Sân khấu và trách nhiệm nghệ sĩ

00:00 - Thứ Tư, 02/03/2016 Lượt xem: 2445 In bài viết
Trong sự phát triển của xã hội, sân khấu nước ta đang thiếu những tác phẩm về đề tài chống các biểu hiện tiêu cực trong đời sống, những tác phẩm xây dựng con người mới, đạo đức mới mà chủ yếu nghiêng về hướng giải trí. Đó cũng là vấn đề trăn trở của những người yêu mến và hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu.

Phải công nhận sân khấu giải trí đang thịnh hành trong nam, ngoài bắc và đáp ứng được những đòi hỏi của một bộ phận khán giả có điều kiện tiêu khiển theo sở thích rất cá nhân. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tiêu biểu, đại diện cho cộng đồng, cho số đông công chúng. Sự né tránh, xa lánh các vấn đề thiết thực của đời sống đang là những điều đáng suy ngẫm, trăn trở của nhiều người tâm huyết với sự tồn tại và phát triển của sân khấu nước nhà. Nhìn lại những hiện tượng đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội và con người từ khi đất nước mở cửa và chủ trương kinh tế thị trường cạnh tranh (mặc dù có định hướng XHCN) thì mặt trái của nó vẫn gây ra những tác động tiêu cực. Nhiều giá trị truyền thống đạo đức thay đổi, bị quy đổi theo giá trị đồng tiền, vàng thau lẫn lộn, làm đảo lộn tất cả dẫn đến những suy thoái về đạo đức xã hội. Hằng ngày đọc báo, nghe đài, thông tin "nóng" về nhiều chuyện "tiêu cực" lại thêm đau lòng, bức xúc tại sao lại có những chuyện như vậy xảy ra hằng ngày, hằng giờ ở một đất nước vốn tôn trọng đạo lý và quyền con người. Chưa bao giờ đạo đức lại bị vi phạm và xuống cấp như hiện tại ở một bộ phận xã hội và đang có những cái nhìn lệch lạc về đồng tiền, về tự do cạnh tranh, về quyền lợi cá nhân.

Cảnh trong vở Lời thề thứ 9 của tác giả Lưu Quang Vũ ghi đậm dấu ấn trên sân khấu chống tiêu cực.

Văn học nghệ thuật đã đối mặt với hiện thực ấy, phản ánh hiện thực ấy trong các tác phẩm văn học, điện ảnh, truyền hình và sân khấu. Rất nhiều tác phẩm về sự tha hóa đạo đức đã được in, được chiếu, được phát sóng, được trình diễn trong các vở kịch. Tác động tích cực của sự phản ánh, của tấm gương phản chiếu này vào đời sống xã hội là không nhỏ. Do đặc trưng kịch tính mạnh về khai thác những mâu thuẫn, xung đột trong xã hội và con người, sân khấu được coi là nghệ thuật phản ánh hàng đầu, mũi nhọn trong trận chiến chống cái xấu, cái tiêu cực, cái ác cũng như trong xây dựng cái tốt, cái đẹp, cái đạo lý ở con người. Ngay từ thời bao cấp chúng ta đã có nhưng vở kịch mang tính dự báo sự tha hóa về đạo đức, về lối sống của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ như: Lời thề thứ 9, Mùa hạ cuối cùng, Tin ở hoa hồng, Hồn Trương Ba da hàng thịt... Trước đó, tác giả Xuân Trình đã có: Bạch đàn liễu, Nửa ngày về chiều... Vài năm gần đây, sau một thời gian dài sân khấu chạy theo thị hiếu của khán giả, đã có một số vở diễn được dàn dựng cảnh báo về sự tha hóa đạo đức như: Đường đua trong bóng tối, Lâu đài cát, Tai biến... Rất tiếc là những tác phẩm sân khấu viết về đề tài này chưa nhiều, chưa đủ sức lôi cuốn người xem, chưa nói đến việc thuyết phục họ bằng nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Đây chính là khâu then chốt, cái gót chân "A-sin" của sân khấu. Biểu hiện của sự yếu kém này trước hết ở khâu phản ánh. Các vở diễn cũng thực hiện chức năng phản ánh hiện thực sân khấu của nghệ thuật, chú ý đến chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, nhưng lại phản ánh mặt trái của xã hội thời buổi kinh tế thị trường quá dày đặc, quá nhiều... Cái phần tối trong con người được tô đậm, trong khi phần tốt, phẩm chất đích thực của con người còn mờ nhạt.

Đành rằng việc phản ánh đòi hỏi các nhà viết kịch phải khách quan, trung thực, song người viết phải có góc nhìn của mình. Anh phải có cái nhìn cao hơn hiện tượng phản ánh, từ cái tốt nhìn cái xấu chứ không đứng cùng với cái xấu. Trên sân khấu hài kịch, người phê phán, người chế giễu các thói xấu phi đạo đức không thể có thái độ thông cảm. Nghĩa là phải đứng cao hơn cái đáng bị chê trách đó. Cũng lại rất tiếc là sân khấu thời gian qua đã nuông chiều thị hiếu thấp, nặng về tiêu khiển, giải trí, mà hạ thấp tính phê phán đối với cái xấu, cái phi đạo đức. Phải chăng ta đã chịu tác động của thị trường, chạy theo lợi nhuận và được biện minh theo kiểu sân khấu phải có khán giả. Người nghệ sĩ ngoài trình độ nghề nghiệp, tài năng còn phải có cái tâm của người làm nghệ thuật, tức là người tạo ra cái đẹp, xây cái đẹp. Là tác giả, người viết phải có sự hiểu biết để giải quyết các xung đột trong tác phẩm bởi kết thúc của một vở diễn bao giờ cũng thể hiện cái nhìn của tác giả, của đạo diễn, thể hiện quan điểm của người sáng tác (tác giả) hay sáng tạo (đạo diễn). Các tác giả khi viết một tác phẩm sân khấu là người đặt ra vấn đề đó. Cái tâm, cái tầm và cái tài của người sáng tác cần thiết cho nghệ thuật cũng là như vậy.

Sân khấu Việt Nam có nhiều tiềm năng về đạo diễn và biểu diễn, kể cả công chúng, nhưng vẫn còn những điểm yếu ở lực lượng sáng tác trẻ. Những người viết trẻ không thiếu cái nhìn sắc sảo, không thiếu khả năng thể hiện, nhưng rất thiếu hiểu biết để lý giải một cách cốt lõi, bản chất các hiện tượng mâu thuẫn, xung đột trong đời sống xã hội. Vì vậy kịch viết chưa đủ sức thuyết phục người đọc, người xem. Một số không ít các tác giả trẻ do chưa đủ bản lĩnh vượt qua áp lực của thị trường, cho nên né tránh các chủ đề xã hội, đạo đức, cách sống của con người, để rồi chuyên đi sâu vào các đề tài giải trí thuần túy, hòng lôi cuốn người xem như: đồng tính, kinh dị, ma quái, điều tra vụ án... Cái được là có khán giả, có doanh thu, bảo toàn đồng vốn... còn cái chưa được, thì ai cũng biết, cũng thấy nhưng cố tình bỏ qua...

Những biểu hiện suy thoái về đạo đức có thể thấy rõ nhất trong đời sống sân khấu hiện nay. Nhiều người làm nghề biểu diễn đã quên đi bài học đạo đức diễn viên của bậc thầy sân khấu Công-xtăng-tin Xta-ni-láp-xki (Konstantin Stanislavski) về đào tạo diễn viên với phương pháp huấn luyện diễn viên hiện thực tâm lý. Qua đó có thể thấy diễn viên hiện nay đang mải miết chạy theo đời sống vật chất, tiền tài, danh vọng mà đánh rơi mất lương tâm và đạo đức nghề nghiệp.

Đã đến lúc cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với nghệ thuật sân khấu mà mình yêu mến, với khán giả đã nuôi sống mình, với xã hội mà mình đang sống. Điều đầu tiên và trước hết là người nghệ sĩ hãy có ý thức tự tôn và trách nhiệm đối với bản thân và với nghệ thuật, với nghề nghiệp. Hãy thực thi câu nói nổi tiếng của Xta-ni-láp-xki: "Hãy yêu nghệ thuật trong bản thân anh, chứ đừng yêu mình trong nghệ thuật".

NSƯT TRẦN MINH NGỌC

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top