“Lò” luyện âm nhạc - trắng đen lẫn lộn

15:17 - Chủ Nhật, 04/09/2016 Lượt xem: 4936 In bài viết

Việc xã hội hóa dạy và học âm nhạc đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật của đất nước. Số lượng trẻ em học nhạc, các cuộc thi ca  hát, biểu diễn nhạc cụ, các tài năng nhí trong đời sống âm nhạc nước ta tăng nhanh trong những năm gần đây.  Song hiện tượng các trung tâm đào tạo âm nhạc, các “lò” luyện âm nhạc phát triển tự phát với một tốc độ khủng khiếp cũng khiến các nhà quản lý,  các chuyên gia âm nhạc cảm thấy lo ngại.

 “Lò” dạy nhạc “mọc” như nấm sau mưa

PGS-TS Nguyễn Phúc Linh (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đánh giá: Xã hội hóa đào tạo âm nhạc là một vấn đề đáng quan tâm trong những năm gần đây. TPHCM đã đi trước trong việc xã hội hóa đào tạo âm nhạc. Gần đây, Hà Nội cũng đã phát triển xu hướng xã hội hóa đào tạo âm nhạc với tốc độ khá nhanh, quy mô mở rộng. Điều này xuất phát từ việc đời sống kinh tế của người dân Hà Nội đã được cải thiện nên công chúng quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần. Số lượng các trung tâm dạy nhạc ở thủ đô đã lên tới vài chục, ngoài ra còn có đào tạo tại nhà, các trường dạy nhạc quốc tế... và những mô hình dạy nhạc này ít nhiều cũng đạt được kết quả đáng khích lệ.

 

Các cuộc thi âm nhạc, gameshow truyền hình cũng là yếu tố thúc đẩy trào lưu xã hội hóa âm nhạc phát triển nhanh chóng.

Đến từ thị trường âm nhạc sôi động nhất nước, việc xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc ở nơi này cũng có những thay đổi chóng mặt trong những năm gần đây, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM, chia sẻ: Nếu chỉ bàn đến số lượng thì có thể thấy xã hội hóa đào tạo âm nhạc vô cùng phát triển. Trào lưu này sôi động, nhạy cảm với sở thích thưởng thức hay mong muốn làm nghề của đông đảo các đối tượng. Khoảng 10 năm gần đây, TPHCM khó mà đếm xuể các cá nhân dạy nhạc, các “lò” dạy nhạc hay các trung tâm, các “trường” âm nhạc tư nhân được thành lập với quy mô từ vài chục, thậm chí có cả trăm học viên theo học.

“Chỉ cần lướt trên trang mạng với từ khóa “học thanh nhạc”, “học nhạc tại TPHCM”... thì sẽ có đến vài chục cơ sở xuất hiện với các tên gọi trung tâm âm nhạc, trường nhạc, học viện âm nhạc, công ty truyền thông giải trí... chưa kể đến các trung tâm giáo dục âm nhạc của cộng đồng Thiên Chúa Giáo hay lớp học nhạc của gia đình phật tử, các lớp nhạc tư nhân...”, PGS-TS Mỹ Liêm nói thêm.

Phân tích thêm về xu hướng này, NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: Trước kia việc học hát, học nhạc ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng chỉ có ở các nhà văn hóa thiếu nhi; các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp chỉ tuyển sinh thanh nhạc với đối tượng lớn tuổi, khi về căn bản các em đã định hình giọng thì nay nhu cầu ấy đã thay đổi. Thực tế cho thấy không ít bạn trẻ đã trở thành ca sĩ, trở nên “hot” trên thị trường âm nhạc từ những cuộc thi hát trên truyền hình mà không cần qua trường lớp đào tạo bài bản... cũng “gây men” cho các bạn trẻ khác tự mình đi học để đi thi với hy vọng tỏa sáng. Điều này đã khiến các em nhỏ đến với các “lò” luyện thanh từ rất sớm để có thể thực hiện ước mơ tỏa sáng khi tham dự các gameshow ca nhạc trên sóng truyền hình.

Dạy sai trong âm nhạc, muốn sửa sẽ mất cả trăm năm...

Thực tế, phần lớn các địa phương trên cả nước việc xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc hiện nay đang mang tính chất tự phát dẫn đến khó khăn trong đánh giá hiệu quả thực sự việc dạy âm nhạc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chất lượng của các trung tâm, nhóm nhạc cũng là một dấu hỏi lớn khi các lớp học nhạc đa phần bị phụ thuộc vào nhu cầu học tập giải trí, thời gian học ngắn nên phần lớn các học viên đều không được trang bị nền tảng kiến thức cơ bản về âm nhạc. GS-TS-NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, vô cùng bức xúc về vấn đề này. Ông nói: “Từ hàng chục năm nay không có cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng của các trung tâm đào tạo tư nhân này. Ở không ít trung tâm, giáo viên chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng sư phạm âm nhạc để dạy trẻ em học nhạc. Có nhiều trường hợp các cháu đã theo học vài năm mà vẫn chưa chơi được một bản nhạc nào, thậm chí chưa thể tự đọc nốt nhạc”. Hậu quả của sự lộn xộn trong dạy và học âm nhạc không chuyên không dừng lại ở sự lãng phí thời gian, tiền của... Tại nhiều địa phương, hiện tượng các cơ sở đào tạo âm nhạc hoạt động tự phát, người dạy không có văn bằng, chuyên ngành, không có giáo trình mà chỉ dạy theo kinh nghiệm, truyền khẩu cũng được ghi nhận là gây ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo. Theo GS-TS-NSND Ngô Văn Thành thì: “Đào tạo âm nhạc sai cũng như đào tạo văn hóa sai, muốn sửa phải mất cả trăm năm...”.

Hơn thế, không chỉ dạy nhạc mà nhiều “lò” còn nhận luôn việc lăng xê thành ca sĩ, nghệ sĩ... đáp ứng nhu cầu được trở thành người “nổi tiếng”, “đổi đời” qua một đêm bằng mọi giá của học viên... vì thế rất nhiều câu chuyện “tiền mất - tật mang” đã bị phanh phui, kiện cáo... khiến tính chất tích cực của đào tạo âm nhạc theo hình thức xã hội hóa bị thay đổi.

Có cái nhìn ít gay gắt hơn, NSND Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng việc học - dạy hát, nhạc đã và đang được xã hội hóa một cách tự nhiên, là dòng chảy mới, nơi ươm mầm và chọn lựa tài năng cho các trường chuyên nghiệp hay nói một cách khác là các trường “vệ tinh” của học viện. Song NSND Thanh Tâm cũng cho rằng để phát huy được dòng chảy truyền thống thì các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật nên cần nắm bắt và định hướng, bảo trợ để phát huy và đầu tư thích đáng cho những tài năng thật sự... vì bên cạnh những người học hát “cho biết”,  học để tham dự một cuộc thi nào đó theo kiểu “đi tắt”, thì cũng cần đầu tư để có được những thành tựu lớn bởi khó có thể xã hội hóa việc đào tạo người hát opera, nghệ sĩ piano, violon...

 

Các cuộc thi âm nhạc, gameshow truyền hình cũng là yếu tố thúc đẩy trào lưu xã hội hóa âm nhạc phát triển nhanh chóng.

Chia sẻ những bất cập này, PGS-TSKH Phan Đình Tân, Vụ trưởng Vụ Đào tạo cũng khẳng định, cùng việc đánh giá thực trạng những thuận lợi, khó khăn trong việc dạy và học âm nhạc, các cơ quan chức năng sẽ đề ra các giải pháp điều chỉnh, bổ sung văn bản quy định về việc xã hội hóa đào tạo âm nhạc phù hợp với tình hình thực tế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đăng ký tổ chức dạy âm nhạc theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tổ chức dạy âm nhạc nhằm phát huy giá trị âm nhạc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa âm nhạc thế giới, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Để làm trong sạch môi trường đào tạo âm nhạc, nhiều chuyên gia âm nhạc cũng kiến nghị cần đưa ra các biện pháp để quản lý chất lượng các “lò” đào tạo âm nhạc ngoài công lập. Ví dụ như  thành lập các trung tâm kiểm định âm nhạc, huy động các lực lượng chuyên gia xây dựng, biên soạn các chương trình, giáo trình dạy nhạc, tham khảo các tổ chức, hiệp hội kiểm định âm nhạc của các nước phát triển như Thụy Điển, Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản… Hơn thế, sau thời gian để các trung tâm đào tạo âm nhạc tự phát “mọc lên”, các nhà quản lý cần thống nhất quan điểm nhìn nhận về mô hình xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc hiện nay, xây dựng một mạng lưới các cơ sở dạy nhạc từ địa phương...

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top