Y tếSức khỏe

Ung thư không phải là dấu chấm hết!

15:36 - Thứ Hai, 15/05/2017 Lượt xem: 6404 In bài viết
Bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng không chỉ ở Việt Nam mà còn với thế giới. Do quá lo sợ, nhiều người tìm mua những loại thuốc, thực phẩm chức năng được “thổi phồng” về khả năng phòng chống ung thư. Tuy nhiên, thực tế, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu mỗi người biết duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống, luyện tập hợp lý.

Bệnh lý do nhiều nguyên nhân kết hợp

Đề cập đến sự gia tăng số ca mắc ung thư tại nước ta, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K dẫn chứng: Nếu như năm 2000, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam là hơn 68.000 trường hợp thì vào thời điểm hiện tại, hằng năm có khoảng 126.000 ca mắc mới, trong đó có khoảng 94.000 trường hợp tử vong. Ước tính đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 196.000 trường hợp mắc mới ung thư mỗi năm. Tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam ở cả hai giới là 140 trường hợp/100.000 dân, xếp thứ 78/172 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Ứng dụng kỹ thuật cao trong khám và chữa bệnh ung thư tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, ung thư là bệnh lý không phải do một nguyên nhân gây ra, mà do nhiều nguyên nhân kết hợp. Qua nhiều nghiên cứu dịch tễ học, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, chỉ có 10% trong số bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể, gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền… Những nguyên nhân này thường không thay đổi được. Chẳng hạn, một người sống trong gia đình có mẹ hay chị em gái mắc ung thư vú thì người đó có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 4-6 lần so với người bình thường. Thậm chí, nguy cơ mắc ở những người này còn cao hơn nữa khi họ sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong hơn 10 năm.

"Hiện có 5 loại ung thư thường gặp nhiều nhất ở nữ là: Ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày. Đối với nam giới, 5 loại ung thư phổ biến là ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đầu trực tràng và ung thư thực quản. Để phòng bệnh, người dân nên thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm/lần. Người hơn 40 tuổi hoặc gia đình có tiền sử ung thư thì nên khám tầm soát 6 tháng/lần".
Giám đốc Bệnh viện K Trần Văn Thuấn

Ngoài ra, PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết thêm: Hơn 80% số bệnh ung thư phát sinh do những yếu tố bên ngoài cơ thể như lối sống thiếu khoa học, duy trì các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, lười vận động, ăn nhiều đồ chiên xào, đồ muối lên men, thực phẩm “bẩn”… Thêm vào đó là yếu tố liên quan đến nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường - những yếu tố mà con người có thể thay đổi được. “Trong số các nguyên nhân liên quan đến yếu tố môi trường thì việc hút thuốc, duy trì chế độ dinh dưỡng không hợp lý và nạn ô nhiễm thực phẩm chiếm tới 65% nguyên nhân gây ung thư”, PGS.TS Trần Văn Thuấn khẳng định.

Tránh xa “thần dược trôi nổi”

Mới đây, Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ra lời cảnh báo về 65 sản phẩm (gồm thuốc viên, kem bôi, thuốc mỡ, dầu bôi, thuốc dạng nước và các loại trà) được “thổi phồng” về khả năng phòng chống ung thư. Dù không có tác dụng phòng chống, chữa trị ung thư như quảng cáo nhưng các sản phẩm này được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Vì vậy, các chuyên gia ung bướu lo ngại rằng nhiều sản phẩm trong số này có thể đã được tuồn vào Việt Nam qua đường "hàng xách tay".

Những loại "thần dược trôi nổi" có thể gây tác hại cho sức khỏe của người dùng, ngăn cản quá trình điều trị dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Tại các bệnh viện ung bướu, các bác sĩ đã gặp không ít trường hợp đang điều trị ung thư nhưng tự ý cắt ngang để uống “thần dược” được đồn thổi là có tác dụng chữa bệnh ung thư. Sau một thời gian tự ý dùng “thần dược”, một số bệnh nhân quay trở lại bệnh viện khi bệnh đã trở nặng, không thể điều trị được nữa do đã qua khoảng “thời gian vàng” và khối u phát triển nhanh hơn. Sự thiếu hiểu biết của người bán, người mua về “thần dược” trị ung thư khiến cho nhiều bệnh nhân sớm lìa đời một cách oan uổng. 

PGS.TS Trần Đình Hà (Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu thuộc Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, mắc bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết. Quan trọng là bệnh nhân không được bỏ dở lộ trình điều trị của bác sĩ để chạy theo cách chữa bệnh “truyền miệng” chưa được kiểm chứng. Người bệnh có thể chữa khỏi ung thư hoặc kéo dài thời gian sống nếu được điều trị tích cực ngay từ khi phát hiện bệnh. PGS.TS Trần Đình Hà đưa ra lời khuyên: Dự phòng đúng cách, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực ngay từ khi phát hiện bệnh là ba cách để ngăn ngừa cũng như chữa bệnh ung thư. 

GS.TS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định: Khi nghe nói mình mắc bệnh ung thư, hầu hết bệnh nhân suy sụp tinh thần, không thiết ăn, uống do nghĩ mình sắp chết. Thế nhưng, thực tế cho thấy bệnh ung thư hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Hiện nay, tỷ lệ điều trị thành công căn bệnh ung thư ngày càng cao. Với nhiều loại ung thư, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ kéo dài sự sống hoặc được chữa gần như khỏi bệnh là rất lớn.

Điều quan trọng nhất để trị bệnh hiệu quả là bệnh nhân phải giữ tâm lý vững vàng, tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, thay đổi lối sống theo hướng tích cực, chăm tập luyện thể thao và duy trì chế độ ăn uống khoa học. Để phát hiện bệnh sớm, người dân nên đi khám định kỳ. Nếu có bệnh thì không nên tin lời quảng cáo về những loại “thần dược” để khỏi lâm vào cảnh mất tiền - mất cơ hội điều trị tích cực.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top