Hội nhập phim Việt - “Sóng ở đáy sông”

15:25 - Chủ Nhật, 31/07/2016 Lượt xem: 4141 In bài viết

Số lượng phim tăng rõ rệt, ngày càng có nhiều ê kíp nước ngoài tham gia vào quá trình sản xuất phim, sự bùng nổ của thế hệ các đạo diễn gốc Việt... đều là những tín hiệu cho thấy sự hội nhập tích cực của điện ảnh Việt. Nhưng trước khi trở thành ngành công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa, cần hơn nữa những cú hích mạnh mẽ để tạo bước nhảy vọt.

Cửa đã mở...

Những ngày qua, người hâm mộ điện ảnh trong nước lại thêm một lần vui mừng khi trailer bộ phim Kong: Skull Island với những hình ảnh Việt Nam lung linh trên phim được quảng bá trên toàn thế giới. Niềm vui ấy bắt nguồn từ sự háo hức chờ đợi kể từ sau khi đoàn phim đặt chân đến nhiều địa danh khác nhau của Việt Nam: vịnh Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình để ghi hình. Sau rất nhiều lần lỡ hẹn với các đoàn phim quốc tế, việc phim “bom tấn” của đạo diễn Vogt-Roberts chọn Việt Nam và được mở cửa chào đón là điều rất đáng mừng. Đây có thể coi là dấu mốc quan trọng về sự mở cửa hợp tác của điện ảnh Việt trong thời kỳ hội nhập. 

Trung tuần tháng 7 vừa qua, sau hơn một năm chuẩn bị dự án phim hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ có tên Sám hối của đạo diễn Peter Hiền (một đạo diễn phim hành động nổi tiếng ở Bollywood) chính thức bấm máy. Ê kíp thực hiện có nhà sản xuất Raja Ramani cùng đạo diễn hình ảnh và quay phim đều là người Ấn Độ, trong khi về phía Việt Nam, hai gương mặt diễn viên chính được hé lộ là Bình Minh và Anh Thư.

“Từ khi có tên tuổi ở Ấn Độ, tôi đã ước mơ được trở về Việt Nam để làm phim. Tôi từng đi nhiều nơi ở Việt Nam và quá ấn tượng về cảnh đẹp của đất nước mình. Tôi cũng luôn tự hỏi tại sao các đạo diễn Ấn Độ không sang Việt Nam quay phim”, đạo diễn Peter Hiền từng trăn trở trước khi phim Sám hối được cấp phép quay phim tại chính nơi là một phần máu thịt của anh (mẹ Peter Hiền là người Việt Nam). 

Trước Sám hối, một dự án phim hợp tác gây nhiều chú ý của nhà sản xuất Trần Bảo Sơn - Girl 2: Những cô gái và gangster cũng đã bấm máy với các cảnh quay tại TPHCM vào đầu tháng 7. Bộ phim của nữ đạo diễn Hồng Công - Hoàng Chân Chân quy tụ nhiều ngôi sao: tay đấm thép Mike Tyson, Trương Quân Ninh, Tiết Khải Kỳ, Trần Ý Hàm... Phim được thông báo sẽ khởi chiếu tại Hồng Công, cùng một số quốc gia châu Á và Việt Nam vào dịp Giáng sinh sắp tới. Một dự án phim hợp tác sẽ ra mắt trong tháng 9 tới không thể không nhắc đến là Cô hầu gái của đạo diễn Việt kiều Derek Nguyễn cùng nhà sản xuất Timothy Linh Bùi. 

Xét trên khía cạnh hội nhập, việc hợp tác quốc tế ở lĩnh vực điện ảnh đã có manh nha từ rất lâu khi một số đoàn phim: Người tình, Đông Dương, Người Mỹ trầm lặng, Hai con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa... từng chọn Việt Nam là điểm đến. Nhưng trong một khoảng thời gian chúng ta đã lỡ hẹn với không ít đoàn phim quốc tế vì nhiều yếu tố khác nhau.

Hiện nay, một tín hiệu khác của sự hợp tác đang rất thịnh hành đó là việc ngày càng có nhiều chuyên gia, ê kíp nước ngoài tham gia vào thành phần sáng tạo của đoàn phim. Đây là kết quả tất yếu của việc nhiều đạo diễn gốc Việt quyết định trở về Việt Nam làm phim, như: Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn, Victor Vũ, Hàm Trần... Có nhiều tên tuổi đã được công nhận, như: Christopher Wong (người đảm nhận phần âm nhạc cho nhiều bộ phim: Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Để mai tính, Chuyện tình xa xứ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh); Aaron Toronto (tham gia biên kịch Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám); Dominic Pereira (quay phim của Để mai tính, Bẫy rồng, Dòng máu anh hùng...)…

 

Đạo diễn Peter Hiền (thứ hai từ trái sang) chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên Bình Minh, Anh Thư trên phim trường phim Sám hối, tác phẩm hợp tác Việt Nam - Ấn Độ.

 

Ra biển lớn hãy còn xa

Nếu nhìn vào những thành công của thị trường phim Việt trong năm 2015 thì ai cũng thấy những mặt tích cực, nhưng việc có duy trì được mức độ tăng trưởng cả về lượng và chất mới là điều đáng bàn. Và thực tế những gì đang diễn ra trong suốt nửa đầu năm 2016 đã nói lên tất cả. Hàng chục bộ phim đã ra mắt nhưng không để lại dấu ấn đậm nét nào. Ngay cả trường hợp của Fan cuồng - bộ phim được đầu tư 26 tỷ đồng đánh dấu sự tái hợp của “vua phòng vé” Thái Hòa cùng đạo diễn Charlie Nguyễn, diễn viên Johnny Nguyễn cùng ê kíp nước ngoài hùng hậu không tránh khỏi thất bại. 

Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh có rất nhiều thuận lợi về hợp tác sản xuất phim, lý do vì sao phim Việt vẫn loay hoay tìm lối đi và bài toán chất lượng luôn khiến người làm nghề lẫn khán giả phải trăn trở. Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL từng khẳng định, một nền điện ảnh quốc gia chỉ mạnh khi có những bộ phim chất lượng cao, giải phóng sức sáng tạo của các tài năng. Do đó, rất cần có những tên tuổi xuất chúng của điện ảnh Việt Nam, các diễn viên được xuất hiện trong những dự án phim nước ngoài. 

Liên quan đến câu chuyện hội nhập, trăn trở của NSND Đặng Nhật Minh không phải không có căn cứ: “Chúng ta đã có một thời gian dài hội nhập; có một số phim Việt đã chiếm lĩnh thị trường trong nước nhưng chưa nhiều phim được chiếu ở nước ngoài và rất ít phim thành công trên cả hai phương diện doanh thu phòng vé và chất lượng nghệ thuật”. Theo ông, điều cần làm là tiếp tục phát huy dòng phim nghệ thuật để có mặt trong đời sống điện ảnh quốc tế, đồng thời tạo dựng thêm nhiều bộ phim chiếm lĩnh thị trường doanh thu. Đó là cách để tạo nên bản sắc cho phim Việt và là điều mà các nhà sản xuất phim cần làm, nhất là việc nắm bắt thị hiếu khán giả. 

Ông Jacob Kirstein Hogel, Ủy viên Quỹ Điện ảnh Tây Đan Mạch trong nghiên cứu được thực hiện với đề nghị từ Bộ VH-TT-DL đã chỉ ra rằng, tất cả các quốc gia đều cố gắng có một nền điện ảnh mạnh và thực hiện các chính sách để có thể đạt được mục tiêu này.

Ở khía cạnh này, bà Susan Lee đến từ Hiệp hội Điện ảnh quốc tế châu Á - Thái Bình Dương cũng rất tán đồng và cho rằng các ưu đãi trong sản xuất phim đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới để thu hút hoạt động sản xuất và tạo ra một nền công nghiệp điện ảnh bền vững theo thời gian. Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗ lực ấy, nhưng chưa thể gọi chúng ta đang có một nền công nghiệp điện ảnh đúng nghĩa. 

Phim Việt đã và đang hội nhập là điều không thể phủ nhận, nhưng những thành quả mà chúng ta có được hãy vẫn còn hạn chế. Nếu nhìn thẳng vào vấn đề, chất lượng của đa phần các bộ phim của chúng ta chưa khiến khán giả trong nước hài lòng thì việc ra thị trường quốc tế sẽ càng xa hơn. Trong xu thế hội nhập, việc mở cửa, tạo sự thông thoáng về mặt cơ chế, chính sách, ưu đãi sản xuất là điều cần làm hơn bao giờ hết.

Trên thế giới, công nghiệp phim ảnh đang mang lại nhiều giá trị thặng dư: tạo ra việc làm, tăng lượng khách du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghiệp điện ảnh và thu hút các hoạt động sản xuất.

Tại Việt Nam, một bằng chứng rõ nét là, nhà sản xuất phim Kong: Skull Island chấp nhận bỏ ra không ít tiền đền bù thiệt hại cho người dân tại nơi họ quay phim, chi phí làm đường, thuê người Việt Nam hỗ trợ đoàn phim... Nhưng lợi ích lớn hơn đó là việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới - một cách kích cầu du lịch hiệu quả.

Còn nhớ, tại New Zealand, 3 tập phim Chúa tể những chiếc nhẫn góp phần tăng thêm 42 triệu USD cho du lịch nước này. Đó cũng là lý do không phải ngẫu nhiên Hàn Quốc từng chấp nhận bỏ ra 3,8 triệu USD để các nhà làm phim The Avengers đưa những bối cảnh của thủ đô Seoul vào phim “bom tấn” này. Chịu chơi hơn, Mexico từng hào phóng chi 20 triệu USD chỉ để được điệp viên James Bond trong bộ phim Spectre ghé thăm.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top