Y tếSức khỏe

Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản

00:00 - Thứ Hai, 06/06/2016 Lượt xem: 3673 In bài viết
ĐBP - Viêm não Nhật Bản hay còn gọi là bệnh nhiễm khuẩn thần kinh do vi rút có tên là Arbovirus gây nên. Chim lội nước là ổ chứa vi rút chủ yếu trong thiên nhiên và lợn là ổ chứa trong súc vật nuôi gần nhà. Khi muỗi hút máu của lợn có chứa vi rút và sau đó đốt người sẽ truyền vi rút sang người. Cho tới nay chưa thấy có sự lây truyền bệnh từ người sang người.

Truyền bệnh chủ yếu là 2 loại muỗi Culex tritaeniarhynchus và Culex vishnui. Muỗi Culex tritaeniarhynchus sinh sôi mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 - 7), có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du. Bệnh viêm não Nhật Bản thường xảy ra vào mùa hè, phổ biến từ tháng 5 – 7, thường tản phát hơn là phát triển thành dịch. Lứa tuổi mắc bệnh thường từ 2 - 7 tuổi.

Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản. Trong ảnh: Cán bộ Trạm Y tế Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ tại bản Mo Công. Ảnh: Nhật Phương

Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng: Sốt cao (39 - 40oC), kèm theo rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn hoặc nôn. Giai đoạn này kéo dài từ 1 - 6 ngày. Tiếp theo là các biểu hiện điển hình như: Sốt cao kèm co giật, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê, cứng gáy, tay chân quờ quạng, mất nước. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (25 - 80%). Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Tử vong ở giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng như viêm phổi, suy kiệt. Nếu bệnh nhân hồi phục thì cũng để lại những di chứng nặng nề như: Động kinh, giảm trí tuệ, đần độn, bại liệt, thất ngôn… Các di chứng thần kinh thường chiếm hơn 50% số người bệnh, bệnh nhân bị tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy việc phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh và điều trị tích cực góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế biến chứng của bệnh. Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản tốt nhất là tiêm vắc xin phòng, mục đích là tạo được miễn dịch chủ động cho trẻ. Khi trẻ được 1 tuổi tiêm 2 mũi vắc xin, mũi 2 cách mũi 1 từ 7 - 14 ngày, mũi thứ 3 tiêm nhắc lại sau 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Để phòng, tránh bệnh, các bậc phụ huynh cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở, chuồng trại gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú ẩn của muỗi; đặt chuồng gia súc xa nhà; loại bỏ các dụng cụ chứa nước gần nhà; phát quang bụi rậm xung quanh nơi ở; ngủ màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong gia đình; không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, gia cầm để tránh muỗi đốt.

Xuân Bảy (T4G)

Bình luận
Back To Top