Phim truyền hình: Tồn tại trong khó khăn

15:03 - Thứ Tư, 14/12/2016 Lượt xem: 4385 In bài viết
Sau thời huy hoàng khi đem lại doanh thu chính cho các đài truyền hình, giờ đây, phim truyện truyền hình như mảnh đất khô cằn, ít ai muốn canh tác.

Bí đề tài, thiếu kịch bản tốt, diễn viên nhạt nhòa cùng những áp lực về doanh thu... là nguyên nhân khiến số lượng và chất lượng phim truyền hình ngày càng đi xuống. Bên cạnh đó, sự lấn át của gameshow truyền hình đã góp phần làm cho thị phần phim ngày càng thu hẹp lại.

 

Cảnh trong phim Tuổi thanh xuân.

Khó thu hồi vốn

Khó khăn lớn nhất với các nhà sản xuất (NSX) phim truyện truyền hình là việc kêu gọi quảng cáo. “Rất ít quảng cáo trong khung giờ phim Việt, vì thế NSX sẽ khó lấy lại vốn. Giờ đây, ai cũng chỉ mong phim huề vốn là mừng rồi”, bà Trường Sơn, Trưởng phòng Khai thác phim truyện HTV, cho biết. Cũng theo bà Trường Sơn, hiện nay đối tác của HTV trong lĩnh vực sản xuất phim chỉ còn đếm trên lòng bàn tay (ở thời hoàng kim, đã có năm HTV có đến gần 60 đơn vị tham gia đấu thầu sản xuất phim).

Bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, chia sẻ: “Giờ chúng tôi chỉ sản xuất hơn 100 tập phim/năm. Làm phim truyền hình bây giờ khó lấy quảng cáo, vì các nhãn hàng chỉ thích đẩy quảng cáo vào các gameshow. Muốn không lỗ vốn, các NSX buộc phải hạ giá thành làm phim, mà như thế sẽ đồng nghĩa với việc chất lượng phim cũng hạ theo. Chúng tôi không muốn thương hiệu của mình bị ảnh hưởng, nên không thể hạ giá thành sản xuất được. Cách tốt nhất là thu hẹp việc làm phim truyền hình, dồn sức cho việc đầu tư làm phim điện ảnh và gameshow”. Hiện Sóng Vàng là một trong số NSX thường xuyên tham gia làm phim điện ảnh chiếu tết và là chủ nhân của 4 gameshow truyền hình: Gương mặt thân quen phiên bản người lớn và thiếu nhi, Con biết tuốt và Ban nhạc quyền năng. M&T Pictures cũng là một đơn vị đứng đầu về sản xuất phim truyền hình, với 700 tập đến 800 tập phim/năm, nay cũng rút xuống chỉ còn gần 400 tập/năm. “Thị trường quảng cáo đổ dồn cho gameshow, nên phim truyền hình giờ đây rất khó lấy quảng cáo. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, nên chúng tôi buộc phải làm ít phim đi và bắt đầu làm các gameshow truyền hình ” - đại diện M&T Pictures cho biết. Người hát tình ca và Hoán đổi cặp đôi là hai chương trình mới phát sóng của M&T Pictures và chắc chắn đơn vị này sẽ không dừng ở hai chương trình này mà thôi!

May mắn là cả Sóng Vàng và M&T Pictures là hai đơn vị có tiềm lực về kinh tế, nên họ có thể xoay xở chuyển sang đầu tư sản xuất ở lĩnh vực khác. Số đông các NSX phim còn lại, người bỏ cuộc chơi, kẻ vỡ nợ!

Sống còn chỉ một con đường...

Khi phim truyền hình đang rơi vào cảnh “chợ chiều”, các đài truyền hình “thu hồi” bớt sóng để nhường chỗ cho gameshow, truyền hình thực tế; thì phim và khung giờ chiếu phim của VFC (Đài truyền hình Việt Nam) vẫn giữ vững phong độ. Trung bình một tuần, VFC phát 6 tập phim mới, chưa kể các phim xã hội hóa được phát trên hai kênh VTV1, VTV3 và VTV6, VTV9. Nhìn chung, cho đến thời điểm này, khán giả vẫn có thể tin cậy vào chất lượng các phim phát trên VTV1 và VTV3, đặc biệt là những bộ phim đóng mác VFC. “Ngay thời phim truyền hình phát triển rầm rộ và là nguồn thu chính của các đài truyền hình, chúng tôi vẫn xác định không chạy theo thị trường. Phim của VFC luôn chú trọng vào chất lượng nội dung và nghiêm túc, chỉn chu trong cách thể hiện - đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC chia sẻ. Khi các đoàn phim tranh nhau đưa các cô chân dài, người đẹp vào phim, chạy theo yêu cầu của nhà tài trợ, đơn vị quảng cáo... thì chúng tôi vẫn tuân thủ nguyên tắc chọn diễn viên có nghề và hợp vai. Đến thời điểm này, một số phim của VFC có rating cao gấp nhiều lần chương trình truyền hình thực tế, gameshow. Điều này một lần nữa khẳng định, khán giả không bao giờ quay lưng với những phim tốt, phim tử tế”.

Có thể nói, hiện nay VFC là hãng phim truyền hình mạnh về đội ngũ những người làm nghề, linh động trong việc đầu tư sản xuất phim và chịu khó tìm tòi mở rộng đề tài. Không chỉ bó hẹp câu chuyện trong nội địa, mà VFC còn bắt tay hợp tác làm phim với nước ngoài hoặc sang nước ngoài ghi hình. Hàng loạt các bộ phim được ra đời dưới những hình thức này trong thời gian qua, như: Hai phía chân trời (quay ở châu Âu), Người cộng sự (hợp tác với Nhật), Tuổi thanh xuân (hợp tác với Hàn Quốc) và tới đây sẽ có Dưới bầu trời xa cách (hợp tác với Nhật), Khung cửa sổ mùa thu (quay ở Nga)... Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải: “Đây là hướng phát triển và sẽ được VFC duy trì với mong muốn phim truyền hình không đi vào lối mòn, chịu khó tìm kiếm và khai thác đề tài khó, lạ”.

Chính sự nghiêm túc của người làm nghề mới có thể “giữ chân” khán giả được lâu và không lo người xem quay lưng hay bị “bội thực” với phim Việt... kém chất lượng. Có lẽ ai cũng hiểu điều này, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, người làm nghề muốn giữ nghề hay đơn giản chỉ làm phim để kiếm tiền?!

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top