Y tếSức khỏe

Mường Chà chủ động phòng, chống bệnh tiêu chảy ở trẻ em

08:50 - Thứ Hai, 18/07/2016 Lượt xem: 2978 In bài viết
ĐBP - Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mường Chà, 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện có 642 trường hợp mắc tiêu chảy và các bệnh rối loạn về tiêu hóa. Trong đó, 4 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy. 

Để phòng, chống bệnh tiêu chảy và rối loạn về tiêu hóa, đảm bảo sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ, TTYT huyện Mường Chà đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa bệnh phát sinh, lây lan, bùng phát thành dịch... 

 
Cán bộ TTYT huyện Mường Chà truyền dịch cho bệnh nhi.

Bác sỹ Vũ Thị Phương, Phó Giám đốc TTYT huyện Mường Chà, cho biết: Bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân – hè. Đối với trẻ nhỏ nguyên nhân phổ biến nhất là do đường ruột bị nhiễm vi rút, vi trùng hoặc ký sinh trùng. Trẻ bị tiêu chảy có thể do dị ứng thức ăn lạ, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, hoặc bệnh do vi rút rota gây ra; thường có những triệu chứng, như: Nôn mửa, sốt nhẹ, đi ngoài phân lỏng, nhiều nước từ 3 lần/ngày, kéo dài đến 14 ngày. Nặng hơn, trẻ có thể bị sốt li bì hoặc hôn mê, khát nhưng không uống hoặc uống rất ít nước... Trẻ mắc bệnh tiêu chảy nếu không được điều trị hoặc điều trị không hợp lý sẽ bị mất nước khiến cơ thể yếu dần dẫn đến tử vong. Đặc biệt, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa rất dễ mắc các bệnh về tiêu chảy do cách ăn uống, nguồn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, phong tục tập quán và cách chăm sóc trẻ còn lạc hậu; cha, mẹ không đưa con đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm khi có các triệu chứng bệnh, thậm chí chữa bệnh bằng thuốc nam, cúng bái...

Để chủ động phòng, chống bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ, TTYT huyện đã xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đến 12/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng thời, thành lập đường dây nóng báo dịch về TTYT, chỉ đạo Đội Y tế dự phòng kiểm tra, giám sát và triển khai công tác phòng, chống dịch, trực sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã và y tế thôn, bản trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống và chăm sóc khi trẻ bị tiêu chảy với nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân, hệ thống đài phát thanh của huyện, xã, lồng ghép vào các buổi họp dân. Đặc biệt, chủ động tăng cường dự trù các loại thuốc điều trị bệnh tiêu chảy như: Thuốc hạ sốt, kháng sinh, dịch truyền…

Bác sỹ Vũ Thị Phương khuyến cáo cha, mẹ hoặc người thân khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu ban đầu, như: Nôn mửa, tiêu chảy ra nhiều nước... nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, tránh lây lan cho người khác, không nên tự dùng thuốc cho trẻ. Khi trẻ tiêu chảy nặng nên điều trị nội trú tại bệnh viện để theo dõi sát diễn biến của bệnh và có biện pháp xử trí kịp thời. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, cần phải cung cấp cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối và đầy đủ dưỡng chất giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh, thường xuyên vệ sinh thân thể cho trẻ…

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top