Tiệm may Hoa Gạo

08:58 - Thứ Năm, 24/11/2016 Lượt xem: 4675 In bài viết
Gốc cây gạo này to như cái giếng, tọa lạc ngoài cổng đình làng Trì. Tháng ba, hoa gạo bung mình nở đỏ rực một góc trời trông như những đôi môi hồng thiếu nữ.

Dưới gốc gạo có một tiệm may có cái tên là lạ: Nhà may Hoa Gạo. Chủ nhân của tiệm may là một người đàn bà trạc ba mươi tuổi. Chị có khuôn mặt tròn và khá đẹp. Khi chị nở nụ cười thì khuôn mặt chị đầy đặn và tươi rói như những bông hoa gạo trên kia đang nở hết mình chào khách. Tên của chị là Hoa. Cái tên nhà may Hoa Gạo là do chị ghép tên mình với những bông hoa mà chị gắn bó nhiều kỷ niệm.

 

Nhà Hoa gần cây gạo. Lớn lên, Hoa đã nhìn thấy cây gạo sừng sững đầu ngõ. Những mùa hoa gạo, Hoa cùng đám bạn gái vẫn chơi đùa dưới gốc gạo. Khi hết trò thì những đứa bạn gái cùng Hoa nhặt hoa gạo xâu thành chiếc vòng quàng vào cổ. Có lần, Hoa nói: “- Cái vòng này giống như vòng nguyệt quế của chương trình đường lên đỉnh Ôlimpia, mấy năm nữa lên học cấp ba mình cũng sẽ đi thi như các chị trên ti vi.” Hoa học giỏi, đang là học sinh lớp sáu trường cấp hai gần nhà. Mấy năm liền, Hoa đều đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường và giải nhì học sinh giỏi huyện năm học lớp năm. Cha mẹ Hoa vẫn tự hào về cô con gái của họ lắm.

Nhưng rồi, đến năm lớp chín, mẹ Hoa mất sau hai năm tiêu tốn cả đống tiền vì căn bệnh ung thư quái ác. Ba đứa em của Hoa còn nhỏ, đứa nhỏ nhất mới tròn ba tuổi. Hoa đã xin cha cho ở nhà để phụ cha nuôi các em ăn học. Cha của Hoa, anh Hiển mặc dù không đồng ý nhưng vì cô con gái thuyết phục mãi rồi cũng cắn răng cho con nghỉ học.

Nghỉ học, Hoa  buôn bán hàng rau ở chợ Sình cách nhà một cây số. Rồi tranh thủ học nghề thợ may, khi đã lành nghề, Hoa mở tiệm may ngay bên gốc cây gạo. Cái tên nhà may Hoa Gạo bắt đầu từ đó. Nhờ tiệm may này cùng với sự tảo tần của ông Hiển mà ba đứa em của Hoa đều được ăn học đàng hoàng, trong đó có hai người đã tốt nghiệp trường trung cấp và có nghề nghiệp ổn định.

Năm 26 tuổi. Hoa quen một khách hàng thường xuyên đến may quần áo. Anh này tên là Quảng, lái xe tuyến xe khách ở chợ Sình lên thành phố. Sau nhiều ngày quen biết rồi hai người cũng đi đến chỗ thân thiết. Quảng ngỏ lời muốn lên xe hoa cùng Hoa vào một ngày tháng ba mùa hoa gạo. Và khi những bông hoa gạo đã nở hết mình thì họ làm lễ cưới.

Cưới nhau được bốn năm thì chồng Hoa bắt đầu đổ bệnh. Như bao trường hợp khác, ban đầu, Hoa cũng tưởng chồng chỉ mắc bệnh thông thường nhưng rồi những căn bệnh kéo dài triền miên và khi biết chồng đã mắc HIV/AIDS thì đất trời như một màu đen thẫm.

Tỉnh trí trở lại, Hoa liền đưa cậu con trai ba tuổi của mình đi xét nghiệm thì may sao, cậu con trai của họ không như cha mẹ. Niềm tin vào cuộc sống lại nhen lên thắp lửa trong tâm trí của cô thợ may tội nghiệp. Chồng mất, Hoa lặng lẽ nuôi con với hy vọng bản thân mình sẽ có ngày đẩy lùi được tai họa nhờ vào sự tiến bộ của y học. Những bông hoa gạo trên kia vẫn bung mình thắp lửa. Và tiệm may Hoa Gạo của Hoa sau những lần gián đoạn thì nay khách hàng vẫn đều đều đặt may những bộ quần áo mà cô chủ quán khéo tay làm họ rất ưng ý.

Đều đặn, Hàng tuần, Hoa đến trung tâm y tế cách nhà năm cây số để lấy thuốc ARV về uống. Đã mấy năm bị nhiễm bệnh từ chồng nhưng Hoa vẫn khỏe. Hoa còn nhận vào tiệm may của mình hai chị em cùng hoàn cảnh. Hàng ngày, ngoài công việc may vá thường nhật, tổ ba người của Hoa còn tích cực tham gia tuyên truyền phòng chống HIV.

Rồi có một người đàn ông đem lòng yêu Hoa và sẵn sàng vượt lên mọi trở ngại cùng Hoa sinh sống. Anh tên là Quang, là thợ xây gần nhà Hoa. Quang biết Hoa bị bệnh, trong khi bản thân hoàn toàn khỏe mạnh nhưng anh vẫn không ngần ngại đến cùng Hoa và bỏ qua những lời dị nghị. Quang hơn Hoa 10 tuổi, đã có một đời vợ. Vợ Quang bỏ cha con anh để chạy theo một gã nhân tình giàu có. Từ ngày vợ bỏ đi, Quang sống bê tha vì chán đời và mất niềm tin vào cuộc sống. Nhưng rồi, chính Hoa đã làm Quang yêu đời trở lại. Hoa nói với Quang sau khi họ đã chính thức là vợ chồng: “Nếu em không thể sống cùng anh đến lúc con em trưởng thành thì em gửi con lại mong anh là điểm tựa cho con vững bước”. Từ đó đến nay, Quang coi cháu Hiền con của Hoa và Quảng chẳng khác nào con đẻ. Nhờ cuộc sống hạnh phúc bên người chồng mới và nhờ thuốc ARV đều đều mà Hoa vẫn trông mặn mà xuân sắc. Tiệm may Hoa Gạo vẫn mở cửa mỗi ngày và nụ cười của cô chủ nhỏ vẫn tươi hồng như những bông hoa gạo trên cao.

Truyện ngắn của Phan Xuân Hậu

Bình luận
Back To Top