Địa danh, nguồn sử liệu vô giá

00:00 - Thứ Hai, 04/01/2016 Lượt xem: 2837 In bài viết
ĐBP - Mới đây, tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 10/12/2015 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIII, hơn một lần các đại biểu Thào A Dế và Pờ Chí Lình (huyện Mường Nhé), bày tỏ băn khoăn về việc chọn địa danh cho các bản mới khi chia tách. Từ thực tế cuộc sống nơi chính người dân là đối tượng sử dụng nhiều nhất những tên gọi, các đại biểu đề nghị cần tránh tình trạng đặt tên không chỉ làm mất đi những nét đặc sắc vùng miền, mà còn gây trùng lặp, rối rắm như trước đây đối với địa danh các bản: Mường Toong 1, Mường Toong 2, Mường Toong 3... Mường Toong 10...

Di tích Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên), một địa danh gợi niềm thương đau trong quá khứ. Ảnh: Công Phúc

Theo PGS.TS Hoàng Lương - Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - địa danh là những tên đất, tên rừng, tên sông, tên suối... thuộc địa bàn đã hoặc đang sinh sống của các dân tộc. Địa danh là những nguồn sử liệu vô giá góp phần xác định và làm rõ thêm nguồn gốc lịch sử, quá trình tộc người của các dân tộc, thậm chí đến từng nhóm địa phương của tộc người. Và như vậy, tên các bản Mường Toong 1, Mường Toong 2, Mường Toong 3... chính là các địa danh trong số 1.813 địa danh thôn, bản, tổ dân phố của tỉnh Điện Biên (Nghị quyết số 397/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh).

Trước đó, tháng 10/2011, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu kết quả chuẩn hóa địa danh tỉnh Điện Biên. Vậy là đã hơn 4 năm trôi đi, trong tập hợp vô vàn những tên đất (địa danh), tên nước (thủy danh) của Điện Biên nói chung và lòng chảo Mường Thanh nói riêng (sau đây xin gọi chung là địa danh), nếu địa danh Điện Biên được mọi người biết đến sau chiến dịch Trần Đình tháng 5/1954, thì địa danh Mường Thanh lại là cái tên xuất hiện từ rất sớm trong sử sách, đặc biệt là trong dân gian và trong tín ngưỡng của dân tộc Thái... Chẳng phải ngẫu nhiên mà cách đây gần 7 năm, nằm trong chương trình kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/2009), Hội nghị Thái học toàn quốc lần thứ V chọn thành phố Điện Biên Phủ là nơi tổ chức (do Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) và UBND tỉnh Điện Biên đồng chủ trì). Với chủ đề: “Địa danh và những vấn đề lịch sử - văn hoá các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Việt Nam”, hội nghị thu hút nhiều nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực Thái học; lãnh đạo tỉnh Điện Biên và đại diện một số ban, ngành các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An... Hội nghị tập trung phân tích, thảo luận làm rõ tên, ý nghĩa, giá trị của các địa danh vùng Tây Bắc nói chung, vùng văn hoá Mường Thanh - Điện Biên nói riêng. Một số ý kiến tranh cãi gay gắt và thẳng thắn, về ý nghĩa, nguồn gốc tên gọi các địa danh vùng Mường Thanh...

Bản văn hóa Him Lam (TP. Điện Biên Phủ), một địa danh gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh: Hòa An

Là đại biểu được mời tham dự Hội nghị nói trên với tư cách một diễn giả có tham luận trình bày, ông Lò Văn Thâng - nguyên Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Tuần Giáo, ủy viên (tư vấn tiếng Thái) của “Hội đồng nghiệm thu kết quả chuẩn hóa địa danh tỉnh Điện Biên” (Quyết định số 1045-2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên), cho biết: Tên bản tên mường của dân tộc Thái nói riêng và ở vùng Điện Biên - Lai Châu nói chung, đều có nguồn gốc xuất xứ. Để hiểu đúng nghĩa tên bản tên mường thì cần thiết phải nghe, nói, đọc, viết đúng âm chuẩn tiếng dân tộc ở vùng đó. Tên bản tên mường thường lấy tên của truyền thống, di tích lịch sử giữ đất giữ mường nơi vùng đó hoặc do đặc điểm địa lý mà xảy ra hiện tượng tự nhiên, hoặc lấy tên theo tên một loài cây, rừng cây, con suối, khu ruộng, con vật hay theo truyền thuyết, cổ tích nào đó. Tên bản tên mường thường là tên truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác, sử sách lưu lại về sau... Đến nay trên địa bàn tỉnh ta chưa có công trình nào ghi chép đầy đủ tên gọi và ý nghĩa, nguồn gốc của mỗi tên gọi các bản mường, sông suối...

Trong một công trình đã công bố, tác giả Lê Thúy Quỳnh (Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Điện Biên) cho rằng: Nhìn chung các địa danh đều gắn với nguồn gốc lịch sử ra đời, phát triển về nơi cư trú của các cộng đồng dân cư và cách gọi tên địa danh theo đặc điểm; đã thể hiện cái nhìn của đồng bào về vũ trụ, tự nhiên, về môi trường sinh thái đối với cuộc sống con người. Đồng bào Thái nói riêng và các dân tộc khác của Điện Biên nói chung, đã ý thức được đặc điểm tự nhiên trong địa bàn cư trú mang lại lợi ích gì cho cuộc sống của họ cũng như ý thức được những gì ảnh hưởng tới cuộc sống? Để từ đó có cách ứng xử phù hợp với đặc điểm của tự nhiên. Đó là cách ứng xử của con người với thế giới tự nhiên mang đầy tính nhân văn, để thúc đẩy cuộc sống con người ngày càng phát triển hoàn thiện, văn minh hơn.

Những tên gọi dựa theo đặc điểm của tự nhiên mà nhân dân đã đặt ra để gọi ở mỗi nơi trên mọi vùng miền đất nước, hầu hết đã trở thành những sản phẩm dân gian (Folklore). Có những tên gọi của mỗi vùng miền từ thuở hoang sơ ta mới có cơ sở để tìm hiểu về lịch sử ban đầu vùng đấy ấy, mới hiểu được giá trị sức lao động của con người. Chính lao động sản xuất là một thành tố tích cực thúc đẩy con người và xã hội phát triển. Giúp con người vươn tới với những giá trị tốt đẹp của Chân - Thiện - Mỹ. Tên gọi vùng miền theo đặc điểm tự nhiên, chứa đựng yếu tố lịch sử của quá trình đấu tranh gian khổ trong công cuộc khai phá tự nhiên hoang dã của con người để lập bản dựng mường. Tương truyền từ xa xưa, Tây Bắc là nơi rừng thiêng nước độc; quá trình khai phá tự nhiên, tạo lập cuộc sống là quá trình con người phải chinh phục, vật lộn với thiên nhiên. Nếu đi từ Hòa Bình lên tới Điện Biên ta sẽ thấy rất rõ những dãy núi đá vôi kéo dài, những rừng tre, nứa, vầu ngút ngàn... mang đặc trưng của miền Tây Bắc. Và ta chợt hiểu tại sao xứ sở này lại có nhiều địa danh được gọi bằng tên của những loại tre rừng, những đặc điểm kiến tạo địa lý như vậy. Ví như tên gọi của bản Pá Pháy (bản rừng tre gai), bản Pá Khoang (bản rừng cây trúc), bản Hin Phon (bản đá vôi), bản Huổi (bản khe suối), bản Co Mỵ (bản cây mít), bản Nà Hỳ (bản ruộng dài), bản Ná Ngom (bản ruộng lúa chín), bản Noong Pết (bản Ao vịt), bản Phai Đin (bản có đất dẻo dùng để đắp phai rất tốt, trong công cuộc khai hoang phục hóa với những cư dân mà cuộc sống gắn bó với nền nông nghiệp lúa nước)...

Không đơn giản chỉ căn cứ vào những nơi có nhiều tre, trúc, ao, hồ hoặc núi đá vôi để đặt tên vùng đất, mà các cụ xưa muốn qua những tên gọi ấy để nhắc nhở cho con cháu nhớ rằng thuở xưa ông bà ta đã khai phá, đã phải chinh phục tự nhiên hoang dã như thế nào mới có bản, có mường ngày nay. Đặc biệt có những nơi thiên nhiên khắc nghiệt tưởng như không thể là chỗ cho con người có thể sinh sống được như đất Mường Nhà (Điện Biên), xưa kia trong lời kể của đồng bào đất Mường Nhà là nơi rừng thiêng đầy thú dữ, cây dại, tre gai rậm âm u. Chỉ riêng những loài côn trùng độc (như ruồi vàng, bọ chó...) đã đủ làm con người ngại ngùng và coi đó là nơi không thể sống được. Mường Nhà, tức “Mường đừng ở”, vậy mà người ta vẫn khai khẩn đất đai, biến đó thành nơi có sự sinh sôi nảy nở qua nhiều thế hệ trao truyền.

Tự nhiên vốn dĩ công bằng, nếu có mặt hạn chế thì cũng có mặt tích cực để bù chì, san sẻ. Điều quan trọng là con người đã biết chọn lựa những nơi thuận tiện cho việc mưu sinh của họ trước tiên, còn những nơi không thuận tiện thì sẽ mở mang, chinh phục dần dần sau đó, có thể là rất nhiều năm sau nữa. Với câu chuyện địa danh, cố nhiên trong các vùng đất sẽ có cả những tên gọi mà mới chỉ nghe nhắc tới ta đã cảm nhận ngay được đó là vùng đất có điều kiện sống tốt cho con người. Nhiều tài liệu lịch sử nói rằng tên gọi Điện Biên có từ năm đầu dưới triều vua Thiệu Trị (Tân Sửu, 1841). Người đề xuất địa danh Điện Biên để nhà vua chuẩn tấu, chính là Nguỵ Khắc Tuần (1799-1854), một danh sỹ nổi tiếng tài giỏi, thanh liêm và hết sức chuyên cần; quê quán xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, với số đông đồng bào Thái, đơn giản là từ xa xưa vùng đất Điện Biên có tên gọi Mường Then - Mường Thanh. Theo ngôn ngữ ngành Thái đen thì Mường Then là Mường trời - nơi có cuộc sống ấm no và mọi sự đều êm thuận...

Công Phúc
Bình luận
Back To Top