Điện ảnh Việt vẫn khó chạm đến cảm xúc khán giả

09:25 - Thứ Ba, 18/10/2016 Lượt xem: 3163 In bài viết
Điện ảnh trong nước vẫn chưa thể thỏa mãn mong mỏi của khán giả Việt Nam khi số lượng phim có doanh thu tốt và được đánh giá cao từ giới chuyên môn chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay.

Từ đầu năm đến nay đã có gần 40 phim Việt Nam ra rạp. Tuy nhiên, chiếm ưu thế trong số đó vẫn là các phim hài, quay ngắn ngày, định vị phân khúc khán giả bình dân, tranh thủ tăng doanh thu vào những dịp lễ lớn như Tía tui là cao thủ, Yêu là phải xài chiêu, Lộc phát, Vòng eo 56, Vợ ơi em ở đâu, Gái già lắm chiêu...

 

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một trong số ít phim Việt được đầu tư kỹ về kịch bản.

Các phim được gọi là thắng thì cũng chỉ ở mức doanh thu khá và cũng không tạo nên các ngôi sao mới. Tạo nên một làn sóng “người Việt dùng hàng Việt” nhờ chiến dịch truyền thông đầy kịch tính khi đối đầu với nhà phát hành sừng sỏ CGV nhưng Tấm Cám chuyện chưa kể - bộ phim có tổng đầu tư 20 tỉ đồng do Ngô Thanh Vân lần đầu làm đạo diễn - cũng chỉ mang về mức doanh thu ước chừng trên dưới 70 tỉ đồng.

Theo sát nút với mức doanh thu đó là phim Nắng, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Đồng Đăng Giao quy tụ nhiều diễn viên hài nổi tiếng như Thu Trang, Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn, Tiến Luật và Hoài Linh. Sau nhiều lần phải dời ngày phát hành và không kịp chiếu lễ Vu Lan vì có phần nhập dẫn câu chuyện rất giống Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7(phim Hàn Quốc) được thực hiện cách đây vài năm, Nắng cũng đã ra rạp.

Dù có một số trở ngại ban đầu nhưng Nắng hay Tấm Cám chuyện chưa kể vẫn là những trường hợp kết thúc tốt đẹp so với những cú sốc đau đớn đến với các nhà sản xuất và nhà đầu tư của những bộ phim như Siêu trộm, Truy Sát, Fan Cuồng dù được đầu tư kinh phí lớn hay chăm chút về hình ảnh như Bao giờ có yêu nhau, hoặc có tay nghề và mạnh tay công nghệ như Ám ảnh, Cô hầu gái... vẫn không hút được khán giả đến rạp bởi thiếu đi sức mạnh của cảm xúc.

Đáng chú ý, phim Việt Nam hiện rất yếu ở khâu kịch đã dẫn đến xu thế đưa các vở kịch ăn khách thì lên màn ảnh rộng.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho rằng những bộ phim thành công về doanh thu như Em là bà nội của anh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhđã được đầu tư rất nhiều thời gian vào kịch bản, được viết đi viết lại nhiều lần để chạm đến yếu tố cảm xúc và hấp dẫn đối với khán giả. Trong khi đó thường các bộ phim ở Việt Nam chỉ dành thời gian 2-3 tháng cho khâu kịch bản, tiếp đến là khâu sản xuất, hậu kỳ trước khi ra rạp trong trạng thái vội vã, chưa chín muồi.

Bên cạnh đó, sự thiếu chuyên nghiệp của các nhà sản xuất phim Việt Nam đã tác động trực tiếp đến chất lượng các bộ phim. Từ việc mỗi năm chỉ có vài ba bộ phim ra rạp đến thực tế tháng nào cũng có 2, 3 đầu phim, có khi 2 phim cùng ra trong một tuần, kéo theo nhu cầu khoogn nhỏ về nhà sản xuất phim. Thế nhưng, hệ quả của chuyện này là số lượng nhà sản xuất đủ trình độ không theo kịp tốc độ tăng trưởng. Để lấp đầy khoảng trống này, điện ảnh Việt xuất hiện một trào lưu ai ai cũng có thể trở thành nhà sản xuất nếu có tiềm lực tài chính chứ chưa hẳn là kinh nghiệm, hiểu biết về nghệ thuật điện ảnh.

Nếu như đa số các nhà sản xuất của Hollywood được làm việc trong các tập đoàn đã có khuôn mẫu, thì nhà sản xuất của Việt Nam hoạt động theo kiểu "vừa làm vừa học". Chính vì vậy, chất lượng của các sản phẩm khó có thể đoán trước.

Ở một góc độ khác lại cho thấy gu thưởng thức của khán giả đã có nhiều thay đổi, không còn đón nhận những bộ phim dễ dãi, được đầu tư lớn hay áp dụng một chiến lược truyền thông rầm rộ và kịch tính mà cái họ cần là những cảm xúc chân thực về cuộc sống.

Đã đến lúc nhà làm phim Việt cần cân nhắc tìm cho mình một hướng đi khác thay vì chạy theo cơn sốt làm phim hạn chế sáng tạo và chứa quá nhiều rủi ro như thời gian qua.

Phim ảnh là sản phẩm văn hóa đặc biệt mà hiệu quả của nó chính là những tương tác tinh thần với người xem. Khán giả Việt Nam với thói quen cùng gia đình đến rạp xem phim cuối tuần hiện trông đợi những bộ phim phản ánh chân thực đời sống đương đại, gần gũi với số phận con người, để cùng chia sẻ với nhau những khoảnh khắc đầm ấm. Chất lượng của mỗi bộ phim sẽ không còn ở việc đổ bao nhiêu tiền cho kỹ xảo, trang phục mà chính là cách nhà làm phim chạm vào ước mơ, tình yêu của khán giả.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top