Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

“Ngọn lửa” gìn giữ hạnh phúc gia đình

08:37 - Thứ Hai, 27/06/2016 Lượt xem: 2252 In bài viết
ĐBP - Bữa cơm gia đình là nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam, đó không đơn thuần là nơi các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức món ăn mà hơn thế, là lúc tận hưởng không khí ấm áp, những khoảnh khắc sum họp, yêu thương, chăm sóc nhau giữa các thành viên. Bữa cơm thực sự là chìa khóa, “ngọn lửa” gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Bữa cơm ấm áp tình yêu thương, tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng đó là nơi bình yên, hạnh phúc để mỗi người tìm về  sau một ngày lao động, làm việc và học tập vất vả. Đó không chỉ là nơi gắn kết tình thân mà còn là nguồn cảm hứng, tạo nên sự vui vẻ, thư giãn, gạt đi những muộn phiền, tìm thấy được yêu thương và sự sẻ chia. Dù là cán bộ, công chức hay người nông dân “chân lấm tay bùn” thì bữa cơm gia đình vẫn là phút giây sum họp ấm tình yêu thương; đó cũng là lúc ông, bà, bố, mẹ và các con, cháu ngồi tâm sự về công việc, sẻ chia tình cảm gia đình, tìm hiểu việc học hành của con, cháu và cảm nhận sự trưởng thành từ những bữa ăn.

 

Bà Quàng Thị Đanh cùng con dâu (bản Lé, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) chuẩn bị mâm cơm cho gia đình.

Với vai trò “kiến trúc sư”, những người phụ nữ trong gia đình (người bà, người mẹ, người chị) đã gửi gắm tình cảm vào mâm cơm ngon, canh ngọt cho những người thân yêu. Truyền thống, nề nếp gia đình cũng được hình thành từ những bữa ăn đạm bạc mà đầm ấm đó. Bà Quàng Thị Đanh, bản Lé, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên), chia sẻ: Với truyền thống của người phụ nữ Thái, tôi cũng như bao người vợ, người mẹ khác luôn chăm lo cuộc sống gia đình bằng những bữa cơm ngon để cả nhà sum vầy bên nhau sau những giờ lao động mệt nhọc. Không chỉ là những món ăn ngon mà bữa cơm gia đình còn thể hiện sự chung thuỷ giữa vợ chồng, sự “tâm đầu ý hợp” cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại đời thường để cùng nhau xây tổ ấm.

Xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống gấp gáp thời hiện đại đang làm những bữa cơm sum vầy thiếu vắng dần trong mỗi gia đình, nhất là những gia đình trẻ ở thành phố. Nhưng ở hoàn cảnh nào đi nữa, nếu có ý thức vun đắp thì mọi gia đình vẫn có thể duy trì những bữa cơm ấm áp và hạnh phúc. “Dù xã hội hiện đại đến đâu nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cụ thể là bữa cơm gia đình luôn chiếm một vị trí quan trọng. Hãy trân trọng và biết tận dụng những điều rất nhỏ từ bữa cơm gia đình trong việc giữ gìn tổ ấm và nuôi dưỡng tâm hồn, vì điều đó sẽ tạo nên hạnh phúc”. Chị Đỗ Thị Khánh Huyền, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) bộc bạch.

Với chủ đề “Bữa cơm ấm áp yêu thương” gắn với công tác tuyên truyền về công tác gia đình là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, mỗi gia đình hãy cố gắng gìn giữ và duy trì những bữa cơm truyền thống cũng như hạnh phúc gia đình. Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 118.616 hộ gia đình. Ngày Gia đình Việt Nam là sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình; là dịp để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh triển khai truyền thông nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, vị trí quan trọng của gia đình trong đời sống xã hội, Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị từ tỉnh đến địa phương tổ chức nhiều hoạt động, như: Gặp mặt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, biểu dương các gia đình tiêu biểu... Đặc biệt, thông qua những buổi họp bản, tổ dân phố, Phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tổ chức “bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức gặp mặt, giao lưu các gia đình tiêu biểu nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Đồng thời, tổ chức 2 cuộc thi thơ và ảnh với chủ đề: “Tự hào gia đình Việt Nam”; “Gia đình hạnh phúc”. Qua đó, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình cũng như đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, kế thừa truyền thống tốt đẹp những giá trị văn hóa tinh túy mà cha ông để lại...

“Gia đình hạnh phúc, bình đẳng” ở ngay trong chính bữa ăn của mỗi gia đình, sẽ là điểm tựa để mỗi thành viên gặt hái những thành công trong cuộc sống. Vì vậy, cuộc sống dù có hiện đại, bận rộn thế nào chăng nữa thì mỗi thành viên không nên xem nhẹ bữa cơm gia đình, bởi đó là truyền thống tốt đẹp, là “ngọn lửa” gìn giữ hạnh phúc gia đình, nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top