Tạp bút

Giàn gấc của bố

00:00 - Thứ Sáu, 30/01/2015 Lượt xem: 2978 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Tháng Chạp đã chạm ngõ. Những đợt rét thưa dần. Ấy cũng là lúc giàn gấc của bố tôi bắt đầu lúc lỉu quả xanh, quả đỏ. Bố gieo những khóm gấc ngay đầu ngõ và bắt giàn cho chúng leo.

Tuổi thơ tôi lớn lên bên giàn gấc ấy. Tôi nhớ, mỗi lần thấy những quả gấc bắt đầu lấp ló và treo lủng lẳng xuống giàn tôi lại reo lên: “Bố ơi, gấc đã ra quả rồi!”. Cứ vậy, mỗi sáng tỉnh giấc tôi lại ra ngay đầu ngõ nhìn xem có “chú” gấc nào thòng lõng xuống giàn nữa không.

Bốn anh chị em tôi đều rất thích ăn xôi gấc. Thời gian mong gấc chín nhanh để có thể tận hưởng món xôi đo đỏ khiến tôi nao lòng. Có khi phải kì kèo với mẹ mua một quả về thổi xôi trước. Bố tôi thường cười bảo, sau này cho ăn xôi gấc trừ bữa luôn, đừng trách!

 

Gấc thuộc loại cây dễ trồng. Có khi làm xôi gấc vứt một nhúm hạt ra vườn. Một vài cơn mưa xuân nhẹ rớt xuống, gấc nẩy mầm và vươn lên. Rồi bố nhẹ nhàng đào từng gốc cây đặt ngay ngắn hai bên ngõ. Cũng chẳng phải chăm sóc gì nhiều cứ thế gấc vươn lên xanh tốt.

Khoảng gần cuối đông quả gấc lớn rất nhanh, lủng lẳng trong gió đung đưa trước ngõ. Với trí tưởng tượng của bọn trẻ lúc đó, hình hài quả gấc được miêu tả bằng nhiều hình thù khác nhau. Có đứa bảo giống chú chó con màu đen khi mới đẻ. Có đứa lại bảo nó giống quả lựu đạn vì… bố nó bảo thế!

Đến mùa thu hoạch gấc, bố bắc ghế cắt những quả gấc chín. Tôi đứng dưới nghển cổ và đỡ lấy từng quả cho vào thúng. Những chiếc gai li ti chạm vào tay khiến tôi phải cẩn thận, nhẹ nhàng với từng quả gấc.

Gấc hái xuống, bố để lại vài quả cho mẹ đồ xôi dần. Số còn lại mẹ mang chợ bán. Số tiền bán gấc được mẹ đưa toàn bộ cho tôi bỏ lợn. Đến khi mổ lợn, tiền được dùng trang trải cho việc học hành của mấy anh em.

Ngoài để đồ xôi buổi sáng cho các con ăn mẹ còn dùng để đồ xôi cúng đầu năm mới. Ngày ấy, tôi không hiểu tại sao mọi người lại chuộng xôi gấc trong mâm cỗ cúng đầu năm. Lớn lên tìm hiểu thì mới biết được rằng “Người Việt Nam vẫn quan niệm màu đỏ là màu của hạnh phúc, màu thắm của sắc xuân, là biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành. Màu đỏ của gấc là màu tự nhiên của đất trời mang đến sẽ tạo ra sự dung hòa, thuận lợi cho năm mới”. Vào bữa cơm tất niên hay trên mâm cỗ cúng gia tiên ngày đầu năm mới, còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta có được một đĩa xôi gấc thể hiện niềm tin, mong ước được nhiều lộc, nhiều may mắn trong cả năm.

Với tôi, giàn gấc của bố không chỉ là kỉ niệm ấu thơ mà đó còn là niềm ân huệ của tạo hóa ban tặng vùng đất nghèo khổ quê tôi. Tôi đã lớn lên trưởng thành nhờ giàn gấc ấy. Những tháng ngày sống hạnh phúc đầy đủ tôi lại càng trân quý ngày xưa đói khó. Giàn gấc là cả bao la tình cảm yêu thương của cha mẹ dành trọn cho anh em chúng tôi. Những ngày cuối năm này tôi lại thèm ăn một nắm xôi gấc của quê nhà…

Văn Quyền
Bình luận
Back To Top