Góc nhìn nhà báo

Bảo tồn di sản văn hóa đừng phô trương, hình thức

00:00 - Thứ Sáu, 25/03/2016 Lượt xem: 2751 In bài viết
ĐBP - Kể từ khi nước nhà giành được độc lập từ tay đế quốc, thực dân và nhất là 30 năm đổi mới vừa qua, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, các dân tộc luôn nêu cao truyền thống đoàn kết trong xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; thì mặt trái của cuộc sống văn minh công nghiệp cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề cần phải quan tâm, bổ sung, điều chỉnh kịp thời - đó là công tác bảo tồn các di sản văn hoá...

Điện Biên nằm trong vùng văn hoá Tây Bắc, một trong bảy vùng “văn hoá lãnh thổ” của cả nước. Hàng bao đời nay, đây là quê hương của những huyền thoại, truyền thuyết về nguồn gốc con người nói chung và tộc người nói riêng, từ nền văn minh hái lượm tiến lên nền văn minh nông nghiệp hiện nay. Trải qua quá trình giao lưu và tiếp biến với hàng trăm hàng nghìn năm, các di sản văn hoá cả hữu hình và vô hình (văn hoá vật thể và phi vật thể) đã và đang đặt ra những vấn đề khẩn cấp về bảo tồn và phục dựng...

Tại thời điểm này, ở cấp tỉnh, chúng ta có 1 hội văn học nghệ thuật, 1 đoàn nghệ thuật ca múa nhạc, 2 bảo tàng, 1 trung tâm văn hoá, 1 rạp chiếu phim... Song chừng ấy là quá ít ỏi so với nhu cầu khôi phục, bảo tồn và phát huy vốn văn hoá của một địa phương có gần 20 dân tộc anh em. Đó là chưa kể tới chất lượng hoạt động của các đơn vị này, chưa tính tới năng lực cũng như tâm huyết của cá nhân mỗi người đối với công việc được phân công.

Hiện nay, có một thực tế là trong thời buổi kinh tế thị trường và sự giao lưu, hợp tác đa phương, nhiều dân tộc đã và đang đứng trước nguy cơ mai một bản sắc văn hoá truyền thống của mình. Với nhiều địa phương và với nhiều tộc người, những thuần phong mỹ tục, văn nghệ dân gian, lễ hội, trang phục, nếp sống... đang bị biến dạng, lai căng, pha tạp một cách xô bồ và sống sượng. Tài liệu cổ mất bao nhiêu công sưu tầm về nhưng không có người dịch và cuối cùng, chẳng biết số phận của chúng ra sao, có được cất giữ cẩn thận hay lại một lần nữa “thất lạc” ngay trong tay những người làm văn hoá(?). Số người biết các mẫu tự cổ và cả loại chữ đã được “la tinh hoá”, đang ngày một ít dần. Nhiều tác giả “xuất bản miệng” thì có, nhưng bằng giấy trắng mực đen thì không. Rừng bị tàn phá, nguồn gỗ và nhất là gỗ tốt không còn nhiều, chi phí để làm nhà sàn tốn kém nên có dân tộc vốn ở nhà sàn nay lại thích nhà xây, đặc biệt ở các đô thị. Sự tích cái chái nhà cong cùng với chiếc khau cút (khao cót) trên đầu hồi ngôi nhà sàn Thái, ở nhiều nơi chỉ còn đâu đó trong những câu chuyện kể của người già bên bếp lửa...

Cái khó của chúng ta hiện nay, đó là quan điểm và tầm nhìn chiến lược. Trước hết, xin hãy có chính sách đầu tư và chế độ đãi ngộ thoả đáng cho việc sưu tầm cái cũ và sáng tác cái mới, trên cơ sở nền tảng văn hoá truyền thống của các dân tộc. Củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, đi đôi với việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cổ động và các đoàn văn hoá nghệ thuật, quan tâm tới các hoạt động văn hoá ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới (đặc biệt vùng đồng bào thiểu số). Thay vì những hoạt động phô trương, hình thức tốn kém mà không thiết thực, cần có sự khảo sát tỉ mỉ, đánh giá chính xác, thống kê đầy đủ, bảo quản chu đáo các di sản văn hoá... Những việc làm ấy, về mặt thời gian không bao giờ là sớm...

Song Sơn
Bình luận
Back To Top