“Thắp lửa” nghệ thuật hát then

00:00 - Thứ Ba, 02/02/2016 Lượt xem: 2146 In bài viết
ĐBP - Nhắc đến hát then người ta nghĩ ngay đến một di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo với không gian văn hóa đồ sộ về khối lượng, phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn, gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái ở Điện Biên. Nhưng ít ai biết rằng, trải qua thời gian, di sản này đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không được quan tâm bảo tồn.

Theo quan niệm dân gian, “Then” có nghĩa là “Thiên” (trời), được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, hát then được biểu diễn trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn... Hát then là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của dân tộc Thái trắng tại các cuộc vui như: Lên nhà mới, lễ cưới, đặc biệt là lễ “Kin Pang Then”, “Xên lẩu nó”. Trong lễ "Kin Pang Then" của đồng bào Thái trắng ở TX. Mường Lay, hát then bao giờ cũng có múa phụ họa để chỉ đường và tả lại cảnh vật trên đường Then xuống trần gian dự lễ.

Nghệ nhân hát then Lò Văn Thức tại thị xã Mường Lay.

Hát then vốn được coi là một di sản nghệ thuật độc đáo là vậy song điều khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, trăn trở chính là việc giữ gìn và bảo tồn. Là người gắn bó và am hiểu về hát then, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nghệ nhân hát then, sinh hoạt ở đội văn nghệ các huyện: Điện Biên, Mường Chà, TP. Điện Biên Phủ và TX. Mường Lay. Nhưng các nghệ nhân đã cao tuổi. Tuy những nghệ nhân này đều nắm được các làn điệu hát then nhưng chủ yếu vào dịp lên nhà mới, lễ cưới và lễ hội. Trong khi đó, do việc truyền dạy cho lớp trẻ bằng hình thức truyền miệng, các làn điệu then đều từ xa xưa nên rất ít người còn thuộc và có thể diễn xướng… khiến thế hệ trẻ khó tiếp cận với loại hình nghệ thuật này. Không chỉ khó trong việc truyền dạy mà số người biết sử dụng và chế tác cây đàn tính (nhạc cụ phục vụ hát then) cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, như các ông: Mào Văn Ết, Hoàng Thím, Lò Văn Ơn, Lò Hải Vân, Bế Văn Thụ...

Hát then có nguy cơ bị mai một nếu như không có kế hoạch lưu giữ và bảo tồn. Bởi vậy không riêng bà Nguyễn Thị Phượng, những người làm công tác di sản đều coi đây là việc làm không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều. Trước hết phải đi từ những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn nghệ thuật hát then. Tại các thôn, bản, đặc biệt là nơi có nghệ nhân đang cư trú, ngành Văn hóa đã chú trọng tới việc khuyến khích lớp trẻ biểu diễn tiết mục hát then, dùng đàn tính và nhạc cụ dân tộc để đệm cho bài hát và điệu múa. Trong những gia đình người Thái trắng, ông bà truyền cho bố mẹ, bố mẹ truyền lại cho con, cứ thế hát then như tiếng hát được nối dài nhịp từ đời này sang đời khác. Do đó, trong những chương trình văn nghệ, lễ hội hoặc buổi sinh hoạt văn hoá cơ sở, tiếng then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.

Mới đây, Liên hoan Nghệ thuật hát then - đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ 5 vừa diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang, đoàn Điện Biên mang đến nhiều tiết mục hát then đặc sắc với sự dàn dựng công phu, hấp dẫn thu hút đông đảo khách đến thưởng thức.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì đó mới chỉ là những bước đi khởi đầu trên chặng đường dài bảo tồn hát then. Bởi vậy, trong mục tiêu những năm tới, đơn vị sẽ chú trọng tới dự án nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu hát then trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương đang lưu giữ nghệ thuật hát then, đàn tính xây dựng đề án nghiên cứu, sưu tầm đồng bộ loại hình nghệ thuật này nói riêng và văn hoá các dân tộc nói chung. Mặt khác, có chế độ, chính sách phù hợp đối với công tác bồi dưỡng, kịp thời động viên các nghệ nhân, hạt nhân và người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu. Hy vọng với nỗ lực của những cán bộ văn hóa và các nghệ nhân ở cơ sở trong công tác giữ gìn và phát huy giá trị hát then, hát then sẽ tiếp tục được bảo tồn trong đồng bào dân tộc Thái trắng mà vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị vốn có…

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top