và an toàn. Mặc dù dự luật này đã bị Nghị viện Châu Âu (EP) phủ quyết, EC khẳng định sẽ không rút lại đề xuất trên và sẽ tiếp tục đưa ra thảo luận tại cuộc họp các bộ trưởng EU.

Hiện có hai quan điểm trái chiều về thực phẩm biến đổi gen, một phía bao gồm nhiều doanh nghiệp và nhà khoa học ủng hộ GMO, phía còn lại là những nhà hoạt động xã hội phản đối GMO. Những người có quan điểm chống đối thực phẩm biến đổi gen cho rằng loại sản phẩm này đang hủy hoại môi trường tự nhiên và có khả năng gây ra bệnh tật cho người sử dụng. Rất nhiều sinh vật thí nghiệm đã có những triệu chứng ốm, bị đầu độc, dị ứng và tử vong trong các phòng nghiên cứu thực phẩm biến đổi gen. Trái lại, những chuyên gia ủng hộ GMO cho rằng không có nguy hại cho con người. Trong báo cáo năm 2012 của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (AAAS), những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rõ ràng rằng ngô biến đổi gen là hoàn toàn an toàn.

Vẫn chưa rõ quan điểm của phía nào là chính xác, nhưng hiện nay các quốc gia trên thế giới ngoài Mỹ vẫn đang khá dè chừng với loại thực phẩm biến đổi gen. Riêng tại Mỹ, việc sử dụng GMO đã trở nên khá phổ biến. Tháng 11-2015, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) quyết định chỉ những thực phẩm biến đổi gen nào có sự khác biệt rõ rệt so với thực phẩm truyền thống, như hàm lượng dinh dưỡng, mới phải bị dán nhãn. Đây là một quyết định cho thấy chính quyền Washington hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng GMO cũng như tin tưởng vào chất lượng cũng như sự an toàn của dòng thực phẩm này.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top