Xên Mường Thanh... Xên của Mường trời

09:19 - Thứ Năm, 17/11/2016 Lượt xem: 4558 In bài viết
ĐBP - Trong bức tranh tổng thể đa sắc màu lễ hội của đồng bào Thái, “Lễ hội Xên Mường Thanh” được xem là tiêu biểu và lớn nhất, thể hiện sinh động và độc đáo đời sống văn hóa dân tộc Thái nói chung và các dân tộc khác trong vùng Mường Thanh xưa. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, Lễ hội Xên Mường Thanh đã và đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền... 

 Bởi thế, những ý kiến đánh giá tâm huyết, cụ thể của các nhà khoa học, văn hóa dân gian, nghệ nhân ưu tú trong Hội thảo “Lễ hội Xên Mường Thanh” do Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tổ chức là “cú hích” mạnh mẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại.
 
Lễ hội “Xên Mường Thanh” có nhiều trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa Thái. Trong ảnh: Trò chơi đi cà kheo trong lễ hội “Xên Mường Thanh” tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.

“Lễ hội Xên Mường Thanh” bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và từ thực tế lịch sử chinh chiến, khai mở vùng đất mới của người Thái... Lễ hội không chỉ là chỗ dựa tinh thần của tạo mường, dòng tộc con cháu Lạn Chượng mà còn có sự tham gia của cả cộng đồng thể hiện tình yêu đất nước, lòng biết ơn với thiên nhiên, trời đất đã phù hộ cho con người mưa thuận gió hòa, vạn vật tốt tươi, sức khỏe dồi dào; giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thể hiện sự biết ơn của thế hệ hôm nay với các bậc tiền bối, khai sơn phá thạch, lập bản, dựng mường, các tướng lĩnh chống “ngoại xâm, nội phản”... giữ yên bản mường của những cư dân vùng biên cương Tổ quốc vào khoảng thế kỷ XII - XIII sau công nguyên, được tổ chức liên tiếp đến năm 1953; sau giải phóng Điện Biên 1954 thì năm 1959 được tổ chức lần nữa, đây là lần cuối cùng tổ chức xên Mường Thanh xưa. Lễ hội được tổ chức vào tháng 8, 9 (lịch người Thái) hàng năm tương ứng vào tháng 2 hoặc 3 âm lịch; diễn ra trong 5 ngày: “Hặp, hái, mấng, pấc, cắt” với nhiều nghi thức được xướng trong lễ hội, như: Lẩu khắt lẩu khánh, lễ tế Đông Xên, đánh trống khai hội, tế nhà... Các địa danh trong lễ xên mường xưa gồm có 7 Đông xên: Chiềng On (Đông xên Noong Hẹt). Chiềng Xôm (Đông xên Sam Mứn)... Riêng Chiềng Chăn (khu vực Thanh Nưa, Thanh Luông) là khu vực trung tâm của Mường Then, gồm 4 Đông xên (Đông xên Vắng Ven, Pú Vắng, Lạn Chượng, Hua Pe). Năm 2012, sau nhiều cuộc hội thảo với những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà văn hóa dân gian và nghiên cứu văn hóa Thái của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Yên Bái... Lễ hội Xên Mường Thanh được phục dựng thử nghiệm và tổ chức thành công tại Thanh Nưa (Mường Thanh trên, nơi đầu rồng theo quan niệm phong thủy của người Thái). Tuy nhiên, do là lần đầu tiên phục dựng, lễ hội đã vấp phải nhiều vấn đề “tranh cãi” chưa có sự đồng nhất về quan điểm, như: Lựa chọn địa điểm, thời gian tổ chức lễ hội, việc phục dựng chưa gắn liền với công tác bảo tồn... Chưa khơi gợi được sự đồng thuận từ một số người dân, cộng đồng dân cư do người dân sợ bị ảnh hưởng, việc “đánh thức” ma mường sẽ không nuôi nổi, ảnh hưởng đến cuộc sống vốn đã yên bình của bản mường. Đặc biệt, do các ông mo chính lần lượt về cõi vĩnh hằng mang theo những di sản văn hóa quý báu nên nhiều nghi thức, bài cúng, trò chơi dân gian trong lễ hội Xên Mường Thanh cũng theo đó mà biến mất... Bởi vậy, việc nghiên cứu, phục dựng từng chi tiết, diễn xướng đặc sắc trong lễ hội gặp rất nhiều khó khăn.

Để tiếp tục lưu giữ những nét đẹp tinh túy cũng như phát huy giá trị văn hóa trong “Lễ hội Xên Mường Thanh”, vừa qua (9/11) trong khuôn khổ Hội thảo “Lễ hội Xên Mường Thanh” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã quy tụ nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu dân gian, nghệ nhân ưu tú trong và ngoài tỉnh với những ý kiến tâm huyết để Xên Mường Thanh trở thành lễ hội của cộng đồng. Theo Tiến sỹ Vi Văn An (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam): Việc sử dụng tên gọi “Lễ xên mường dân tộc Thái/Thái đen Mường Thanh là chưa hợp lý vì trong thực tế xưa cũng như nay, không phải chỉ có cộng đồng người Thái tham gia lễ hội. Hơn nữa, để phát huy tinh thần khối đại đoàn kết dân tộc nên lễ Xên Mường Thanh đã trở thành lễ hội chung của nhiều dân tộc. Bởi thế có thể gọi theo tên là “Lễ hội Mường Thanh” hoặc “Lễ Xên mường Mường Thanh”. Trước kia, lễ hội cúng tại 7 địa điểm, nay nên tập trung vào 4 điểm (Đông Xên Luông/Vắng Ven, Pú Vắng, Lạn Chượng và Hoàng Công Chất); thời gian tổ chức rút ngắn còn 3 ngày. Về nội dung tổ chức và thực hành theo trình tự 5 bước như truyền thống, tuy nhiên để đảm bảo tiết kiệm, không nên dàn trải mà có thể giảm một số nghi thức không cần thiết; có thể xen kẽ giữa phần lễ và phần hội; duy trì các trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc trong tỉnh...

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), cho rằng: Với lòng biết ơn tổ tiên đã xây dựng và bảo vệ Mường Thanh suốt chiều dài lịch sử, tôn vinh các anh hùng liệt sỹ, giáo dục các thế hệ nhân dân học tập và nối tiếp truyền thống văn hóa độc đáo nên việc bảo tồn và gìn giữ Lễ hội “Xên Mường Thanh” là việc làm cấp thiết, nên được tổ chức hàng năm với cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đặc biệt, theo truyền thuyết của người Thái Lan và người Lào thì Mường Thanh chính là đất tổ Mường Then (Mường Trời theo tiếng Thái) của các ngành Thái. Do đó, việc tổ chức Lễ hội “Xên Mường Thanh” sẽ góp phần quảng bá du lịch Điện Biên, nếu tổ chức bài bản thì Xên Mường Thanh hoàn toàn có thể trở thành ngày hội của khu vực... Trong khuôn khổ Hội thảo, rất nhiều ý kiến của các nghệ nhân ưu tú (Lường Thị Đại, Mào Ết...) và đại biểu rất đồng thuận với việc phục dựng và bảo tồn Lễ hội “Xên Mường Thanh”, góp phần đem lại nguồn sống phong phú, văn hóa tâm linh đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung.

Với những vấn đề cốt lõi được đưa ra bàn thảo, nhất là với ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú trong hội thảo vừa qua sẽ là “nền móng” vững chắc để Điện Biên bảo tồn và phục dựng thành công Lễ hội “Xên Mường Thanh”. Từ đó, đưa Lễ hội “Xên Mường Thanh” trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với nguồn lợi kinh tế và cuộc sống ấm no, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy đưa du lịch Điện Biên sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top