Bếp lửa trong đời sống đồng bào vùng cao

14:32 - Thứ Năm, 14/07/2016 Lượt xem: 8736 In bài viết
ĐBP - Bếp lửa có vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc nói chung và ở Điện Biên nói riêng. Với mỗi dân tộc, mỗi vùng, miền, bếp lửa lại tạo nên không gian văn hóa đặc trưng. Không chỉ là nơi để đun, nấu mà còn duy trì ánh sáng và hơi ấm trong mỗi gia đình.

Ngoài chức năng là nơi đun, nấu thức ăn, bếp lửa còn là nguồn sáng lan tỏa khắp căn nhà vào buổi tối, mang hơi ấm đến mỗi thành viên của cả gia đình. Hầu hết các công việc về đêm của đồng bào vùng cao đều cần đến nguồn sáng từ bếp lửa như: khâu vá, thêu thùa hay đan lát… Quanh bếp lửa hồng, những chàng trai cô gái ngồi chuyện trò, tâm sự; những người mẹ bồng con sưởi ấm. Ánh lửa lọt qua khe liếp cũng là tín hiệu báo cho bản làng biết là gia đình vẫn còn thức và sẵn sàng đón khách. Hơi ấm từ bếp lửa xua tan giá buốt của mùa đông trên vùng núi cao, giúp hong khô quần áo những ngày mưa dài. Bếp lửa chính là nơi ông bà, cha mẹ kể lại những câu chuyện cổ tích, truyền lại những kinh nghiệm quý báu trong lao động sản xuất cho con cháu. Bếp lửa cũng là nơi con cháu bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ, ông bà để mỗi thành viên gia đình được sống trong tình thương yêu, đầm ấm. Những người con sinh ra từ bản làng mỗi khi đi công tác xa, sẽ chẳng thể nào quên hình ảnh bếp lửa thân quen trong gia đình. 

 

Bếp lửa của người Khơ Mú (bản Công, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên).

Đối với đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên, trong ngôi nhà sàn thường bố trí hai bếp lửa, một bếp để nấu thức ăn, một bếp để đun nước và tiếp khách. Bếp chính thường đặt ở gian cạnh của ngôi nhà, ánh sáng và hơi ấm từ bếp sẽ tỏa đều khắp không gian sinh hoạt trong những ngày mùa đông giá rét. Trên bếp luôn có một khúc củi to có tác dụng giữ lửa, trước đây người ta thường lấy những viên đá nhẵn to bằng bắp đùi ở suối về kê nồi, ngày nay nhiều gia đình đã thay thế bằng kiềng sắt tiện lợi. Phần không gian phía trên là gác bếp, có giá treo hai hoặc ba tầng. Gác bếp dùng để bảo quản lương thực, thực phẩm và hạt giống như ngô, lúa, đậu tương... Bếp phụ dùng để đun nấu hay đặt ở gian liền kề với ngôi nhà, phía ngoài thường có lan can khá rộng, trên đặt những thùng nước dự trữ để phục vụ sinh hoạt của gia đình. Là nơi nấu ăn hàng ngày của gia đình nên gần bếp có kê chạn bát, giá treo xoong nồi, trên gác bếp là các loại gia vị được cất trong những chiếc giỏ bằng tre, nứa.

Còn với đồng bào dân tộc Mông do thường sống ở những vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt nên nhà của người Mông thường thấp và ít cửa cũng vì thế mà mỗi gia đình người Mông hay có đến ba bếp lửa. Hai bếp đặt ở hai gian cạnh để lấy ánh sáng và giữ ấm. Trong đó một bếp được sử dụng để nấu ăn, bếp còn lại chỉ đun nước và giữ lửa. Cái bếp thứ ba thường được đặt bên ngoài ngôi nhà để nấu thức ăn cho gia súc, gia cầm, đây cũng là nơi nấu ra những mẻ rượu ngô thơm phức, loại rượu đặc trưng của dân tộc Mông.

Ngoài là nét đặc sắc trong sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái, Mông, bếp lửa còn có ý nghĩa lớn trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Hà Nhì, Khơ Mú, Si La và các dân tộc khác sinh sống dù có những điểm khác nhau  từ cách làm, vị trí đặt bếp đến sự kiêng kỵ theo quan niệm của mỗi dân tộc.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top