Y tếSức khỏe

Sàng lọc sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số

09:33 - Thứ Hai, 13/06/2016 Lượt xem: 2958 In bài viết
ĐBP - Sàng lọc sơ sinh (SLSS) là biện pháp dự phòng nhằm phát hiện sớm những bất thường của trẻ sau khi sinh ra, tránh được những hậu quả do dị tật bẩm sinh, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Năm 2013, chương trình khám SLSS được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) triển khai tại tỉnh Điện Biên và thí điểm tại 4 huyện, thị, thành phố: Huyện Mường Ảng, Điện Biên, TX. Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ. Triển khai chương trình là một trong những yếu tố góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh, cho biết: Thời gian qua, việc khám SLSS luôn được Chi cục triển khai thực hiện có hiệu quả. Mỗi năm, có hơn 500 trẻ được SLSS. Để nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn, nhất là đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là phụ nữ mang thai hiểu rõ lợi ích của việc khám SLSS, ngay từ đầu năm, Chi cục đã tích cực chỉ đạo trung tâm DS - KHHGĐ các huyện, thị, thành phố tăng cường tổ chức truyền thông về công tác dân số lồng ghép với chương trình khám SLSS ở tất cả các xã, phường trên địa bàn…

Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn; nhận thức của người dân về khám SLSS đã được cải thiện đáng kể. Chị Lường Thị Hoa ở xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên có con bị thiếu men G6PD, chia sẻ: Đầu tháng 4, sau khi sinh con tại Trung tâm Y tế huyện, tôi được bác sỹ tư vấn về khám SLSS. Sau khi nghe xong, tôi đồng ý để bác sỹ lấy mẫu máu gót chân của con để kiểm tra sức khỏe. Khoảng trung tuần tháng 5, tôi nhận được giấy báo kết quả con mình bị thiếu men G6PD. Qua tìm hiểu, tôi biết đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, như: Vàng da, vàng mắt, thần kinh, bại não… nặng có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, do phát hiện sớm nên cháu được điều trị kịp thời, sức khỏe tiến triển tốt. Trường hợp của cháu Lò Thị Hạnh ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng cũng tương tự như con chị Hoa bị thiếu men G6PD. Anh Lò Văn Thành, bố cháu Hạnh bộc bạch: Khi cháu Hạnh vừa sinh ra, cán bộ ở Trung tâm DS - KHHGĐ huyện trao đổi với gia đình về việc lấy máu gót chân cháu để xét nghiệm sàng lọc sơ sinh; sợ con đau, suy nghĩ mãi tôi mới đồng ý. Khi nhận kết quả, biết cháu mắc bệnh nguy hiểm, vợ chồng tôi rất lo lắng, nhưng cũng thấy may vì có chương trình này. Tôi cũng thấy yên tâm hơn khi được bác sỹ cho biết vì phát hiện sớm nên có thể điều trị được.

Cháu Lò Thị Hạnh và Cà Thị Sơn (con chị Hoa) chỉ là hai trong số rất nhiều người được hưởng lợi từ khám SLSS. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 200 trẻ được khám SLSS, trong đó, phát hiện 10 trẻ bị thiếu men G6PD, chưa phát hiện ca dương tính với bệnh TSH (suy tuyến giáp).

Thực hiện các mục tiêu về DS - KHHGĐ, việc khám SLSS được xem là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện SLSS còn gặp nhiều khó khăn, như: Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ SLSS còn thiếu; đội ngũ cán bộ y tế làm công tác lấy mẫu máu, xét nghiệm còn mỏng, địa điểm triển khai còn hạn hẹp; sản phụ không muốn lấy mẫu máu con mình để xét nghiệm vì sợ con đau… Những điều đó sẽ gây khó khăn khi thực hiện chương trình DS - KHHGĐ, tăng nguy cơ tiềm ẩn các bệnh cho trẻ sơ sinh.

Đẩy mạnh chương trình SLSS là điều cần thiết, cần được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ và tích cực. Bà Nguyễn Thị Hải Yến cho rằng: Để chương trình đạt hiệu quả, người dân hiểu được lợi ích của SLSS, Chi cục sẽ tăng cường công tác truyền thông nhóm, nhóm nhỏ; tích cực phát tờ rơi cách làm mẹ an toàn, các biện pháp tránh thai hiện đại, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, công tác lồng ghép giữa tuyên truyền miệng với các hoạt động họp thôn, bản tại các xã, phường cũng sẽ được đẩy mạnh. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với các bệnh viện trên địa bàn, các trung tâm y tế, bổ sung đội ngũ làm công tác SLSS. Tuy nhiên, cái khó nhất để thực hiện chương trình này là cơ sở vật chất. Hiện nay, sau khi lấy máu gót chân, mẫu sẽ phải gửi về Bệnh viên Phụ sản Trung ương để xét nghiệm. Chính vì thế, việc đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị hệ thống máy móc phục vụ SLSS cũng cần được chú trọng. Có như vậy những đứa trẻ sinh ra sẽ được khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Quang Long
Bình luận
Back To Top