Để văn hóa là “món ăn” tinh thần của nhân dân

08:40 - Thứ Tư, 11/10/2017 Lượt xem: 5728 In bài viết
ĐBP - Ngày nay, khi đời sống vật chất của nhân dân ngày càng phát triển thì các giá trị văn hóa càng được quan tâm nhiều hơn. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hoá các dân tộc có ý nghĩa lớn trong phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây dựng, phát triển giá trị mới. Với 19 dân tộc anh em, Ðiện Biên có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Ðể văn hóa thực sự là “món ăn” tinh thần của nhân dân, thời gian qua, các cấp, ngành đã và đang triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn hóa.

Thực hiện Quyết định 1270/QÐ-TTg, ngày 27/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 (gọi tắt là Ðề án); công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa vật thể nói riêng ở Ðiện Biên đa dạng về loại hình, bản sắc của đồng bào các dân tộc; Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định, đề án thực hiện. Trong các văn bản, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ gắn với hệ thống giải pháp đồng bộ và phương án tổ chức thực hiện cụ thể. UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng, nhất là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện. Kết quả sơ kết thực hiện Ðề án của UBND tỉnh năm 2016 đã cho thấy nhiều kết quả đáng mừng; các ấp ủy, đảng, chính quyền địa phương đã thực sự tích cực trong triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát... góp phần quan trọng đưa các nghị quyết, đề án, kế hoạch triển khai Quyết định 1270 vào cuộc sống.

 

Lễ hội Ðền Hoàng Công Chất, Thành Bản Phủ (huyện Ðiện Biên) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo báo cáo của Sở VHTTDL, giai đoạn 2011 - 2017, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể đã được triển khai đồng bộ với nhiều nguồn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và các tổ chức phi chính phủ. Ðến nay, việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, khoanh vùng, tu bổ phục hồi di tích đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn này, cơ quan chức năng đã xếp hạng bổ sung 23 điểm di tích thành phần của Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Nâng tổng số di tích thành phần lên 45 điểm. Ðồng thời, xếp hạng thêm 9 di tích, trong đó: 5 di tích cấp quốc gia (hang động Xá Nhè, Khó Chua Ta (huyện Tủa Chùa); hang động Há Chớ, hang Thẩm Khương (Tuần Giáo); di tích hang động Chua Ta (huyện Ðiện Biên); 4 di tích cấp tỉnh là (Thành Vàng Lồng (Tủa Chùa) và hang động Mùn Chung (Tuần Giáo); Công trình Ðại Thủy nông Nậm Rốm (TP. Ðiện Biên Phủ) và di tích Dân quân Thanh An bắn rơi máy bay Mỹ (huyện Ðiện Biên). Hiện nay, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hồ sơ khoa học của 3 điểm di tích, phấn đấu đến cuối năm nay, toàn tỉnh có 21 di tích được xếp hạng.

Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích cấp quốc gia cũng được quan tâm đặc biệt, như: Tháp Chiềng Sơ, khu căn cứ cách mạng Pú Nhung, di tích thành phần Khu trung tâm đề kháng Him Lam thuộc di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ… Việc sưu tầm hiện vật, cổ vật cũng được triển khai có hiệu quả. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 643 hiện vật; trong đó, 495 cổ vật (tiền cổ, sách cổ); phát hiện, tiếp nhận 71 cổ vật tại huyện Mường Ảng. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã sưu tầm được 1.687 hiện vật, tài liệu. Ðến tháng 6/2017, Bảo tàng tỉnh lưu giữ, bảo quản 4.811 hiện vật, 2.970 ảnh tư liệu; Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ lưu giữ, bảo quản 4.009 hiện vật, tài liệu...

Có thể khẳng định, việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thời gian qua đã góp phần xây dựng tư tưởng, tình cảm cho nhân dân, giúp nhân dân thực hiện quyền làm chủ trong nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần. Thông qua việc bảo tồn các di sản văn hóa và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đã tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top