Gây quỹ cộng đồng, xu hướng xuất bản mới

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 2205 In bài viết
Giờ đây độc giả không cần đợi đến lúc sách phát hành mới có thể được sở hữu, mà có thể đặt mua ngay từ khi tác phẩm ở dạng sơ thảo. Chính độc giả sẽ quyết định việc tác phẩm có thể ra thị trường được hay không bằng việc tham gia gây quỹ cộng đồng. Tuy nhiên, xu hướng xuất bản mới này cũng đang gây ít nhiều nghi ngại.

Một hình thức mới

Dù đến ngày 10-1-2016 mới chính thức phát hành trên toàn quốc, nhưng trước đó nhiều ngày, thông tin về cuốn sách Xứ Đông Dương do Công ty sách Alpha và Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam hợp tác xuất bản đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Sự quan tâm không chỉ bởi đây là tác phẩm của ông Pôn Đu-me, một người Pháp từng làm Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897-1902, mà còn bởi cuốn sách được xuất bản thành công theo hình thức “gây quỹ cộng đồng” (crowdfunding). Theo hình thức này, tác phẩm được bán ngay từ khi mới ở dạng bản thảo (chưa phát hành), thậm chí mới chỉ là ý tưởng. Tuy nhiên ngay khi Xứ Đông Dương vừa ra mắt, đơn vị xuất bản đã lập tức thông báo “dừng phát hành bản in hiện tại và đổi lại bản tái bản cho tất cả độc giả đã đóng góp tiền xuất bản cuốn sách cũng như đã mua cuốn sách”, vì “dù đã hết sức cố gắng, song ê-kíp biên dịch và biên tập đã không thể tránh được các sai sót”, do vậy đơn vị xuất bản sẽ tiến hành sửa chữa, tái bản cuốn sách vào tháng 3-2016. Trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 11-1 đã nhận xét về Xứ Đông Dương: "Sách hay nhưng dịch sai kinh hoàng"! Sự cố xuất bản Xứ Đông Dương nhanh chóng trở thành chủ đề được tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội; một số ý kiến không khỏi băn khoăn về một hình thức xuất bản mới ở Việt Nam, dựa trên việc gây quỹ cộng đồng.

Long thần tướng - bộ truyện tranh lịch sử Việt Nam được xuất bản thành công nhờ gây quỹ cộng đồng.

Trên thế giới, hình thức xuất bản này khá phát triển và hiện được ưa chuộng với những trang gây quỹ “đình đám” như: indiegogo.com, kickstarter.com, ig9.com… Theo số liệu thống kê từ Massolution - một công ty chuyên nghiên cứu thị trường, chỉ trong năm 2013, số tiền gây quỹ từ các trang trực tuyến trên thế giới là 5,1 tỷ USD. Cùng năm này, nhà văn R.Thô-mét gây quỹ thành công với số tiền 5,7 triệu USD từ 91.585 người ủng hộ dự án thực hiện phiên bản cho bộ phim Veronica Mars được coi như một hoạt động gây quỹ cộng đồng ấn tượng của năm. Xuất hiện trong hơn 10 năm qua, phát huy tác dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng hình thức gây quỹ cộng đồng chỉ thật sự phát triển mạnh trong năm năm trở lại đây và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho những người khởi nghiệp. Ở Việt Nam, gây quỹ cộng đồng đã xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, tuy nhiên trong xuất bản, phải đến năm 2014 hình thức này mới chính thức được biết đến với việc ra đời bộ truyện tranh lịch sử Long thần tướng. Khi đó, ê-kíp thực hiện bộ truyện tranh này đã mở trang betado.com để kết nối với bạn đọc, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ kinh phí từ cộng đồng. Kết quả, chỉ sau hai tháng có 711 người tham gia ủng hộ với tổng số tiền là 300 triệu đồng. Thành công của Long thần tướng được coi như một sự kiện của làng xuất bản vốn vẫn quen với cách thức bán sách và thu tiền; gây nên một “làn sóng phấn chấn” không hề nhỏ trong giới sáng tác truyện tranh nói riêng và xuất bản nói chung. Trên mạng, xuất hiện thêm những trang kêu gọi cộng đồng cùng góp quỹ xuất bản như comicola.com, crobo.vn. Nhờ đó có thêm nhiều cuốn sách đã được xuất bản thành công như: Humans of Hanoi - Bước vào thế giới của nhau (sách ảnh); Truyện cực ngắn (Đào Quang Huy); Thành Kỳ Ý (tiểu thuyết của Lê Ngọc Linh và Bùi Hải Bình); các truyện tranh Mật ngọt chết mèo, Truyện bựa của Thành Trí, Project Icon, Nhóm máu O; Sổ tay giáo dục gia đình (sách kỹ năng cho các bậc cha mẹ)... Bên cạnh đó, nhiều dự án khác vẫn đang tiếp tục được gây quỹ và sẽ xuất bản khi đạt và vượt chỉ tiêu đề ra như các dự án sách: Hoa văn Đại Việt, Căn bệnh Hoàng Đế, Trật tự thế giới…

Cơ hội và thách thức

“Chúng tôi đã phá vỡ quy trình xuất bản truyền thống, tìm kiếm những độc giả đặt niềm tin để có kinh phí sản xuất sách” - lời chia sẻ của một thành viên tham gia điều hành việc gây quỹ cộng đồng đã thắp lên niềm hy vọng về sự phát triển của xu thế mới trong lĩnh vực xuất bản. Giờ đây khoảng cách giữa tác giả và người đọc được thu ngắn lại, sự tin cậy cũng như áp lực của độc giả tới các tác giả cũng sẽ nhiều hơn. Tác giả Thăng Fly tâm sự: “Số tiền mình nhận được là niềm tin, sự ủng hộ của độc giả. Họ tin tưởng vào một hình thức văn minh, không phải ai cũng thích miễn phí hay đọc sách lậu. Mình sẽ hết sức nghiêm túc với dự án”.

Thời gian đầu, việc gây quỹ cộng đồng mới chỉ nhận được sự hưởng ứng của các tác giả truyện tranh, tuy nhiên đến nay cũng bắt đầu hấp dẫn với các tác giả ở nhiều thể tài khác. Mới đây, trên trang facebook của mình, tác giả trẻ Đỗ Nhật Phi chính thức thông báo dự án gây quỹ cộng đồng cho cuốn tiểu thuyết mới có tên Thị trấn mùa đông. Với danh sách hơn 1.200 bạn trên facebook, Đỗ Nhật Phi băn khoăn không biết bao nhiêu người sẽ đầu tư cho mình? Tác giả này cho biết, nếu không đủ số lượng hoặc không đạt được ít nhất 80% mục tiêu đề ra, anh sẽ không mở thêm hình thức thanh toán nào khác, và nếu dưới con số này thì anh cũng khó có thể tập trung cho dự án. Đây thật sự là một thách thức đối với các tác giả, vì khả năng thành công hoặc thất bại luôn là 50/50. Việc bạn đọc bỏ tiền mua tác phẩm khi mới trong quá trình sáng tạo là một sự “đầu tư mạo hiểm”, vì có thể họ mất tiền cho một sản phẩm không được như kỳ vọng. Trên trang gây quỹ cho một dự án truyện tranh, có bạn đọc đã phản ứng: "Tại sao sách của các anh hay mà anh không tự in sách bán lấy tiền, lại phải kêu mọi người góp vốn?". Sự thận trọng của bạn đọc hoàn toàn có thể chia sẻ được vì không lấy gì làm bảo đảm sản phẩm đến tay họ đúng như những lời quảng cáo của dự án, chính vì thế trên thực tế không ít dự án sau nhiều ngày đăng thông tin cũng chỉ nhận được sự hưởng ứng ít ỏi từ cộng đồng. Dự án thất bại, số tiền sẽ phải chuyển trả cho người đầu tư. Dù hình thức xuất bản này mở ra những cơ hội mới đối với các tác giả và thị trường xuất bản, nhưng thực tế trong hai năm 2014 - 2015 mới chỉ có khoảng 10 đầu sách xuất bản thành công, chứng tỏ loại hình này còn phát triển khá dè dặt ở Việt Nam. Liệu với tính hấp dẫn của những lời quảng cáo, hay việc tác giả có đông người hâm mộ thì khả năng thành công của dự án sẽ cao hơn? Thiết nghĩ, điều quan trọng nhất để tạo sự tin cậy với độc giả là giá trị của chính tác phẩm. Sự cố xuất bản cuốn Xứ Đông Dương là một bài học sâu sắc mà những người thực hiện dự án cần rút kinh nghiệm.

Gây quỹ cộng đồng là biểu hiện của trách nhiệm xã hội thông qua việc lựa chọn và thúc đẩy quá trình ra đời của những cuốn sách vì “độc giả cần sách hay, sách tốt và họ sẵn sàng đầu tư để nhận lại sản phẩm như kỳ vọng” (ý kiến của ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Công ty Alpha Books). Nhưng nếu độc giả mất niềm tin, họ sẽ khó lòng hợp tác.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top