Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Chung tay chấm dứt bạo lực gia đình

09:42 - Thứ Bảy, 26/12/2020 Lượt xem: 45146 In bài viết

ĐBP - Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, nhưng vấn đề bạo lực gia đình vẫn như “tảng băng chìm” diễn ra âm ỉ hàng ngày trong xã hội. Hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ là một trong những mục tiêu của các cấp, ngành và của toàn xã hội.

Bà Ðỗ Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì hạnh phúc gia đình thôn Duyên Long, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) (bên phải) chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình với phụ nữ trong thôn.

Các cấp, các ngành đã tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm thu hút cộng đồng và toàn xã hội tham gia thực hiện bình đẳng giới, từng bước xóa bỏ phân biệt đối xử giữa phụ nữ và nam giới đặc biệt là phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình và ngoài cộng đồng. Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai duy trì mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài tại xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) và mô hình “Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” tại xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên). Từ đầu năm đến nay, các mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực: Tiếp nhận và hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho 8 nạn nhân bị bạo lực; tập huấn cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân cho cán bộ, chi hội trưởng, trưởng thôn, bản… Ngoài ra, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGÐ) được triển khai tại 10/10 huyện, thị, thành phố; 70/130 xã, phường có ban chỉ đạo; 417 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 538 nhóm PCBLGÐ. Các câu lạc bộ, nhóm PCBLGÐ vẫn duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tháng/lần, một số khác duy trì sinh hoạt định kỳ 1 lần/quý. Hoạt động chủ yếu của các câu lạc bộ, mô hình là tuyên truyền, triển khai hoạt động, ngăn chặn và giải quyết kịp thời khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc nguy cơ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn…

Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 840 “địa chỉ tin cậy”, trong đó, 240 địa chỉ tin cậy do các cơ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành lập. Ðiều đó cho thấy, việc tuyên truyền, vận động và xây dựng “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng đã được Hội LHPN tỉnh quan tâm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình. Bà Ðỗ Thị Oanh, Trưởng thôn, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì hạnh phúc gia đình thôn Duyên Long, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) chia sẻ: Thập niên 1990, đầu những năm 2000 vấn đề bạo lực gia đình xảy ra nhiều nhất. Vào thời điểm đó, cánh đàn ông vẫn tự cho mình là “trụ cột gia đình” nên chỉ cần một vài mâu thuẫn nhỏ là đã sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ con. Chính vào lúc đó Câu lạc bộ Vì hạnh phúc gia đình của chúng tôi được thành lập với 53 thành viên đều là cán bộ, người có uy tín ở thôn. Vừa đẩy mạnh tuyên truyền, chúng tôi vừa tìm cách giúp đỡ chị em tiến bộ, vươn lên trong cuộc sống thông qua các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi hội phụ nữ, đoàn thể... Các “địa chỉ tin cậy” cũng được chi hội phụ nữ thôn xây dựng tại nhà trưởng thôn, bí thư chi bộ, nhà người lớn tuổi, có uy tín trong thôn. Nhờ hoạt động tích cực mà hiện nay vấn đề bình đẳng giới đang có tín hiệu tích cực khi ngày càng có nhiều phụ nữ “vừa giỏi làm kinh tế, vừa đảm việc nhà”, vừa tham gia vào nhiều hoạt động của xã hội. Tình trạng bạo lực gia đình đã từng nhức nhối thì hiện nay hầu như không còn nữa. “Ðịa chỉ tin cậy” vẫn được chúng tôi duy trì nhưng mang tính chất dự phòng vì lâu rồi không phải sử dụng đến…

Ngoài những nỗ lực của các cấp ngành, địa phương thì nhiều tổ chức cũng đặc biệt quan tâm tới chấm dứt vấn nạn bạo lực gia đình. Tiêu biểu như vào năm 2018, dự án “Nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” do Ủy ban Châu Âu tài trợ, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT), Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh Ðiện Biên và CARE (tổ chức nhân đạo quốc tế) tại Việt Nam triển khai lần đầu tiên tại 24 thôn, bản thuộc 4 xã: Thanh Nưa, Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) và Mường Phăng, Pá Khoang (TP. Ðiện Biên Phủ) đã tập trung giảm thiểu vấn đề bạo lực giới trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Theo khảo sát của CARE với 329 nữ giới và 101 nam giới tại 4 xã vùng Dự án cho thấy: Trong 12 tháng (từ tháng 7/2018 trở về trước), có tới hơn 3/4 phụ nữ từng chịu ít nhất 1 dạng bạo lực (chiếm 77,5%). Số người từng bị bạo lực tinh thần lần lượt là 66,6%; 35% và 32% tương ứng với các hành vi chửi mắng, đe dọa và kiểm soát đi lại. Từ khi dự án triển khai đã thu được những kết quả quan trọng. 92% phụ nữ và 85% nam giới người dân tộc thiểu số tại các địa bàn của Dự án đã nhận diện được 4 hình thức bạo lực và phản đối mọi hình thức bạo lực; các cơ sở dữ liệu về tình trạng bạo lực tại cấp thôn bản và cấp xã được hoàn thiện; các trường hợp phụ nữ bị bạo lực đã được phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Bà Lò Thị Chanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Phăng chia sẻ: Dự án được triển khai tại 6 bản, mỗi bản có 2 hạt nhân thay đổi được lựa chọn để làm công tác truyền thông về bình đẳng giới, tổ chức trò chuyện trao đổi với người chồng, người vợ về các vấn đề gia đình; phối hợp với tổ hòa giải bản để giải quyết các mâu thuẫn phát sinh… Qua đó, nhiều gia đình đã nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình, các trường hợp vi phạm trước đây đều đã nhận thức được hành vi sai trái và cam kết không tái phạm. Nhiều vụ bạo lực mới chớm hình thành cũng được nhóm giải quyết kịp thời, giúp các cặp vợ chồng hòa giải, hàn gắn tình cảm...

Có thể thấy rằng, những giải pháp trong công tác phòng, chống bạo lực các cấp, ngành tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ ngăn chặn vấn nạn này trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bạo lực gia đình là vấn đề không chỉ của từng gia đình mà còn là của cả cộng đồng, xã hội và vẫn đang tồn tại. Vì vậy, để xóa bỏ hoàn toàn bạo lực gia đình ra khỏi đời sống đòi hỏi có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cả chính những người trong cuộc. Chỉ khi nào vấn nạn này bị xóa bỏ thì lúc đó gia đình mới được coi là chốn bình yên, mới đạt được mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top