Văn hóa dân tộc Khơ Mú:

Nguy cơ bị đồng hóa

00:00 - Thứ Sáu, 18/03/2016 Lượt xem: 3585 In bài viết
ĐBP - Dân tộc Khơ Mú hiện cư trú chủ yếu ở các huyện: Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà. Tuy nhiên, trước sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, hiện nay những nét văn hóa riêng của đồng bào Khơ Mú đang đứng trước nguy cơ bị phai mờ, đồng hóa với các dân tộc khác, đặc biệt là dân tộc Thái.

Đầu tháng 3, đến thăm bản Suối Lư 4, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông chúng tôi ngỡ là bản dân tộc Thái nhưng khi hỏi chuyện mới biết đó là bản của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Đưa những thắc mắc này trao đổi với ông Lò Văn Khăm, Trưởng bản Suối Lư 4, ông cho biết: Dân tộc Khơ Mú vốn có truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú với nhiều truyện kể về sự tích xuất hiện loài người, lịch sử. Tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng trước đây, đời sống tinh thần khá dồi dào với nhiều lễ hội. Do sống chủ yếu dựa vào nương rẫy nên công cụ sản xuất chỉ có rìu, dao rựa, cuốc và gậy chọc lỗ tra hạt. Ngày nay, người Khơ Mú đã tiếp thu kỹ thuật canh tác ruộng nước, làm đất bằng cày bừa, biết làm thủy lợi, bón phân cho cây trồng. Không những vậy còn chăn nuôi gia súc để làm sức kéo, nuôi gia cầm dùng trong lễ nghi, thực phẩm và trở thành hàng hóa để mua bán, trao đổi...

Một góc bản Suối Lư 4, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông.

Vì điều kiện du canh, du cư nên trước đây thôn, bản của người dân thường có quy mô nhỏ, nằm rải rác. Tuy nhiên ở Suối Lư 4 thì người dân đã sống định cư, dựng được những ngôi nhà gỗ, tre chắc chắn. Nhà ở của người Khơ Mú có gầm sàn thấp hơn nhà của người Thái, thoạt nhìn rất giống nhau. Gần chục năm làm trưởng bản, điều khiến ông Khăm luôn trăn trở là nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khơ Mú dần bị mai một từ trang phục đến các nghi lễ, lễ hội.

Do sống xen kẽ trong vùng có cả đồng bào dân tộc khác, nhất là dân tộc Thái nên những nét văn hóa truyền thống của đồng bào ít nhiều bị pha trộn. Một trong những nét văn hóa đã bị đồng hóa phải kể đến mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là trang phục dân tộc. Chị Lò Thị Muôn, bản Suối Lư 4, cho hay: Giờ đây trang phục truyền thống của phụ nữ Khơ Mú mặc giống phụ nữ Thái: Váy ống hẹp bó sát đùi, ngực, ống tay áo dài hoặc cộc, chỉ hơi khác là áo của phụ nữ Thái trang trí bằng hàng tiền bạc còn của phụ nũ Khơ Mú là miếng tròn vỏ ốc. Đầu cũng đội khăn piêu quấn vắt chéo trên đỉnh đầu, phụ nữ có tuổi thì đội mũ chỏm cao có ngù tua ở phía sau, còn nam giới thì hoàn toàn mặc theo người Thái, người Kinh.

Bên cạnh trang phục thì nhiều nét văn hóa khác của đồng bào cũng bị đồng hóa với dân tộc Thái. Ông Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên Đông cho biết thêm: Đồng bào Khơ Mú sinh sống theo gia đình nhỏ phụ quyền. Khi trai gái đến tuổi được tìm hiểu bạn đời, hôn nhân phải theo chế độ một vợ, một chồng, nhưng để dẫn đến hôn nhân thì quyết định là do hai gia đình. Hôn lễ được tiến hành qua các lễ ngỏ lời rồi đến lễ dạm hỏi, sau đó lễ cưới được tổ chức bên nhà gái. Nhà trai phải dẫn sang nhà gái tiền mua người và đồ sính lễ. Cưới xong, người con trai ở rể bên nhà vợ một thời gian. Khi ở nhà vợ, người chồng đổi họ theo vợ, có con thì con theo họ mẹ, trái lại khi về nhà chồng thì vợ phải đổi họ theo chồng và các con lại mang họ bố… Ngày nay, người con trai không ở rể hoặc thời gian đã rút ngắn như dân tộc Thái. Bên cạnh đó, ngoài tết Nguyên đán ra, trước đây, đồng bào Khơ Mú còn ăn tết cơm mới. Tết được tổ chức sau vụ gặt tháng 10 âm lịch. Đây là dịp vui của cả bản sau một thời gian lao động mệt nhọc. Tết cơm mới của người Khơ Mú thể hiện sắc thái văn hoá tộc người đậm nét và duy trì nhiều nghi lễ liên quan đến nông nghiệp, trồng trọt. Trong các ngày lễ tết, trẻ em hay đánh cầu lông làm bằng lông gà, đánh quay nhưng giờ đây ngày tết cơm mới cũng đơn giản hóa đi rất nhiều, chủ yếu tổ chức các trò chơi dân gian theo phong tục của người Thái... Không chỉ ở bản Suối Lư 4 mà nhiều thôn, bản vùng cao khác trên địa bàn tỉnh có đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống phần lớn cũng bị đồng hóa về văn hóa. Nhiều năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó có dân tộc Khơ Mú, như: Dự án Sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam, Dự án Tăng cường đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới... Dân tộc Khơ Mú cũng đã được kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể để được bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có. Tuy nhiên, trước nguy cơ bị đồng hóa, phai mờ nét văn hóa đặc sắc vốn có của đồng bào dân tộc Khơ Mú, thiết nghĩ không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành mà còn từ chính những người dân nơi đây.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top