Truyền hình thời “nhân bản vô tính”

14:53 - Thứ Tư, 10/08/2016 Lượt xem: 4029 In bài viết
Vài năm trở lại đây có sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế về giải trí. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng thì chất lượng chương trình cũng nhận không ít ý kiến cho rằng ngày càng đi xuống. Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là sự trùng lặp, khá giống nhau từ ý tưởng đến hình thức.

Nhiều tiệc - ít món ngon

Từ khi kênh THVL1 của Đài Truyền hình Vĩnh Long nổi lên trong làng giải trí, thậm chí qua mặt cả HTV7 lẫn VTV3 thì các chương trình truyền hình thực tế về giải trí cũng ngày càng nở rộ. Không chỉ là những ngày cuối tuần như trước đây mà khung giờ phát sóng các chương trình truyền hình thực tế về giải trí mở rộng suốt từ thứ hai đến chủ nhật; thậm chí những ngày cuối tuần, chuyện hai chương trình cùng chen sóng một kênh đã trở thành bình thường.

 

Thí sinh Bạch Công Khanh đăng quang chương trình Gương mặt thân quen 2016.

Còn nhớ, lên sóng từ cuối năm 2013 trên VTV3, Đố ai hát được lập tức bị khán giả so sánh với Tôi dám hát phát sóng giữa năm 2013 trên VTV6 và YanTV. Về nội dung, hai chương trình rất giống nhau với hai đội chơi (mỗi đội hai người, trong đó có một nghệ sĩ) phải vượt qua những thử thách và không được dừng lời trước bất kỳ tình huống nào.

Tương tự, đề cập đến lĩnh vực thiết kế thời trang, hai chương trình Ngôi sao thiết kế Việt Nam (Fashion star) và Nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Project runway) có hình thức thể hiện tuy khác nhau đôi chút nhưng đều nhắm đến mục đích tìm ra nhà thiết kế thời trang xuất sắc nhất để trao giải. Tuy lên sóng khác thời điểm, do hai đơn vị độc lập sản xuất, nhưng sự tương đồng giữa hai chương trình khiến người xem cứ lẫn lộn. Vũ điệu đam mê cũng bị cho là chương trình “ăn theo” thành công của Thử thách cùng bước nhảy, có cùng nội dung, phát sóng cùng thời điểm nhưng trên hai kênh truyền hình khác nhau.

Rõ hơn cả là trường hợp chương trình Dấu ấn và Sol vàng. Cả hai chương trình cơ bản đều giống nhau về hình thức, nội dung và cả cách thức thể hiện và trớ trêu là trùng cả kênh phát sóng VTV9. Tiếp đó, sau thành công đầy bất ngờ của Solo cùng Bolero, những chương trình game show về ca hát lập tức chuyển hướng đẩy mạnh khai thác dòng nhạc này. Nếu Khang Media, đơn vị sáng tạo bản quyền Solo cùng Bolero nhanh nhạy mở rộng biên độ với những định dạng mới như Tình ca Bolero thì một số đơn vị khác cũng nhảy vào khai thác, điển hình nhất là Cát Tiên Sa với Thần tượng Bolero.

Nguyên liệu hạn chế - thực đơn dễ trùng

Có người nói đùa rằng, ở thời buổi “nhân bản vô tính” lên ngôi nên các chương trình đóng giả cũng đặc biệt được ưa chuộng. Và ở phân khúc này, cũng không hiếm những chương trình giải trí giống nhau đến ngỡ ngàng. Năm 2016 có thể xem là năm của hát nhép và giả giọng với hàng chục chương trình với định dạng kiểu này đã, đang và sẽ lên sóng. Điển hình nhất có thể kể đến Gương mặt thân quen, Hoán đổi, Biến hóa hoàn hảo của loại hình giả dạng và giả giọng. Lên sóng gần như cùng thời điểm, chương trình Gương mặt thân quen(mỗi tuần đóng giả một nghệ sĩ) và Biến hóa hoàn hảo (đóng giả một nghệ sĩ xuyên suốt chương trình) thậm chí chỉ khác nhau kênh phát sóng chứ còn đến MC của chương trình cũng là một người. Chưa kể, người ta còn tổ chức hẳn một chương trình để tìm kiếm bản sao của những ca sĩ nổi tiếng như chương trình Ca sĩ giấu mặt.

Sau thời gian các chương trình về hát nở rộ thì vài năm trở lại đây hài lên ngôi với bạt ngàn chương trình mà ngay cả dân trong nghề theo dõi thường xuyên cũng không thể nào nhớ hết. Gần như tất cả các nhà sản xuất chương trình hiện nay đều bấu víu vào hài, từ những “người cũ” như Đông Tây Promotion, BHD đến những “tay chơi mới nổi” như Khang Media, Điền Quân, Jet Studio… Hàng loạt chương trình hài vẫn nối đuôi nhau phủ sóng truyền hình trãi dài suốt năm và suốt tuần như Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Bí mật đêm chủ nhật, Ơn giời cậu đây rồi, Diêm vương xử án, Danh hài đất Việt, Làng hài mở hội, Cười xuyên Việt…

Quá nhiều chương trình hài trong khi từ nhân tố thí sinh, giám khảo đến nghệ sĩ tham gia chương trình đều gần như phải “chạy sô” khắp các mặt trận nên chuyện khán giả xem cứ thấy giống giống nhau giữa một số chương trình là điều khó tránh khỏi. Đến mức, ngay cả điều cơ bản nhất cần khác biệt là tên chương trình cũng rất khó. Chính vì vậy, những cái tên có dính chữ hài được sử dụng triệt để, nào là Hội ngộ danh hài, Thách thức danh hài rồi đến Danh hài đất Việt, Làng hài mở hội, Hội quán tiếu lâm… Nói chung ngay cả tên chương trình đọc đã không phân biệt nổi đâu là đâu chứ đừng nói đến nội dung chương trình thế nào! 

Tương tự, sau sự thành công của các bản gốc trong lĩnh vực tìm kiếm tài năng, một loạt các chương trình với format tương tự tập trung vào đối tượng trẻ em cũng ồ ạt ra đời, tiêu biểu là Giọng hát Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Thần tượng Âm nhạc Việt Nam nhí…

Việc mở rộng biên độ khung giờ giải trí trên sóng truyền hình để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả cũng như sự ra đời ngày càng đa dạng của các chương trình giải trí trên truyền hình cũng là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở chất lượng. Một nền sản xuất truyền hình mà ở đó chỉ thấy những na ná, giống nhau về nội dung, cách thức thực hiện, chất lượng làng nhàng như hiện nay thì chuyện khán giả rồi quay lưng là điều không khó để dự đoán.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top