Giải trí trực tuyến tại Việt Nam - Cơm ngon nhiều sạn!

14:59 - Chủ Nhật, 18/12/2016 Lượt xem: 4751 In bài viết

Trong bối cảnh truyền hình thực tế, phim truyền hình ngày càng bão hòa, xu hướng giải trí trực tuyến đang phát triển nở rộ, có sự phân loại rõ nét về đối tượng khán giả, nội dung. Tuy nhiên, số lượng các đơn vị chính thống không nhiều, việc phát triển tự phát cũng dẫn đến thực tế bên cạnh những nội dung lành mạnh, hợp pháp vẫn còn đó không ít những nội dung vi phạm bản quyền, có tác động xấu đến người dùng.

Xu hướng tất yếu

Gõ cụm từ “giải trí trực tuyến” trên Google, chỉ trong vòng 0,44 giây đã cho ra hơn 19 triệu kết quả khác nhau với vô vàn lựa chọn cho người dùng. Điều này thể hiện xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Theo một thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 130 triệu thuê bao di động, hơn 30 triệu thuê bao internet và tốc độ phát triển vẫn đang rất nhanh. Máy tính bảng, tivi có kết nối internet, điện thoại thông minh... trở thành những công cụ đắc lực thúc đẩy sự phát triển của ngành giải trí trực tuyến.

 

Hi Pencil Studio - kênh giải trí trực tuyến dành cho thiếu nhi được yêu thích.

Nếu hiểu một cách nôm na và đơn giản nhất, đọc tin tức, nghe xem nhạc, xem phim, xem video, chơi game... là những hình thức phổ biến nhất của giải trí trực tuyến thì bản thân mỗi lĩnh vực đó, lựa chọn dành cho người tiêu dùng hiện đã là vô biên. Ngành “công nghiệp không khói” này cũng liên tục biến thiên khi cho ra đời những hình thức mới. Một ví dụ điển hình, chỉ tính trên trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất YouTube, bản thân mỗi người dùng đã là một kênh “giải trí trực tuyến”. Thống kê cuối 2015 cho thấy thời lượng xem video trên YouTube tại Việt Nam tăng 120%; số giờ nội dung đăng tải tăng đến 235% và là một trong 10 thị trường dẫn đầu thế giới về thời lượng xem video trên kênh này.

Sự phát triển của giải trí trực tuyến ngày nay cũng đang dần đi vào chuyên môn hóa từ chỗ phát triển tự phát bắt đầu có sự phân loại ngày càng rõ nét hơn về mặt nội dung, đối tượng người dùng. Đối tượng trẻ em có: Pop kids, POMPOM4Kids, Hi Pencil Studio... Dành cho đối tượng phụ nữ mới đây nhất có kênh Her Voice của POPS, các kênh YouTube của YouTV, HTVC phụ nữ... Sôi động bậc nhất có lẽ là mảng âm nhạc, hài và phim ảnh. Hàng trăm trang web xem phim, nghe nhạc trực tuyến, các kênh YouTube riêng của các ca sĩ, nghệ sĩ... với hàng triệu lựa chọn và liên tục được cập nhật mỗi ngày. Hiện nay, nhiều sản phẩm như: MV ca nhạc, phim ngắn, phim hài, phim sitcom... được sản xuất và chỉ phát hành trên online cho thấy, mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng sôi động hơn bao giờ hết.

Hướng đến giải trí sạch

Một môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn - giải trí sạch có lẽ là mong ước của tất cả người dùng, các đơn vị cung cấp, khai thác và kinh doanh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển và cạnh tranh như hiện nay, một hệ quả tất yếu, song song với những nội dung lành mạnh, hợp pháp vẫn còn đó tình trạng vi phạm bản quyền, xuất hiện nhiều nội dung nhiễm độc.

Liên quan đến vấn đề nội dung sạch, một câu hỏi đặt ra, ở giai đoạn đầu của sự phát triển, vậy môi trường giải trí trực tuyến ở Việt Nam sẽ phải đối đầu với những nguy cơ và thách thức như thế nào để đảm bảo nội dung cung cấp đến người dùng. Trên thực tế, không phải trên nền tảng nào người dùng cũng có thể lường trước được những sản phẩm mình đang tiếp nhận có hoàn toàn hợp pháp, chất lượng và được kiểm duyệt. Với kho giải trí khổng lồ trên internet như hiện nay, nguy cơ bị nhiễm độc về mặt mội dung càng trở nên cao hơn bao giờ hết. Bà Ngô Thị Bích Hạnh - đại diện Công ty BHD cho biết các đơn vị cung cấp bản quyền trong lĩnh vực giải trí trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh của những đơn vị ăn cắp khi họ hoàn toàn miễn phí.    

Trong khi đó, bà Trương Tú Ngân lại có những cái nhìn đa chiều: “Mỗi cộng đồng đều có quy định của riêng họ và YouTube cũng không ngoại lệ. Dù là nền tảng mở nhưng người xem vẫn có tính chủ động cao, được quyền lựa chọn những nội dung mình yêu thích, được quyền phản hồi và bảo vệ sở hữu cá nhân. Tôi cho rằng, quyền quyết định chính vẫn nằm ở người dùng”.

 
Thế giới ảo - tác hại thật

Ông John Medeiros, Chủ tịch phụ trách mảng chính sách của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á Thái Bình Dương (CASBAA) cho biết, năm 2014 doanh thu từ quảng cáo trên internet toàn cầu đạt 133 tỷ USD và đến 2017, thị phần này chiếm trên 80%. Một con số đáng báo động, tính riêng tại thị trường Mỹ các website vi phạm bản quyền thu về lợi nhuận 227 triệu USD (2013) trong đó 30 website lớn nhất thu về trung bình khoảng 4,4 triệu USD, những trang web rất nhỏ cũng dễ dàng thu khoảng 100.000 USD/năm. 

Tại Việt Nam, số liệu của CASBAA cho thấy có 39% quảng cáo trên các trang web lậu là bất hợp pháp gồm các quảng cáo tình dục, dịch vụ đánh bạc, phần mềm độc hại và lừa đảo. Chỉ tính riêng lĩnh vực phim ảnh, theo bà Phan Cẩm Tú - đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam, có khoảng hơn 200 trang web xem phim hiện nay là vi phạm bản quyền trong đó có 42 trang web là nguy hại nhất. “Quảng cáo thực sự là “nguồn oxy” cho những website vi phạm bản quyền, mà gián tiếp là các kẻ trộm thông tin mạng. Thực chất của việc xem phim không mất tiền nhằm thu hút khán giả, qua đó giúp hút quảng cáo cho những đơn vị này” - bà Tú nhấn mạnh.

Nhưng, mặt trái của môi trường giải trí trực tuyến không dừng lại ở đó. Ông Neil Gane, chuyên gia tư vấn CASBAA đã chỉ ra những hiểm họa khôn lường đối với người sử dụng internet khi thường xuyên xem và tải nội dung (phim, âm nhạc) tại các website vi phạm bản quyền bằng các thiết bị điện tử cá nhân. Ông này đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa các website vi phạm và những phần mềm độc hại như phần mềm gián điệp, phần mềm tống tiền bởi khi bị nhiễm độc thông tin cá nhân sẽ bị đánh cắp, hoặc bị kiểm soát và nhiều người trở thành nạn nhân của vấn nạn tống tiền.

 

Biểu đồ nghiên cứu của CASBAA về tỉ lệ quảng cáo trên các trang web lậu là bất hợp pháp. Việt Nam có 39% loại quảng cáo này, cao hơn so với nhiều nước ở châu Á.

Báo cáo Rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (The World Economic Forum’s Global Risks Report) đã liệt kê các cuộc tấn công không gian mạng và những phần mềm độc hại (malware) là mối nguy chính của năm 2016, ảnh hưởng đến nền kinh tế trên diện rộng. Các chương trình gián điệp xâm nhập từ xa (Remote Access Trojan/RAT) có thể thao túng người dùng thông qua việc ăn trộm hình ảnh, video cá nhân, mật khẩu, thẻ tín dụng, đọc email... Dữ liệu của nền công nghiệp IT báo cáo rằng 33% máy tính trên toàn thế giới đã bị nhiễm các phần mềm độc hại và châu Á là khu vực bị nhiễm hại nhiều nhất.

Trong tương lai sắp tới, các loại hình giải trí trực tuyến sẽ tiếp tục nở rộ là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, trong thời đại mà việc tiêu dùng “sạch” luôn được cộng đồng đặt lên hàng đầu hẳn nhiên người dùng cần phải có và sớm được cung ứng những dịch vụ giải trí chất lượng cao, ổn định, an toàn, không còn nỗi lo bị xâm nhập từ các trang web lậu và quảng cáo bẩn.

Bà Trương Tú Ngân - quản lý truyền thông của POPS - đối tác của YouTube tại Việt Nam cho hay: “Nếu như cách đây 1-2 năm, mọi thứ phát triển tương đối tự phát khi các nhóm sáng tạo trẻ đơn thuần là đam mê, sản xuất các phim ngắn, clip sau đó tải lên YouTube thì hiện nay mọi thứ đã rất khác biệt. Nhiều nội dung đã được đầu tư bài bản, có định hướng, xác định được đối tượng khán giả và họ đã thành công. Nhiều đơn vị nước ngoài cũng đã hợp tác trong việc cung cấp, sản xuất nội dung. Trong tương lai, tính chuyên nghiệp hóa sẽ còn được thể hiện rõ nét”.  

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top