Y tếSức khỏe

Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản còn thấp

09:24 - Thứ Năm, 22/12/2016 Lượt xem: 5279 In bài viết
ĐBP - Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm thường lây qua đường muỗi đốt, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể  tử vong hoặc để lại di chứng, song điều đáng quan tâm là hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản tại nhiều địa bàn vùng cao lại quá thấp.

Vừa lật giở sổ thống kê tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản tại các địa phương, bà Dương Thị Thùy Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vừa băn khoăn nói: Tình hình viêm não Nhật Bản B trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, số ca mắc rải rác ở 5 huyện: Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ. Ghi nhận số ca mắc cao và có trường hợp tử vong nhiều nhất, là: huyện Điện Biên (4 ca), Điện Biên Đông (4 ca), Mường Nhé (3 ca), Nậm Pồ (3 ca). Vi rút viêm não Nhật Bản thường trú trong một số loại gia súc và gia cầm, không lây từ người sang người mà do muỗi hút máu súc vật mang bệnh truyền sang người qua vết đốt. Trong khi đó, nhận thức của nhiều người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế. Những trường hợp nhiễm viêm não vi rút trên chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa. Nhận thức, hiểu biết về công tác phòng, chống dịch bệnh chưa cao, như ngủ không mắc màn, không quan tâm vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường sống do đó, tạo môi trường cho ruồi, muỗi mang vi rút gây bệnh trú ngụ, phát triển, truyền bệnh sang người.

 

Cán bộ y tế xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo khám sàng lọc cho trẻ trên địa bàn xã.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản còn thấp, huyện Tuần Giáo có 2.297 đối tượng tiêm, song đến nay, mũi 1 và mũi 2 mới chỉ đạt 78%, mũi 3 đạt 73%. Địa bàn có tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt rất thấp là xã Mường Khong (32%), Chiềng Sinh (58%). Chị Nguyễn Thị An, cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, lý giải: Vắc xin viêm não Nhật Bản được tiêm phòng đối với trẻ dưới 5 tuổi và nên tiêm cho trẻ khi được 12-15 tháng tuổi, theo lịch tiêm đủ 3 mũi của chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì tiêm ngay càng sớm càng tốt, theo lịch tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Còn người lớn, nếu chưa từng tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cũng nên tiêm ngay. Theo lịch tiêm, các đối tượng phải thực hiện tiêm đầy đủ 3 mũi, song thời gian tiêm các mũi lại cách xa, đặc biệt là mũi thứ 3 phải tiêm sau mũi thứ 2 một năm. Do thời gian khá dài như vậy nên nhiều phụ huynh thường quên đưa con em mình đến tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm ở huyện Tuần Giáo đạt thấp, đặc biệt là đối với mũi 3.

Khắc phục thực trạng trên, vừa qua Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã triển khai 2 đợt kiểm tra rà soát, thống kê số lượng các đối tượng chưa tiêm chủng đủ 3 mũi trong toàn tỉnh. Thực tế tỷ lệ tiêm ở một số địa bàn còn đạt thấp nên việc tiêm vét là điều cần thiết. Đối với những địa bàn có tỷ lệ tiêm thấp, đơn vị đã chỉ đạo trung tâm y tế các xã khẩn trương lập danh sách cụ thể để thực hiện tiêm vét đối với các đối tượng này. Bà Dương Thị Thùy Châu, cho biết: Ở các xã vùng sâu, vùng xa, người dân sống rải rác, không tập trung cho nên khi triển khai các hoạt động về tuyên truyền, vận động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản, cán bộ y tế gặp không ít khó khăn. Nhiều hộ ở xa trung tâm xã nên cán bộ tuyên truyền tìm đến các gia đình đã khó nhưng gặp được còn khó hơn vì người dân thường đi nương cả ngày. Khó khăn nữa là nhiều nơi bà con không hưởng ứng tiêm chủng.

Bệnh viêm não Nhật Bản thường có biểu hiện cấp tính như sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa, rối loạn tinh thần, vật vã, mê sảng hoặc lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 20%. Viêm não Nhật Bản gây tổn thương trực tiếp não và lan tỏa nhiều nơi, trong khi không có thuốc đặc trị, chỉ hồi sức, chờ bệnh nhân tự hồi phục nên bệnh thường nặng và tỉ lệ tử vong cao. Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản ngoài tiêm vắc xin phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ và ngủ mắc màn tránh muỗi đốt truyền bệnh cho người. Khi có biểu hiện, triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Hết tháng 12/2016, toàn tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản. Để hoàn thành chỉ tiêu về tiêm vắc xin thì việc tiêm vét là rất cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực từ các đơn vị địa phương, đặc biệt ở những vùng tỷ lệ tiêm đạt thấp, có nguy cơ dịch bệnh cao.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top