Truyện ngắn

Ngôi nhà dưới chân núi Sim

00:00 - Thứ Sáu, 08/04/2016 Lượt xem: 2342 In bài viết
ĐBP - Mây đang gồng mình quảy gánh củ mài đem giao cho quán bà béo thì đứa con gái lên 9 tuổi hớt hải chạy ra gọi:

- Mẹ về ngay đi, có người vừa bị rắn cắn đấy!

Không kịp giao hàng, Mây bỏ gánh củi đó, chạy vội về nhà. Người đàn ông trung niên đang nhăn nhó ôm chân có 2 vết răng nhỏ rớm máu.

- Tôi, tôi đi hội, không may bị rắn cắn. Chị làm ơn....

- Anh đừng nói nhiều kẻo mệt, cố gắng chịu đau một tí!

Minh họa: Hồng Hạnh

Không ngần ngại, chị ghé miệng, hút máu độc từ vết thương của người đàn ông. Phải năm, sáu lần hút như vậy chị mới yên tâm quay ra bảo con gái lấy nước cho người đàn ông uống. Chị chạy ra sau vườn vơ nắm lá thuốc cho vào miệng nhá nát đắp vào vết rắn cắn và bảo người đàn ông nằm nghỉ. Vừa lúc ấy, Chài - chồng Mây cũng gánh một gánh vừa lá, vừa rễ cây về đến nhà.

- Lại có người bị rắn cắn anh ạ!  

- Thế à, năm nay thời tiết thất thường, lũ rắn hay bò ra khỏi hang. Lại đang mùa lễ hội nữa, anh phải lên núi hái thêm thuốc phòng khi có người cần đến.

Nói rồi, Chài đến bên người đàn ông, anh xăm soi kiểm tra vết thương và buộc lại dây garo.

- Lại ông Hổ bành đây. Nhưng không sao rồi, anh đừng lo. Anh đi Hội hay có việc gì ghé qua đây? Anh có người nhà đi cùng không?

- Tôi từ Quảng Bình ra. Nghe nói năm nay Nhà nước tổ chức Quốc giỗ to lắm nên mấy anh chị em kéo nhau ra Đền Hùng dự lễ. Tính tôi thích ngao du, ngắm nghía phong cảnh nên tách nhóm leo lên núi tìm ông Đầu Rồng. Chẳng may...  Xin đội ơn anh chị!

- Ơn nghĩa gì, anh đừng băn khoăn chuyện đó, cứ ở lại nhà tôi nghỉ ngơi.

Thấy chồng an ủi người đàn ông, Mây quay đi giấu những giọt nước mắt đang lăn dài xuống gò má.

... Cách đây vừa tròn 12 năm. Mây theo lũ bạn mới lớn từ Hà Giang rủ nhau đi hội Đền Hùng. Lần đầu tiên về xuôi, Mây và lũ bạn choáng ngợp trước cảnh hùng vĩ, thơ mộng và linh thiêng của Đền Hùng. Người đi Hội đông như nêm cối, các cô bắt chước khách hành hương, rủ nhau tắt rừng, bám cây, níu cỏ mà đi. Sức trẻ, lại vốn là người vùng cao, quen leo núi nên việc đi tắt với các cô gái Lô Lô mười bảy, mười tám chẳng có gì là khó khăn. Nhóm của Mây có 5 người. Đêm đầu tiên nghỉ lại, các cô thuê chiếu nghỉ. Nhưng bản tính thanh niên, các cô không chịu ngồi yên một chỗ, cô nào cũng muốn la cà đây đó để tận mắt ngắm nhìn cảnh vật, ngắm nhìn dòng người từ khắp nơi đổ về. Gần sáng thì các cô lạc nhau. Mây cùng một người bạn nữa hoảng hốt đi tìm các bạn. Càng đi càng lạc bởi rừng người chen lấn mỗi lúc mỗi đông. Đang nháo nhác, bỗng nhiên Mây bị trượt chân, cái cây dây leo nhỏ mà cô bám vào bị bật gốc, Mây lăn xuống, đầu cô đập vào tảng đá phía dưới ngất đi.

Lúc tỉnh lại, Mây thấy mình đang ở trong ngôi nhà lá. Ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Sim có 2 mẹ con bà goá sinh sống bằng nghề trồng củ mài và hái củi rừng. Bà mẹ mới 50 tuổi nhưng khắc khổ, người con trai ngoài 20 cũng gầy còm, chăm chỉ như mẹ nhưng anh ít nói. Vết thương trên đầu Mây khá nặng, chảy nhiều máu, mặt và cổ cô đầy vết xước. Mây ngơ ngác không hiểu mình đang ở đâu, tiếng Kinh không thạo, cô chỉ biết khóc. Bà mẹ nấu cháo bón cho cô ăn, hỏi gì Mây cũng lắc đầu, không hiểu, không biết. Bà mẹ giao cho đứa con trai vào Hội để tìm người nhà theo cách ăn mặc của cô. Nhưng 2 ngày bám cây, bám đá leo hết đền Hạ, đền Trung, lên đền Thượng rồi xuống đền Giếng vẫn không tìm thấy sắc áo nào giống váy áo của Mây. Ngày thứ 3, Chài ở nhà trông Mây để mẹ anh đi tìm. Cuối chiều, bà trở về, thở dài, thất vọng. Hội vẫn đông nghìn nghịt mà không thấy bóng dáng người nào ăn mặc như vậy. Mẹ con Chài bảo nhau chăm sóc cho vết thương của cô mau lành rồi sẽ tìm cách hỏi chuyện, tìm gốc gác của cô sau.

Hội tan. Vết rách trên đầu đã liền miệng nhưng Mây vẫn ngơ ngác trong ngôi nhà của mẹ con Chài. Cô vận quần áo của mẹ anh mà cái đẹp cứ lồ lộ, rỡ ràng như bông hoa đang độ nở. Cô như con chim rừng, đẹp nhất, hát hay nhất bản Phuốc. Trai bản mê tiếng hát, mê khuôn mặt trăng rằm của cô, nhưng Mây chưa để dạ thương chàng trai nào. Cô muốn cùng bạn bè được một lần xuôi về Phú Thọ viếng Tổ, được một lần đi xa để thấy những gì mà bản Phuốc của cô chưa có...

Ngày ngày cô theo mẹ Chài chăm sóc những dây củ mài và trồng rau quanh nhà bán lấy tiền mua gạo. Chài vẫn lên núi kiếm củi, tìm măng. Trái tim chàng trai hiền lành, chân chất ấy mấy hôm nay như có một cái gì đó rất lạ, bồi hồi, xao xuyến. Đôi lúc ngộp thở khi trộm nhìn gương mặt ngây thơ của Mây. Đến bữa ăn, Chài dường như vụng về hơn, anh ăn qua quýt rồi đứng dậy. Mẹ Chài nhìn sâu vào mắt con trai. Bà ý thức được điều gì đang tới.

Bà đem áo váy của Mây tới hỏi mấy cô nhân viên phục vụ ở Đền Hùng giúp Mây tìm về bản quán của cô. Các chị tận tình giúp đỡ bà, họ cho bà biết trang phục của cô là trang phục truyền thống của người dân tộc Lô Lô ở Hà Giang. Các chị theo bà về nhà, hỏi chuyện Mây, nhưng cô không nhớ mình là ai, ở đâu đến. Nhờ có mẹ Chài chỉ bảo, cô đã nói được khá nhiều tiếng Kinh và vì thế mà cô đã có thể giao tiếp tuy có phần dè dặt với mọi người. Không tìm được gia đình cho Mây, mẹ con Chài đưa cô ra uỷ ban xã đăng ký cho cô tạm trú tại nhà mình. Một năm trôi qua, Mây đã trở thành con gái người Kinh ở dưới núi Hùng. Cô tháo vát, nhanh nhẹn, làm việc chăm chỉ. Mây đi rừng hái củi với Chài và tìm thấy những cây, lá quen thuộc nơi núi rừng quê hương cô đem về chế thành thuốc chữa bệnh. Mây có biệt tài chữa bệnh rắn cắn bằng lá thuốc. Bà con trong vùng hễ có ai bị bệnh xương, khớp, tháo dạ hay rắn cắn đều tới nhờ một tay cô chữa trị. Đám cưới đạm bạc của Chài và Mây diễn ra ngay dưới chân núi Sim. Hai năm sau họ sinh được một bé gái bụ bẫm, kháu khỉnh. Chài đặt tên con gái là Hà Giang, với mong ước đến một ngày nào đó Mây sẽ khôi phục trí nhớ để họ đưa con về thăm gia đình, thăm bản làng của cô.

...Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới thế mà đã mười mấy năm trôi qua. Hà Giang đã lên 9 tuổi. Năm nào bé cũng theo cha mẹ lên hội Hùng soi gương Giếng Ngọc. Hà Giang thông minh, học được từ mẹ cách nhận biết các loại thảo mộc làm thuốc. Thấy cha bảo năm nay hội mở to lắm nên cũng muốn theo mẹ đi lấy thật nhiều cây, lá thuốc về cất trong nhà. Cũng chính cô bé phát hiện thấy người đàn ông đi hội bị rắn cắn và tự tay rút dây lưng buộc vào chân người bị nạn rồi đưa về nhà mình.

Đắp chăn cho người đàn ông xong, Chài quay ra nói nhỏ với vợ câu gì đó. Chị xuống ao bắt con cá đem về nấu nồi cháo đợi người đàn ông tỉnh lại. Rồi chị sắm sửa quần áo để chuẩn bị ngày mai mùng Mười dâng lễ lên núi. Chị mở hòm, lôi ra bộ váy áo năm xưa, hai mắt đỏ hoe, tràn lệ. Người đàn ông thức dậy, thấy chị thẫn thờ ôm bộ váy áo bèn hỏi chuyện. Thì ra, chị không phải là người vùng này. Quê chị ở nơi có nhiều đá, nhiều núi cao hơn nơi đây. Người đàn ông an ủi chị. Ông hứa sẽ giúp chị tìm được quê hương vì ông có người em trai làm ở Viện Khảo cổ học quốc gia.

5 giờ sáng mùng Mười tháng Ba, vợ chồng Mây sửa soạn mâm trái cây, lá thuốc vườn nhà mang lên dâng cúng các Vua Hùng. Người đàn ông xin phép đi cùng. Lên đến đền Thượng còn sớm, họ đặt lễ, cầu xin các Vua Hùng ban phước cho gia đình, quê hương, cầu xin sức khoẻ để làm việc và không quên cầu xin cho Mây sớm tìm thấy gia đình mình. Làm lễ xong, họ đem trái cây ra chia cho những người cùng đi Hội quanh đó, còn món lá thuốc Chài sẽ mang về đặt lên ban thờ nhà mình.

Đang xuống núi, bất chợt một đứa trẻ trượt chân rời tay mẹ. Mây lao xuống đỡ và cô bị đập đầu vào thân cây Chò cao ngất, tay vẫn ôm chặt đứa bé. Mây ngước khuôn mặt trắng hồng nhìn tán cây Chò, bỗng nhớ ra một điều gì đó. Cô nhắm mắt lại và reo lên:

-  Phuốc! Phuốc! bản Phuốc...

Chài và người đàn ông đi cùng lặng người sung sướng. Vậy là các Vua Hùng đã linh ứng, chứng cho tấm lòng nhân hậu của người con gái Lô Lô làm dâu đất Tổ. Mây đã nhớ lại được rồi. Họ nắm chặt tay nhau nghẹn ngào, mừng rỡ vì hạnh phúc đến quá đỗi bất ngờ!

Vũ Kim Liên
Bình luận
Back To Top