Xuất khẩu văn chương, chật vật tìm đường

00:00 - Thứ Tư, 06/04/2016 Lượt xem: 1830 In bài viết
Có nền văn học đa dạng, có đời sống văn học phong phú, có lượng bạn đọc lớn, nhưng văn học Việt Nam nhiều năm qua vẫn chỉ loanh quanh trong ao làng. Không nói đâu xa, ngay cả tại các quốc gia trong khu vực ASEAN, văn học Việt vẫn là một khái niệm đầy xa lạ.

Thiếu vắng trên văn đàn nước ngoài

Đó là nhận xét của bà Nova Rasdiana, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN trong chuyến làm việc với Hội Xuất bản Việt Nam vừa qua. Lý do, theo bà là để chuẩn bị cho chuyến đi đến Việt Nam, bà đã đến Hội sách quốc tế Indonesia, hội sách lớn nhất tại đất nước này vừa được tổ chức, thế nhưng, dù đã lục lọi khắp cả hội sách thì bà cũng chỉ tìm thấy được 15 cuốn sách có chủ đề về Việt Nam nhưng đều là của tác giả nước ngoài và nội dung chính là về thời chiến tranh. Chẳng có một cuốn sách nào về đất nước, con người và cuộc sống của Việt Nam hiện nay.

Câu chuyện của bà Nova không phải là điều xa lạ, cách đây vài năm, khi qua Thái Lan để giao lưu giới thiệu tác phẩm, một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đã rất bỡ ngỡ khi nhiều bạn đọc Thái nói với tác giả rằng, “chưa bao giờ thấy một nhà văn Việt Nam”. Và dĩ nhiên, họ cũng chưa bao giờ đọc một tác phẩm văn học nào của Việt Nam.

Cho đến nay, dù có nhiều dự án, nhiều kế hoạch nhưng hầu hết các tác phẩm văn học Việt được đưa ra thế giới đều mang tính “tiểu ngạch”. Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được dịch sang tiếng Nga, Nhật vì một số bạn đọc Nga, Nhật công tác tại Việt Nam đọc, yêu thích nên tự xin phép chuyển ngữ, thậm chí đưa cả vào sách giảng dạy. Ngay cả việc một NXB nước ngoài mua bản quyền sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng mang tính cá nhân, được giới thiệu thông qua những bạn đọc, người quen…

Thực ra, không thể nói rằng các nhà làm sách trong nước không có mong muốn đưa sách Việt ra thế giới. Nhà xuất bản Trẻ từng có dự án dịch hai tác phẩm Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần) và Oxford thương yêu (Dương Thụy) sang tiếng Anh cách đây mấy năm. Đó là chưa kể dự án dịch các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam cũng đã lên kế hoạch thực hiện nhưng vì nhiều lý do phải dừng. Hay như NXB Kim Đồng với các bộ sách thiếu nhi, sách tranh minh họa truyện cổ tích Việt Nam được in song ngữ nhắm vào bạn đọc nhỏ tuổi nước ngoài.

Chibooks có một dự án xuất khẩu văn chương Việt đầy tham vọng 4 năm về trước. Khâu trong nước đã làm xong với việc ký hợp đồng đại diện cho 11 nhà văn, tiến hành dịch trích đoạn, giới thiệu… Thế nhưng, tất cả kết thúc trong lặng lẽ khi các tác phẩm không tìm được khách hàng có nhu cầu.

Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Dịch văn học với mong muốn hỗ trợ những tác giả, đơn vị có nhu cầu xuất khẩu sách từ khâu dịch thuật đến giới thiệu sách cho các NXB nước ngoài. Tiếc rằng mong muốn thì nhiều nhưng hiện thực các dự án lại đều tan thành bọt nước.

Có nhiều nguyên nhân, một phần do dịch thuật, sách nước ngoài vào Việt Nam do dịch giả Việt Nam am hiểu ngôn ngữ của tác phẩm chuyển ngữ. Thế nhưng, khi đưa sách ra nước bạn lại làm ngược khi dùng chính dịch giả Việt Nam chuyển ngữ sang tiếng nước bạn. Điều này dẫn đến việc nhiều vấn đề về văn hóa, chơi chữ… người Việt ai cũng biết nên dịch giả theo thói quen bỏ qua hay không thể chuyển qua ngôn ngữ khác khiến bạn đọc nước ngoài gặp khó khăn khi tiếp nhận.

Thấy được khó khăn trên nên hiện đã có nhu cầu thuê dịch giả bản xứ, nhưng điều này lại dẫn đến khó khăn về vấn đề kinh phí. Để giới thiệu sách cho NXB nước ngoài, phải chuyển ngữ hàng trăm, thậm chí đến cả ngàn cuốn, không có NXB, đơn vị làm sách hay hội nghề nghiệp nào kham nổi.

Hội sách TPHCM chưa thực sự đạt yêu cầu do thiếu các giao dịch bản quyền.

Bài học từ nước bạn

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, giải thích về lý do mời đại diện xuất bản Indonesia sang bàn hợp tác vì họ vừa là khách mời danh dự tại Hội chợ sách Frankfurt 2015. Đây là lần đầu tiên một quốc gia ASEAN là khách mời danh dự của một trong những hội chợ sách lớn và uy tín nhất thế giới. Đó là chưa kể ở đó, họ đã bán được hơn 140 bản quyền sách, một con số rất đáng chú ý. Indonesia có nền xuất bản tương đối gần với Việt Nam, thành công của họ sẽ là bài học kinh nghiệm đầy bổ ích với ngành xuất bản Việt Nam.

Bà Lucya Andam Dewi, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia, nhận xét rằng khi đặt câu hỏi về việc có quá ít tác phẩm Việt ra nước ngoài, giám đốc một công ty văn hóa lớn đã cho rằng do thiếu tác phẩm xuất sắc để tập trung đầu tư. Theo bà, đó là một sự hiểu lầm đáng tiếc vì việc có tác phẩm xuất sắc là một điều rất khó, không thể hoạch định trước trong kế hoạch xuất khẩu sách. Việc xuất khẩu sách nên chú trọng đến nhu cầu của bạn đọc. Chẳng hạn mảng sách văn học về con người, văn hóa hay thậm chí là kinh tế, giáo dục… đều là những mảng sách hấp dẫn bạn đọc, nhất là những người muốn tìm hiểu về Việt Nam. Hiện nay, mảng sách này hầu như không được chú ý và nếu có thì thường do người nước ngoài thực hiện. Trong khi việc thực hiện dòng sách này khá thuận lợi, dễ phổ biến, quảng bá...

Về việc đầu tư của nhà nước, Chính phủ Indonesia hỗ trợ phí dịch thuật 12USD/trang với tổng kinh phí khoảng 1 triệu USD. Tuy nhiên, điểm khác biệt là việc lựa chọn tác phẩm sẽ do các NXB tự lựa chọn rồi trình cho một ủy ban của chính phủ. Sách được duyệt cũng không cố định con số 12USD/trang mà có sự phối hợp với các NXB để các đơn vị xuất bản tự sắp xếp bổ sung thêm nếu thiếu.

Bài học của Indonesia được hy vọng sẽ đem lại sự thay đổi cho xuất bản Việt Nam trong nỗ lực đưa sách Việt ra với thế giới.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top