Góc nhìn nhà báo

Có “văn hóa” thật không?...

00:00 - Thứ Sáu, 22/01/2016 Lượt xem: 2629 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê của ngành  chức năng (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Điện Biên), tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 69.234/116.046 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 59,7%). Các địa phương: Huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng, huyện Tuần Giáo, thị xã Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ là những đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Nếu năm 2011 toàn tỉnh có 641/1.721 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận văn hóa (chiếm 37,2%); thì cuối năm 2015 con số này là 924/1.776  thôn, bản, tổ dân phố văn hóa (chiếm 52%).

Cũng như địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tại nhiều thị trấn của các huyện, hàng loạt cổng chào “Tổ dân phố văn hóa” thi nhau mọc lên như bằng chứng cho một “căn bệnh” khó chữa: Đó là bệnh hình thức! Một dạo (đầu năm 2010), tại quận Hà Đông (Hà Nội), người ta định gắn biển “Gia đình văn hóa” cho các gia đình (hộ tư nhân). Rất may báo chí vào cuộc với những phản biện dữ dội. Trước thực tế này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan kiểm tra, đánh giá việc gắn biển “Gia đình văn hóa” tại một số địa phương.

Kết thúc năm 2015, cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Trong khi đó, tình trạng bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng (ma túy, cờ bạc, lừa đảo, trộm cướp, mại dâm, tham nhũng, giết người và thậm chí giết nhiều người một lúc, gian lận thương mại, đi xe máy đánh võng...), xuống cấp về đạo đức gia đình, đạo đức xã hội và nhiều giá trị văn hóa của gia đình truyền thống đã và đang đứng trước nguy cơ mai một... Ngày 3/12/2015, phát biểu tại cuộc họp tổng kết năm 2015 của Ban chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề, đại ý: Cho dù các cấp, các ngành có đầy đủ các chiến lược, đề án, các ban chỉ đạo để xây dựng đời sống văn hóa nhưng sự xuống cấp về đạo đức đang biểu hiện ở nhiều nơi!

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng xây dựng “Gia đình văn hóa” và “Tổ dân phố văn hóa” là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Nhà nước và đã được đề cập trong các văn bản pháp lý liên quan (Luật Thi đua khen thưởng, Nghị định 121/2005/NĐ-CP, Quyết định 62/2006/QĐ-BVHTT...). Tuy nhiên, việc phong tặng “Gia đình văn hóa” và “Tổ dân phố văn hóa”... muốn hay không phải làm thật căn cơ, tìm về cái thực chất. Có như thế và chỉ như thế mới động viên được phong trào, mới làm cho những “Gia đình văn hóa” và “Tổ dân phố văn hóa” tự hào một cách chính đáng sau khi được phong tặng. Xin thưa, hơn ai hết, tự bản thân các “Gia đình văn hóa” và “Tổ dân phố văn hóa” biết họ có “văn hóa” thật hay không và “văn hóa” đến mức nào?...

Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top