Lưu truyền bản sắc dân tộc

09:29 - Thứ Năm, 08/09/2016 Lượt xem: 4998 In bài viết
ĐBP - Chia sẻ với chúng tôi về đời sống bà con dân tộc Cống ở Nậm Kè, huyện Mường Nhé ông Chảo Văn Sơ (nguyên Chủ tịch UBND xã Nậm Kè giai đoạn 2006 – 2010), cho biết: Còn nhớ, năm 1958, 3 gia đình đầu tiên chuyển về dựng nhà bên cạnh suối Nậm Kè. Cũng là lúc bản Nậm Kè dần hình thành và là một trong những bản định cư đầu tiên của xã Nậm Kè bây giờ. Từ khi các chương trình 134, 135 đầu tư xây dựng công trình thiết yếu và hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất thì giờ đây bản đã là nơi quần tụ của hơn 50 hộ với 320 nhân khẩu…

Về bản Nậm Kè hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự mới đổi thay của đồng bào Cống nơi đây. 100% gia đình đã có nhà ở vững chãi, điện về bản, nhà lớp học được xây dựng, 100% trẻ em được đến trường. Số hộ nghèo của bản hiện chỉ còn 17 hộ. Như nhiều đồng bào khác, dân tộc Cống có ngôn ngữ, trang phục riêng và nhiều nét văn hóa đặc trưng là những điệu hát, tục thờ cúng tổ tiên, lễ hội cúng bản trước vụ gieo hạt... Tuy nhiên, với hình thức truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác và qua quá trình thiên di lâu dài, dân cư sống không tập trung nên những nét văn hóa này đã bị mai một dần. Chính vì vậy, bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng dân tộc Cống.

 

Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đồng bào dân tộc Cống ở Nậm Kè đã có nhiều đổi thay. Ảnh: Chu Linh

Để bảo tồn văn hóa dân tộc Cống, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phục dựng lại lễ hội tết hoa, sưu tầm các điệu hát truyền thống, khuyến khích việc may và mặc trang phục... Vừa qua, tại bản Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) đã tổ chức lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể dân tộc Cống với sự tham gia của 5 nghệ nhân và 60 học viên là người dân tộc Cống. Để việc truyền dạy văn hóa phi vật thể đạt hiệu quả, trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khảo sát thực tế điều kiện mở lớp, chủ động thống nhất nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm, nhân lực tham gia, đạo cụ, nhạc cụ, trang phục truyền thống. Ngành cũng phối hợp với Vụ Văn hóa Dân tộc xây dựng báo cáo, tư liệu, hình ảnh trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó có sự tham gia truyền dạy trực tiếp của các nghệ nhân người dân tộc Cống, tạo sự gần gũi và phát huy được vai trò của cộng đồng trong công tác gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào.

Trong thời gian tổ chức lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể dân tộc Cống, người dân trong bản ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Ngoài các học viên, lớp truyền dạy còn nhận được sự quan tâm, chú ý của hầu hết người dân trong bản. Từ việc nghệ nhân hướng dẫn thực hành các bài hát dân ca, điệu múa, đến cách sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cống trong nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng đều thu hút người dân.

Là dân tộc thiểu số ít người, nguy cơ lớn nhất đối với đồng bào Cống chính là mai một bản sắc văn hóa. Bởi vậy, đồng bào Cống ở xã Nậm Kè vẫn cần sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của các cấp, các ngành để tiếp tục vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định bảo tồn văn hóa cộng đồng dân tộc. Hơn nữa để thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển dân tộc, xây dựng, phát triển cộng đồng bền vững vươn lên ngang bằng với cộng đồng các dân tộc anh em khác, thì ý thức vươn lên của chính đồng bào dân tộc Cống ở Nậm Kè trong việc gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc chính là yếu tố then chốt.

Đỗ Quyên
Bình luận
Back To Top