Bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Điện Biên

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

00:00 - Thứ Tư, 11/05/2016 Lượt xem: 2500 In bài viết
ĐBP - Với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, dân số trên 54 vạn người, cùng với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Điện Biên mang tính đa dạng về loại hình và bản sắc của đồng bào các dân tộc. Vì vậy, những năm qua, quá trình triển khai thực hiện bảo tồn và phát triển văn hóa có nhiều thuận lợi, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng cũng còn không ít những khó khăn. Để hoàn thành mục tiêu này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội...

Hát Then là một trong những di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát huy. Ảnh: Mai Phương

Theo báo cáo của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa các dân tộc, bảo tồn văn hóa phi vật thể đã được triển khai nghiêm túc, có sự phối hợp của các ngành và chính quyền địa phương. Trong quá trình tổ chức thực hiện đã có sự chỉ đạo sát sao của ngành chức năng. Từ việc tổ chức tập huấn kỹ năng một cách nghiêm túc hiệu quả, đến triển khai kiểm kê tích cực, đúng quy trình đã thu được những kết quả chính xác. Điển hình như: Hoàn thành việc kiểm kê toàn diện, chi tiết văn hóa của 8 dân tộc: Xinh Mun, Kháng, Phù Lá, Si La, Cống, Hà Nhì, Xạ Phang, Lào; hoàn thành công tác tổng kiểm kê di sản phi vật thể của 16/19 dân tộc tại 986/1.766 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 114/130 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của 4 dân tộc; trong đó, có 9 di sản nằm trong danh sách đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 1 hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm 2015 có 4 di sản văn hóa phi vật thể của Điện Biên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là: Xòe Thái, Tết Nào Pê Chầu (dân tộc Mông, huyện Mường Ảng); Lễ Kin Pang Then (dân tộc Thái, TX. Mường Lay); Lễ hội Đền Hoàng Công Chất (huyện Điện Biên). Ngoài ra, căn cứ kết quả tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể có 2.725 nghệ nhân và người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều lễ hội, di sản văn hóa được duy trì, phục dựng phát huy giá trị, hiệu quả, như: Lễ hội Đền Hoàng Công Chất  (Thành Bản Phủ), Lễ hội Đua thuyền đuôi én... để lại ấn tượng tốt đẹp và thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh theo dõi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Điện Biên đang gặp phải nhiều khó khăn cần giải quyết. Bà Dương Thị Chung, Phó trưởng Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Điện Biên là tỉnh miền núi có điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí không đồng đều, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc còn rất ít. Ví dụ như nhiều di sản văn hóa dân tộc Xinh Mun, Phù Lá... đang đứng trước nguy cơ đồng hóa với dân tộc Thái, Mông, cần phải bảo vệ khẩn cấp nhưng thiếu kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn. Ngoài ra, tỉnh Điện Biên hiện thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu, có năng lực về công tác bảo tồn, bảo tàng; phần lớn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở chưa được đào tạo về chuyên môn, ít am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc nên làm việc thiếu hiệu quả. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê và nhận diện, chứ chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học. Công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu văn hóa mới tập trung chủ yếu ở loại hình lễ hội và một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian chứ chưa đi sâu vào đời sống hiện tại và những nhu cầu thiết yếu của đồng bào. Trong 690 di sản phi vật thể được phân loại thì chủ yếu tập trung vào tiếng nói, chữ viết; ngữ văn, nghệ thuật trình diễn dân gian; lễ hội truyền thống... để lưu trữ, bảo tồn chứ chưa có biện pháp để phát huy các giá trị văn hóa đó. Công tác bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc rất ít người chưa được triển khai đồng bộ, mới chỉ được thực hiện lồng ghép trong dự án phát triển kinh tế xã hội. 2 đề án dành riêng cho dân tộc đặc biệt ít người là Si La và Cống trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy được các di sản văn hóa tiêu biểu, các nét đặc trưng truyền thống của dân tộc...

Khó khăn thách thức trong bảo tồn, phát triển văn hóa phi vật thể các dân tộc của tỉnh Điện Biên là một thực tế. Nhiệm vụ, mục tiêu này cũng không phải của riêng ngành văn hóa mà cần cả hệ thống chính trị, toàn xã hội phải vào cuộc. Trong đó cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là các nghệ nhân, già làng, trưởng bản hiểu được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc mình. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của các cấp, ngành trong quá trình triển khai nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, đảm bảo kinh phí kịp thời cho những nhiệm vụ trọng tâm; ưu tiên công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; việc chi hỗ trợ cho người dân, người cung cấp thông tin, người gìn giữ di sản văn hóa phải được tiến hành đồng thời trong quá trình thực hiện; quan tâm đặc biệt đến việc chọn địa điểm, địa bàn, đối tượng bảo tồn, dân tộc, loại hình di sản cần bảo tồn, để đảm bảo tính toàn diện trong việc bảo tồn gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Sơn Nam
Bình luận
Back To Top