Chuyện của người đàn bà Phù Lá “cổ”

00:00 - Thứ Ba, 02/02/2016 Lượt xem: 3373 In bài viết
ĐBP - Không phải nghệ nhân, cũng không phải già làng hay người có uy tín, nhưng bà Vàng Thị Phẹ, ở bản Phiêng Pi B, xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai lần đầu gặp bằng nụ cười hiền hậu và những câu chuyện về văn hóa dân tộc Phù Lá. Bà Phẹ khiến người nói chuyện với mình đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, bằng những câu chuyện về dân tộc mình.

Sinh ra ở vùng đất từng được xem là thủ phủ của người Phù Lá – xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, bà Phẹ chứng kiến nhiều thăng trầm của dân tộc Phù Lá. Bản thân bà cũng nếm trải bao bi kịch đời người. Lớn lên, bà theo gia đình chuyển đến sinh sống trên địa bàn xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo). Có điều kiện tiếp xúc với nhiều người, nhiều dân tộc và sự văn minh, ấy vậy mà dòng máu văn hóa Phù Lá chưa bao giờ ngừng chảy trong bà. Nó như thứ nước mát từ nguồn cội, nuôi dưỡng tâm hồn bà xuyên suốt chặng đường hơn 90 năm qua.

Bà Vàng Thị Phẹ hướng dẫn cháu gái cách thêu trang phục truyền thống.

Trong khi nhiều người Phù Lá bây giờ không biết về tiếng Phù Lá thì bà Phẹ chỉ nghe và nói tiếng mẹ đẻ. Để nói chuyện được với bà, con cháu trong nhà đều phải học tiếng Phù Lá. Cũng bởi thế mà 4 người con (cả dâu lẫn rể) và hơn chục đứa cháu của bà Phẹ hiện vẫn còn giữ được tiếng nói dân tộc, trong khi ở một số nơi, thế hệ trẻ Phù Lá gần như đã bị đồng hóa tiếng nói theo dân tộc nơi họ sinh sống.

Trang phục dân tộc là thứ dễ bị đánh mất đầu tiên, nhất lại là với tộc người thiểu số có nguy cơ mai một như Phù Lá, nhưng bà Phẹ vẫn giữ cho bằng được y phục truyền thống, với những nét hoa văn tinh xảo mang đậm bản sắc văn hóa. Hàng ngày, bà vẫn tự tay thêu từng đường nét, may từng chiếc áo cho con, cháu của mình. Song mấy năm gần đây, do mắt đã kém đi nhiều nên công việc ấy đành gác lại. Lo sợ sẽ mai một dần, bà truyền nghề cho người con gái duy nhất và giờ là mấy đứa cháu gái. “Cháu gái tôi đứa nào cũng biết thêu cả, giờ thì tôi yên tâm rồi!” – Bà Phẹ tự hào khoe với chúng tôi.

Không giống như nhiều dân tộc khác còn lại khá đông, tộc người Phù Lá ở Điện Biên hiện chỉ còn chưa đầy 200 khẩu, với hơn 40 nóc nhà. Việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của họ là một yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với không chỉ những người làm văn hóa, chính quyền địa phương mà ngay chính bản thân mỗi người Phù Lá gốc.

Nghe chuyện bà Phẹ kể, tôi nhận thấy, dường như dân tộc Phù Lá có nhiều điểm tương đồng với người Kinh, từ nếp nghĩ đến một số hoạt động tín ngưỡng. Bà Phẹ bảo: “Người Phù Lá cũng coi trọng tự do hôn nhân. Thanh niên nam, nữ lớn lên, đến tuổi lập gia đình được tự do tìm hiểu, tiến đến hôn nhân với người mình có tình cảm và thấy hợp, mà không phải chịu bất kỳ sự ép buộc nào. Tuy nhiên, lễ cưới sẽ được tổ chức với nhiều nghi lễ độc đáo mang tính dân tộc riêng biệt. Trong lễ cưới, nhà trai sẽ phải hát đối mới được vào nhà đón và đưa cô dâu về. Còn có tục vẩy nước bẩn, bôi nhọ nồi lên mặt đoàn nhà trai trước khi ra về, tục lại mặt sau 12 ngày cưới…”.

Cộng đồng người Phù Lá cũng có phong tục thờ cúng tổ tiên, nhất là vào các dịp Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, Tết Đoan ngọ (5/5), Rằm tháng 7, Lễ cơm mới (tháng 9 âm lịch)… với lòng tôn kính đặc biệt. Ngay trong hoạt động thờ cúng tâm linh của người Phù Lá cũng cho thấy người Phù Lá không có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Điều này thể hiện thông qua việc họ phân rõ và tiến hành thờ riêng tổ tiên nam (cầu sức khoẻ), tổ tiên nữ (cầu mùa màng). Cả hai vị tổ tiên được họ coi trọng ngang nhau, bởi theo quan niệm của người Phù Lá thì cả 2 yếu tố trên đều quan trọng trong một đời người.

“Người Phù Lá cũng rất coi trọng tình cảm và rất đoàn kết. Họ đùm bọc, giúp đỡ nhau mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Nhà nào có công to việc lớn (cưới xin, làm nhà, ma chay...), mọi người đều tự nguyện tới giúp đỡ mà không đòi hỏi công cán. Sau khi công việc hoàn thành, họ tổ chức ăn uống linh đình nhiều bữa. Các bữa cơm này không phải gia chủ lo hoàn toàn mà có thể do cộng đồng cùng đóng góp” – bà Phẹ chia sẻ thêm.

Trong trí nhớ không còn minh mẫn nữa, có nhiều chuyện bà Phẹ khi nhớ, khi quên nhưng nhiều câu chuyện cổ tích, điệu hát giao duyên, hát dân ca của dân tộc Phù Lá với bà như còn nguyên vẹn. Theo bà cho biết thì chủ yếu là phản ánh tâm tư, tình cảm của người lao động, ca ngợi tình yêu chung thủy, các hoạt động vui chơi, sinh hoạt đời sống thường ngày, lễ tết. Trong câu chuyện với người lần đầu gặp, thi thoảng bà Phẹ lại cất lên một câu hát của dân tộc mình.

“I tha xăng sỉ củ la, u cay đảu na, à là hài bù sám…” (Nghĩa là: Sắp đến tết rồi, còn 2, 3, 4 ngày nữa là được đi chơi rồi, bố mẹ ở nhà cho con đi chơi nhé!...). Giữa đêm đông, những câu hát từ người đàn bà “cổ” bên trong ngôi nhà tranh nơi bản nghèo vang lên như xé tan màn đêm, cùng cái lạnh “cắt da cắt thịt” của mùa đông vùng cao, xé tan cả cái khoảng cách dân tộc, ngôn ngữ, để cùng hòa chung nhịp ca, chung dòng cảm xúc hướng về một năm mới tràn đầy niềm tin và hy vọng!


Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top