Kỷ niệm 69 năm Thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (25/7/1948 – 25/7/2017)

Sứ mệnh vẻ vang của người nghệ sĩ - chiến sĩ

08:59 - Thứ Năm, 20/07/2017 Lượt xem: 6713 In bài viết
ĐBP - Trong các ngày 23 - 25/7/1948, tại làng Dộc Phát (xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc đã họp lần thứ nhất. Bằng sự đồng thuận của hơn 80 văn nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước, Hội nghị đã ra tuyên bố thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Ban Chấp hành đầu tiên của Hội do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng Thư ký và nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng Thư ký...

Từ đó, gần bảy thập niên trôi qua, với sứ mệnh tập hợp văn nghệ sỹ thuộc mọi thế hệ, các dân tộc, tầng lớp, vùng miền khác nhau trong cả nước, góp phần bảo vệ, dựng xây chế độ mới, tổ chức Hội Văn nghệ Việt Nam đã 3 lần mang tên gọi mới, để phù hợp với sự trưởng thành qua các thời kỳ: Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1957), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1957-1995) và từ năm 1995 đến nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Cùng với bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” ra đời và có hiệu lực thi hành (năm 1943), việc thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống văn hóa nước nhà. Mặt khác, thể hiện quan điểm và tầm nhìn xa của Đảng coi văn học, nghệ thuật vừa là nhu cầu tinh thần, vừa là sức mạnh dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ chủ quyền giang sơn đất nước.

 

Người dân tham quan gian trưng bày tác phẩm của Hội Văn học Nghệ thuật tại Hội Báo xuân năm 2017. Ảnh: V.T.C

Trong dòng chảy chung, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Điện Biên là một đơn vị thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, hơn 30 năm qua không ngừng lớn mạnh cả về đội ngũ và hiệu quả hoạt động. Nhà thơ Đỗ Trọng Luân - Phó chủ tịch Hội VHNT Điện Biên - cho biết: Tính đến thời điểm này, Hội VHNT tỉnh có 13 chi hội địa phương và chuyên ngành trực thuộc, gần 170 hội viên thuộc nhiều lứa tuổi và nhiều dân tộc anh em. Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các văn nghệ sĩ vững vàng về lập trường chính trị, đúng đắn về phương pháp sáng tác theo xu hướng nghệ thuật tiến bộ, phục vụ lợi ích nhân dân. Nhiều tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật, đã khắc họa sinh động, chân thực và sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc về vùng đất cũng như con người Điện Biên.

 

Đại hội lần thứ Nhất, Chi hội Mỹ thuật ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh - một chuyên ngành thành viên của Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên.

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đã ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch, xác định đúng đắn, phù hợp các chỉ tiêu, nhiệm vụ hoạt động của Hội; trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh về chủ trương phát triển nền VHNT của tỉnh trong giai đoạn mới. Từng bước Hội tổ chức triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch công tác; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chi hội và văn phòng Hội thực hiện các nhiệm vụ được giao; tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác. Ban Chấp hành đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; hoạt động đúng Quy chế, các thành viên đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc thi sáng tác văn, thơ, nhiếp ảnh với tiêu đề: “Điện Biên trong trái tim tôi” chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014). Hội đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện Giải thưởng VHNT tỉnh Điện Biên lần thứ II đúng quy chế, thể lệ và đạt kết quả tốt, được dư luận không chỉ trong giới văn nghệ sĩ mà cả xã hội quan tâm, đồng tình. Mặt khác, nhiệm kỳ qua Hội cũng thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đoàn văn nghệ sĩ Trung ương và các tỉnh đến tham quan, giao lưu và sáng tác về Điện Biên nói chung và về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng. Một trong những hoạt động đó là ngày 27/7/2013, tại khách sạn Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ), Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai hoạt động 6 tháng cuối năm 2013. Tới dự, ngoài lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là đại diện các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và Hội VHNT của 5 khu vực (Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc và Bắc Miền Trung).

 

Một số tác phẩm của văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên.

Là người phụ trách phần nội dung của Tạp chí “Văn nghệ Điện Biên”, nhà thơ Trần Thành - Phó chủ tịch Hội VHNT Điện Biên - nêu quan điểm: Để có những tác phẩm không chỉ có chất lượng về nghệ thuật mà còn có tầm cao về tư tưởng và nhận thức xã hội, một trong những yêu cầu là Ban Chấp hành Hội phải thường xuyên quán triệt cho cán bộ, viên chức và hội viên về các chủ trương, quan điểm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức học tập các nghị quyết của Đảng; tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Cán bộ, viên chức và hội viên có lập trường tư tưởng kiên định, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao quy tắc, đạo đức nghề nghiệp, đoàn kết, tương trợ nhau trong sáng tác cũng như trong cuộc sống.

Trải qua chặng đường hơn 30 năm với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, song dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm hỗ trợ chuyên môn cũng như kinh phí hoạt động của các Hội chuyên ngành Trung ương, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; sự cổ vũ, động viên của đông đảo các tầng lớp nhân dân đã giúp các văn nghệ sĩ Điện Biên không ngừng phấn đấu, tìm tòi, sáng tạo và đã đạt được những thành quả to lớn.

Trước thềm Đại hội lần thứ VI, Hội VHNT Điện Biên, mỗi hội viên cần tiếp tục phát huy tinh thần tự chủ, đổi mới để sáng tạo nên các tác phẩm vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính thẩm mỹ cao được công chúng đón nhận. Chúng ta tin tưởng và hy vọng chặng đường 5 năm tới trên cơ sở những thành tựu đã đạt, với sứ mệnh vẻ vang của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, các hội viên sẽ sáng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT phong phú, đa dạng, tiên tiến, mang đậm phong vị quê hương, cốt cách, đạo lý, tâm hồn Việt Nam, vì một nền VHNT tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top