Then Thái trước cơ hội phục hưng

14:33 - Thứ Ba, 17/01/2017 Lượt xem: 4864 In bài viết
ĐBP - Sau gần 5 năm với hàng loạt thao tác nghiệp vụ, đầu tháng 11/2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VH-TT&DL) đã hoàn thành việc kiểm kê hiện trạng di sản hát Then tại 4 địa bàn: Thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Mường Chà và đặc biệt là thị xã Mường Lay. Việc ngành chức năng hoàn thành kiểm kê di sản hát Then, đã góp một phần quan trọng vào hồ sơ Then các dân tộc: Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, để đề nghị UNESCO công nhận hát Then là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Ông Đào Ngọc Lượng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Điện Biên - cho biết: Để công việc xúc tiến nhanh nhất và hiệu quả nhất, ngày 27/10/2015 Sở VH-TT&DL Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 1235/KH-SVHTTDL, về xây dựng hồ sơ Then Thái của tỉnh Điện Biên tham gia vào bộ hồ sơ đề cử quốc gia: “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam”. Qua đây, nhằm kiểm kê, nhận diện, đánh giá hiện trạng của di sản và xác định giá trị, vai trò của di sản Then trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Từ đó khẳng định, tôn vinh giá trị của Then Thái, giúp địa phương có những định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then Thái; để giới thiệu, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về di sản Then Thái nói riêng và Then của nhóm ngôn ngữ Tày - Thái nói chung.

 

Nghệ nhân Vàng Văn Thức (người cầm đàn tính), đang trình bày một điệu hát Then trong Lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ hai, tại thị xã Mường Lay, tháng 1/2016.

Mặt khác, lợi ích của việc kiểm kê nhằm giúp đồng bào Thái nói riêng và nhân dân tỉnh Điện Biên nói chung nhận thức đầy đủ hơn về giá trị và vai trò của di sản Then trong đời sống hôm nay: Đáp ứng nhu cầu tâm linh; phản ánh nhân sinh quan; đạo đức; lối sống; các nghi lễ liên quan đến vòng đời và môi trường sống của cư dân miền núi; những nét đẹp của văn hóa truyền thống; bảo lưu các hình thức nghệ thuật âm nhạc dân gian, dân ca, dân vũ đặc trưng của người Thái. Đặc biệt là khả năng chữa bệnh bằng liệu pháp tinh thần trong nhân dân; nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản; đề cao truyền thống giáo dục gia đình, cố kết cộng đồng thôn bản; thu hút, khuyến khích giới trẻ quan tâm, tự nguyện tìm hiểu, trải nghiệm cùng di sản. Song song với kiểm kê là công tác nghiên cứu, làm rõ vai trò của Then trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái; tôn vinh giá trị sáng tạo nghệ thuật dân gian của những chủ thể văn hóa đối với di sản Then trong tổng thể những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung và góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng văn hóa quốc tế; thúc đẩy sự quan tâm, bảo vệ di sản và sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa các tộc người Tày, Nùng, Thái với các nhóm cộng đồng khác ở Việt Nam...

Tin từ Phòng Di sản Văn hóa (Sở VH-TT&DL Điện Biên) cho biết: Sau lớp tập huấn về chuyên môn diễn ra vào tháng 10/2015, một nhóm chuyên gia gồm những cán bộ nhiều kinh nghiệm được tập hợp từ các đơn vị chuyên môn trong ngành, tiến hành công tác khảo sát, điền dã tại thị xã Mường Lay và huyện Điện Biên. Nội dung khảo sát để tìm và lựa chọn các nghệ nhân (người làm Then), các nhóm trình diễn (hát, múa, trình diễn nhạc cụ), các chương trình, tiết mục Then Thái (ngành Thái trắng) cổ truyền có chất lượng tốt, đạt yêu cầu để chuẩn bị cho việc phỏng vấn, thu thanh, quay phim, lấy tư liệu đưa vào hồ sơ. Tìm kiếm, lựa chọn các điểm phù hợp để thu thanh và lập phương án xây dựng hiện trường không gian quay phim tư liệu khoa học về di sản Then Thái. Trao đổi với các nghệ nhân, các gia đình nghệ nhân, các nhóm trình diễn để thống nhất về nội dung chương trình, tiết mục và kế hoạch phục dựng, luyện tập... chuẩn bị cho thu thanh, quay phim tư liệu phục vụ hồ sơ. Trao đổi với các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu ở địa phương, các cán bộ quản lý văn hóa, đại diện chính quyền địa phương, thống nhất về các nội dung cần chuẩn bị để trả lời trong chương trình quay phim phỏng vấn về di sản Then Thái.

Có mặt trong đoàn nghiên cứu ngay từ những ngày đầu, chị Lan Anh - chuyên viên của Phòng Di sản Văn hóa (Sở VH-TT&DL Điện Biên) chia sẻ với những hiểu biết thật thú vị: Nghệ thuật hát Then bắt nguồn từ nhóm người Thái Trắng, nói cách khác, người Thái Đen không có hát Then. Trước kia, khi nhắc đến hát Then đàn tính, thông thường người ta chỉ nghĩ tới dân tộc Tày và dân tộc Nùng. Tuy nhiên những năm gần đây, nghệ thuật hát Then đàn tính của dân tộc Thái được nhiều người biết đến, đặc biệt khi loại hình nghệ thuật này nhiều lần được tham gia trình diễn tại các Hội thi hoặc Hội diễn nghệ thuật văn hóa văn nghệ dân gian do các tỉnh miền núi và nhất là do Trung ương tổ chức. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về các cá nhân cụ thể, chị Lan Anh cho biết: Nghệ nhân trước tiên phải kể đến là ông Vàng Văn Thức, người Thái Trắng, hiện cư trú tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay. Ông Thức là người có “thâm niên” làm lễ Then giải hạn, Then cấp sắc, lễ gọi hồn cho người ốm, lễ tạ ơn tổ tiên ông bà đã khuất, cúng đuổi ma tà... Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm Then, vì vậy, ông Vàng Văn Thức học làm Then từ mẹ đẻ là bà Lò Thị Khúy, năm ông mới 18 tuổi.

Đặc biệt, ông Thức sử dụng thành thạo tính tẩu, có thể dễ dàng tự mình đệm đàn và hát Then một cách thuần thục. Năm 2015, ông Vàng Văn Thức vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú nắm giữ về di sản Then”. Quá trình hoạt động, ông Thức đã tham gia nhiều chương trình Hội thi, Hội diễn và đoạt giải A trong các tiết mục: “Lên trời cầu khấn” và tiết mục hòa tấu đàn tính tại Liên hoan hát Then, đàn tính toàn quốc năm 2007; tiết mục “Lễ hội hồn người trần gian lên chơi chợ Mường Trời” tại chương trình Diễn xướng dân gian các dân tộc toàn quốc lần thứ nhất, năm 2014; tiết mục “Hát then” tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên năm 2014; giải B tiết mục “Khúc gọi hồn người chiến sỹ năm xưa” tại Liên hoan hát Then, đàn tính toàn quốc năm 2015...

Để kết thúc bài viết nhỏ này, chúng tôi xin dẫn lời chị Bùi Hồng Lanh, cán bộ Trung tâm Văn hoá tỉnh Điện Biên (Sở VH-TT&DL Điện Biên): Cùng với sự giao thoa của thời gian, hát Then đàn tính được lưu truyền qua nhiều thế hệ, chúng không bị “biến dạng”, “hòa tan” trước nhịp sống hiện đại. Tuy nhiên, đến nay hát Then, đàn tính đang có nguy cơ bị phai mờ, khỏa lấp và biến mất nếu như ta không có kế hoạch lưu giữ, bảo tồn và phát huy một cách cụ thể, bài bản, khẩn trương và đúng đắn nhất. Hiện nay, số nghệ nhân hát Then và biết sử dụng đàn tính ở Điện Biên còn lại rất ít, hầu hết đều đã già yếu, hoàn cảnh kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Chúng tôi mạo muội nghĩ rằng các ngành chức năng cần có những dự án đầu tư riêng cho hoạt động này, để tạo nguồn cho những chế độ đãi ngộ phù hợp trong việc bồi dưỡng, động viên kịp thời các nghệ nhân, hạt nhân trong luyện tập, truyền dạy hiểu biết của họ đối với thế hệ trẻ trong mường, trong bản, cũng như với người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu chuyên ngành...

Với việc hồ sơ Then Thái của tỉnh Điện Biên tham gia vào bộ Hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” trình UNESCO, đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; chúng ta hy vọng đây sẽ là một cơ hội không thể tốt hơn, hiệu quả và thiết thực hơn để Then Thái được phục hưng như mong mỏi của mọi người...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top