Tranh nghệ thuật Việt Nam: Mê cung thật giả

09:50 - Thứ Ba, 19/07/2016 Lượt xem: 4560 In bài viết
Những ngày qua, lần đầu tiên tại TPHCM, các tác phẩm nghệ thuật của bộ tứ danh họa Sáng-Nghiêm-Liên-Phái (tức các họa sĩ Nguyễn Sáng-Nguyễn Tư Nghiêm-Dương Bích Liên-Bùi Xuân Phái) cùng hội ngộ tại triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu về” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật và đông đảo công chúng. Triển lãm được dư luận đặc biệt quan tâm bởi đây được cho là chuyến trở về của những tác phẩm giá trị sau nhiều năm được lưu giữ ở nước ngoài, của bộ tứ nổi tiếng vốn xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương.

 

Vườn chuối của Nguyễn Sáng.

Nhiều nghi vấn

Tuy nhiên, cũng chính vì nguyên do này, triển lãm đã nhận không ít phản ứng, những ý kiến đánh giá trái chiều của nhiều người trong giới và của dư luận. Ngay những ngày đầu khai mạc, không ít người sau khi xem tác phẩm đã bày tỏ sự nghi ngờ, có người còn khẳng định một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm là tranh giả. Đầu tiên là tác phẩm Ba cô gái (kích thước 90 x 120cm) của họa sĩ Dương Bích Liên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hào Hải cho rằng tác phẩm này là tranh giả, vì tác phẩm gốc (chất liệu sơn dầu và sơn mài) của Dương Bích Liên theo ông có kích thước lớn hơn nhiều, 147 x 200cm và được sáng tác năm 1972. Ông cho biết thêm, tác phẩm gốc của Dương Bích Liên có tên là Mùa xuân và thiếu nữ, hiện thuộc bộ sưu tập của nhà sưu tập Đức Minh. Về tác phẩm này tại triển lãm, một họa sĩ nhận định: “Thật hay giả thì tôi chưa khẳng định được vì còn phải cân nhắc nhiều yếu tố nhưng nhìn cái cách thể hiện hình vẽ, bố cục thì quả thật là ngô nghê. Thật khó tin khi bảo đây là tác phẩm của Dương Bích Liên!”.

Cũng giống như vậy tại triển lãm của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, tác phẩm Vườn chuối (chất liệu sơn mài, kích thước 90 x 120cm, sáng tác 1978) được cho là của danh họa Nguyễn Sáng cũng nhận được nhiều ý kiến đánh giá. Trong tập in năm 1996 của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, tác phẩm của Nguyễn Sáng cũng có tên Vườn chuối, cùng chất liệu sơn mài nhưng với kích thước là 120 x 180cm và được sáng tác năm 1981. Ông Trần Hậu Tuấn cũng cho rằng, tác phẩm này hiện đang thuộc sở hữu của Haiphong Shipping Company.

Không chỉ có thế, tác phẩm Rồng (sơn mài, 80 x 120cm, sáng tác năm 1974) ký tên Nguyễn Tư Nghiêm cũng vấp phải nhiều sự nghi ngờ. Một số họa sĩ trong giới nghiên cứu cho rằng, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thường có thói quen vẽ con giáp theo từng năm mang tên con giáp đó. Cùng bố cục và cách vẽ, tác phẩm này (còn có tên gọi khác là Múa rồng) lâu nay thường được người trong giới biết đến với chất liệu bột màu trên giấy, được ký năm Bính Thìn 1976.

Chủ nhân của triển lãm là nhà sưu tập Vũ Xuân Chung 59 tuổi, trước đây vốn là một người sưu tập và mua bán đồ cổ trên đường Lê Công Kiều, quận 1, TPHCM. Triển lãm giới thiệu 17 tác phẩm, trong đó có 6 tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm, 5 tác phẩm của Nguyễn Sáng, 2 tác phẩm của Bùi Xuân Phái, cùng các tác phẩm của Dương Bích Liên, Tạ Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung. Theo ông Vũ Xuân Chung, những tác phẩm trên được ông mua từ Nhà đấu giá Christie’s Hồng Kông, của ông Jean Francois Hubert người Pháp - được biết đến là một chuyên gia thẩm định tranh Việt Nam. Ông Chung cho biết, các tác phẩm đều có giấy chứng nhận của ông Hubert, nhưng liệu ông Hubert có giấy chứng nhận từ những người mà ông đã mua trước đó hay không thì không ai biết.

Vấn nạn tranh nhái, tranh giả

Câu chuyện càng kịch tính hơn khi tham quan triển lãm mới đây, họa sĩ Thành Chương vô cùng kinh ngạc khi thấy tác phẩm của ông được ký tên… Tạ Tỵ, ghi năm sáng tác 1952 !? Đó là tác phẩm sơn dầu Trừu tượng (kích thước 47 x 56cm), phía góc trái có ghi “Tạ Tỵ 52”. Họa sĩ Thành Chương cho rằng, bức này ông vẽ khoảng năm 1970-1971, thể hiện chân dung một người bạn của ông - là một nữ họa sĩ, bằng ngôn ngữ hội họa lập thể. Ông nói, bức này sau đó được bán tại một cửa hàng mỹ thuật ở Hà Nội và không hiểu bằng cách nào đã lọt vào bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung với tên tác giả Tạ Tỵ, lại được vẽ từ 1952? Những ý kiến phát biểu của họa sĩ Thành Chương ngay sau đó đã được lập biên bản trong buổi làm việc với lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM - nơi tổ chức triển lãm này.

Ông Vũ Xuân Chung từng chia sẻ với báo chí, rằng ông mong mỏi sẽ ngày càng có nhiều nhà sưu tập mỹ thuật cùng với ông làm công việc sưu tập này, để những người yêu mỹ thuật và công chúng trong nước không cần phải ra nước ngoài mới thưởng ngoạn được những kiệt tác của nền mỹ thuật Việt Nam. Có thể nói đây là suy nghĩ tích cực, chỉ tiếc rằng ngay triển lãm đầu tiên của ông đã có quá nhiều những nhận định tiêu cực của người trong giới.

Ở đây chưa xét đến góc độ tranh thật hay giả, trên thực tế cần công tâm mà nói, hàng chục năm qua, vấn nạn tranh nhái, tranh giả đã khiến thị trường tranh nghệ thuật Việt Nam vừa mới le lói hình thành đã sớm rơi vào cảnh đìu hiu, tàn lụi.

Một thực tế đau lòng khiến những người yêu nghệ thuật, giới sưu tầm trong nước dở khóc dở cười - và cũng chính là nguyên nhân khiến những nhà sưu tập nước ngoài dè dặt, nghi ngờ khi tìm hiểu hay sưu tập tác phẩm mỹ thuật Việt Nam, nhất là những tác phẩm của các họa sĩ tiền bối, những bậc thầy mỹ thuật thuộc các thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Một thị trường mỹ thuật vừa mới manh nha nhưng thật giả lẫn lộn, thiếu chuyên nghiệp bởi hầu như chưa có một đội ngũ giám tuyển uy tín, chưa có một cơ quan nào thẩm định chuyên nghiệp. Thế nên, một hệ quả là việc sưu tập những tác phẩm của các thế hệ họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương vốn có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa nghệ thuật cao đến nay vẫn chỉ là niềm mong mỏi.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top