Văn hóa Thái với nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me

15:33 - Thứ Năm, 30/06/2016 Lượt xem: 8842 In bài viết
ĐBP - Trong sự phát triển của lịch sử văn minh nhân loại luôn diễn ra sự giao lưu, chi phối ảnh hưởng có tính đa chiều trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị giữa các dân tộc, đó là một quy luật mang tính tất yếu. Trong một thời kỳ khá dài, chủ thể chính của nền văn hóa vùng Tây Bắc là dân tộc Thái nên ảnh hưởng của văn hóa Thái đối với một số dân tộc khác, đặc biệt là cộng đồng nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me rất đậm nét.

Trước khi tìm hiểu sự chi phối của văn hóa Thái đối với nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me gồm các dân tộc Khơ Mú, Mảng, Kháng, Xinh Mun, xin lược sử những nét chủ yếu nhất về đặc điểm phân bố cư dân vùng Tây Bắc.

 

Khăn Piêu, nét văn hóa Thái đã và đang trở thành “di sản chung” của nhiều dân tộc Tây Bắc, nhất là các dân tộc trong nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me.

Tây Bắc “miền đất của những núi cao và cao nguyên” (Lê Bá Thảo), vắt dọc Tây Bắc là sông Đà, từng được Nguyễn Tuân ví như “sống lá khi coi Tây Bắc là chiếc lá”. Quá trình hình thành tộc người ở Tây Bắc Việt Nam khá phức tạp và đa dạng. Theo những kết quả nghiên cứu hiện nay, Tây Bắc đã tìm thấy dấu vết của con người từ thời nguyên thủy trong các di chỉ hậu kỳ đồ đá cũ. Bức tranh tổng thể về phân bố cư dân và các vùng cảnh quan có thể thấy ở vùng thung lũng lòng chảo thấp hay vùng bồn địa giữa núi, trước núi là nơi sinh sống của các cư dân Thái, Mường, Lào, Lự; trong đó người Mường chủ yếu cư trú ở vùng phía Nam của Tây Bắc. Vùng rẻo giữa hay vùng sườn núi là nơi cư trú của các tộc người nói ngôn ngữ Môn - Khơ me như Khơ Mú, Mảng, Kháng, Xinh Mun. Vùng rẻo cao là nơi cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, Tạng Miến.

Quá trình hình thành và phát triển cộng đồng các tộc người vùng Tây Bắc gắn với lịch sử di dân, những xung đột liên quan tới nơi cư trú. Căn cứ vào những tài liệu thành văn của người Thái “Quăm tô mương” (kể chuyện bản mường), “Quăm tay pú sắc” (kể chuyện những cuộc chiến tranh), cho rằng: cộng đồng nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me là cư dân bản địa có mặt sớm nhất ở vùng Tây Bắc. Trong lễ cầu mùa Xên bản, Xên Mường của người Thái, khi cúng người có công mở đất, lễ vật bao giờ cũng là những loại củ, loại thức ăn phổ biến của nhóm người ngôn ngữ Môn - Khơ me. Trong khi đó, người Thái không dùng củ làm đồ cúng.

Cho đến đầu thiên niên kỷ thứ 2 người Thái thiên di đến Tây Bắc, cùng với đó là cuộc chiến giành đất quyết liệt giữa nhóm thiên di với cư dân bản địa. Cộng đồng nhóm người thuộc ngữ hệ Môn - Khơ me, vốn phân tán về lực lượng, khả năng tổ chức chiến tranh kém nên sớm chịu thất bại phải lùi sâu cư trú ở núi cao, rừng sâu. Từ đó suốt gần một thiên niên kỷ, dân tộc Thái trở thành chủ nhân Tây Bắc, các dân tộc khác trở thành kẻ lệ thuộc. Cũng là thời kỳ văn hóa Thái là dòng chảy chủ đạo của văn hóa Tây Bắc, cũng mở đầu một thời kỳ một số dân tộc “yếm thế” chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Thái.

 

Nhà văn hóa bản U Va (xã Noong Luống, huyện Điện Biên) nơi có sự tích dây khau cát mang đậm nét văn hóa dân gian Thái.

Về mặt ngôn ngữ: Trong suốt thời kỳ phong kiến, ở Tây Bắc tiếng Thái là tiếng phổ thông, ngôn ngữ trung gian để các dân tộc giao tiếp. Điều đó tác động mạnh đến sự phát triển ngôn ngữ của các dân tộc khác, đặc biệt là nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me... Tính nguyên thủy của nhóm ngôn ngữ này dần mất, chỉ còn giữ được những từ chỉ tự nhiên như: cây quả, con vật, còn từ xã hội hoàn toàn vay mượn tiếng Thái. Ngay trong hệ đếm từ 1 đến 10 người, nhóm Môn - Khơ me hầu như sử dụng tiếng Thái, chỉ một số dân tộc giữ nguyên tiếng của mình từ số 1 đến số 4. Hiện nay nhiều người, đặc biệt là thế hệ dưới 50 tuổi biết tiếng mẹ đẻ rất ít. Qua khảo sát 2 bản người Khơ Mú ở Nà Nghè (Thành phố Điện Biên Phủ); thì 100% đều có thể giao tiếp bằng tiếng Thái, 34% giao tiếp tiếng mẹ đẻ, còn lại trên 60% giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ rất khó khăn. Người Xinh Mun ở Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông) đều sử dụng thông thạo tiếng Thái trong sinh hoạt, giao tiếp... Không chỉ thế, các loại hình diễn xướng dân gian như: Hát múa, trò chơi... đều mô phỏng hoặc giống hoàn toàn với dân tộc Thái. Nhạc cụ, câu hát, điệu múa người Thái hay biểu diễn thì người Xinh Mun mượn để sử dụng và coi đó như một nét văn hóa của dân tộc mình.

Về canh tác: Nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me là cư dân nông nghiệp canh tác chủ yếu là nương rẫy. Trong khi đó, người Thái chủ yếu là trồng lúa nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me đã tiếp cận và biết cách trồng lúa nước. Tuy nhiên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, mai họ không chế tác được mà phải trao đổi với người Thái. Kỹ thuật: mương, phai họ cũng học từ người Thái. Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, hôn nhân gia đình, quan hệ dòng tộc của nhóm người Môn - Khơ me cũng đều chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Thái.

Nhà ở của nhóm Môn - Khơ me cũng là nhà sàn, cơ bản giống như nhà sàn của người Thái. Tên họ chủ yếu cũng vay mượn từ họ của người Thái. Trong đời sống văn hóa tinh thần một số nghi lễ tín ngưỡng, trò chơi dân gian các điệu xòe của nhóm người Môn - Khơ me cũng bắt nguồn từ văn hóa Thái.

Trong thời kỳ phong kiến, với thân phận nô lệ, cùng sự ảnh hưởng chi phối tương đối toàn diện về mặt văn hóa Thái, dẫn đến một bộ phận tộc người của nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me Tây Bắc bị đồng hóa trở thành người Thái một cách tự nhiên, kết hợp với yếu tố Thái hóa văn hóa của bộ phận cư dân còn lại, đã khiến cho dân số của 4 tộc người: Khơ Mú, Kháng, Mảng, Xinh Mun ngày càng ít. Hiện nay ở Điện Biên người Xinh Mun có khoảng gần 2.000 người, Khơ Mú gần 17.000, người Kháng hơn 4.000 người. Riêng người Mảng cả nước chỉ còn 3.700 người.

Quá trình giao lưu văn hóa hàng ngàn năm, trên thế mạnh về chính trị, kinh tế, ở Tây Bắc văn hóa Thái không chỉ giữ vai trò chủ đạo mà còn chi phối ảnh hưởng đến văn hóa các dân tộc trong đó sâu đậm và rõ nét nhất là nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me. Điều đó một mặt tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa cho các dân tộc này. Một khác cũng làm mai một, hoặc mất đi bản sắc văn hóa. Mặc dù giao lưu, giao thoa, hòa nhập văn hóa là tính phổ biến của quy luật. Nhưng sự xâm nhập văn hóa diễn ra theo hướng một chiều kéo dài cùng với đó sự thụ động trong tiếp nhận văn hóa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại bản sắc văn hóa của dân tộc “yếm thế”. Nếu tiếp tục diễn ra thì dẫn đến hậu quả: một lúc nào đó sẽ có dân tộc bị biến mất.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là từ khi đổi mới đất nước đến nay Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm mọi mặt để bảo tồn, phát triển văn hóa của các dân tộc. Cùng với đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc Tây Bắc được cải thiện, ý thức về giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc đã được nâng lên. Tuy nhiên, do xuất phát điểm về kinh tế văn hóa xã hội của cộng đồng các dân tộc nhóm ngữ hệ Môn - Khơ me thấp, hơn nữa trong một thời kỳ khá dài, do hoàn cảnh lịch sử đất nước phải đương đầu với chiến tranh, nên vấn đề bảo tồn, khôi phục giá trị bản sắc văn hóa cho các dân tộc thiểu số gặp khó khăn.

Hiện nay, nguy cơ mai một bản sắc văn hóa vẫn luôn thường trực. Để bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của các tộc người này, là cả một quá trình lâu dài cần có sự chung tay của cả xã hội. Nhưng nội lực văn hóa của mỗi tộc người luôn là yếu tố quyết định để bản sắc văn hóa được giữ vững. Một dân tộc muốn tồn tại, phát triển không chỉ phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, mà phải biết giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, giải quyết tốt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa thống nhất và đa dạng...

Bài, ảnh: Trần Thành
Bình luận
Back To Top