Yên ấm Na Hồng

09:49 - Thứ Năm, 12/10/2017 Lượt xem: 5151 In bài viết
ĐBP - Kể cũng khá lâu rồi tôi mới có dịp đi công tác vùng cao, lên tận xã Na Hồng của một huyện biên giới. Ðược lên sống mấy ngày với mây ngàn, gió núi, sống với đồng bào Mông - những con người trung thực, chất phác, cần cù... là điều tôi luôn mong đợi từ lâu. Na Hồng là vùng đất kiên cường, dũng cảm qua hai cuộc chiến mà tôi đã được nghe bố tôi là chiến sỹ Ðiện Biên năm xưa kể lại. Nhưng Na Hồng cũng đang là vùng đất có nhiều điểm nóng. Làm việc với ủy ban xã xong, mặt trời đã cách đỉnh núi phía tây chừng hai sải tay. Tiếp tục phóng xe về bản Pa Sình, đến đầu bản, tôi gặp một sỹ quan quân đội trong bộ quân phục đang bạc màu, đeo quân hàm thiếu tá. Tôi vội xuống xe bắt tay chào hỏi làm quen:

- Chào đồng chí, làm ơn cho tôi hỏi đây có phải là bản Pa Sình không ạ?

Người sỹ quan có khuôn mặt đầy đặn, vui vẻ trả lời.

- Vâng, đây đúng là bản Pa Sình đấy. Anh có việc gì mà đến muộn thế?

- Thưa đồng chí, tôi là nhà báo, nghe tin xã Na Hồng đang có nhiều cái mới nên phải phóng lên ngay để viết bài cho tờ báo tỉnh nhà.

- Tôi là Vũ Thanh, tổ trưởng tổ công tác chính trị cơ sở của xã. Anh lên đúng lúc quá, vùng này đang có nhiều cái mới đáng phản ánh trên báo lắm đấy. Cái hay nhất ở đây là từ ngày xóa bỏ cây thuốc phiện, cả xã phát huy tiềm năng thế mạnh để mở rộng sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm.

 

Sau cái bắt tay và mấy lời giới thiệu làm quen giữa tôi và Vũ Thanh, trời đã quá chiều. Xa xa những đỉnh núi từ màu xanh đang chuyển dần sang màu tím sẫm. Trong bản ồn ào những tiếng gọi gia súc gia cầm. Các em học sinh đi học về cười đùa tíu tít. Những nóc nhà đang nghi ngút tỏa khói thơm của bữa tối. Vũ Thanh vỗ vai tôi bảo:

- Sắp tối rồi, tôi đưa anh vào nghỉ nhờ nhà ông Khua Lồng là người cao tuổi có uy tín của bản này. Ông Khua Lồng tốt bụng lắm đấy, lại có con trai làm phó chủ tịch xã thì tha hồ cho nhà báo khai thác tư liệu. Còn tôi phải sang bản bên có cuộc họp tối nay!

Vũ Thanh và tôi cùng đi vào bản, vừa đi Vũ Thanh vừa kể cho tôi nghe nhiều chuyện về xã Na Hồng. Ðến ngôi nhà to giữa bản, thấy một ông già người Mông chừng hơn 60 tuổi, khỏe mạnh, có khuôn mặt hiền hậu đang thái cỏ cho vào tàu ngựa. Thấy chúng tôi, ông buông dao đứng lên khẽ cười. Vũ Thanh nói ngay:

- Chào bác Khua Lồng, giới thiệu với bác đây là anh Trịnh Phong nhà báo mới lên đây công tác. Tối nay bác cho anh nghỉ nhờ nhà bác nhé! Còn cháu phải sang bản bên có cuộc họp bác ạ.

Ông Khua Lồng đon đả:

- Chào anh nhà báo, mới lên cái chân có được khỏe không?

Nhà báo Trịnh Phong:

- Cám ơn bác! Cháu đi xe máy mà, có phải cuốc bộ như các bác ngày xưa đâu.

- Thì cái xe máy nó cũng như cái chân ấy, hai cái bánh của nó đi đường không hỏng, không va quệt vào đâu thì coi như cái chân khỏe chứ sao!

Tôi và ông Khua Lồng đang nói chuyện thì gia đình đã làm xong cơm. Rượu mới chạm một bát mà ông Khua Lồng chuyện ran như pháo. Quả đúng như lời anh Vũ Thanh rằng ông Khua Lồng là người vui vẻ và tốt bụng:

- Nhà tôi định cư ở đây đến đời thứ chín rồi. Ðất Na Hồng này biết làm ăn thì cũng giàu có đấy. Trước đây, người Mông ta chưa biết làm, chỉ đốt rừng làm nương, đất nhiều nhưng không biết khai phá để cấy lúa nước mà ăn. Vì thế, trong bản nhiều nhà thiếu đói. Con trâu, con bò, con gà, con vịt... không thấy nhiều như bây giờ đâu.

Ðoạn ông Khua Lồng vê thuốc lào rồi rít một hơi dài, nói tiếp:

- Thời trước thằng Tây, thằng Mỹ đem tàu bay về đây bắn phá. Ðến lúc chúng nó thua chạy hết, bản mường được yên vui làm ăn thì cái miệng kẻ xấu bụng lại như bỏ thuốc độc vào đầu người Mông. Nó bảo đi theo Vàng Chứ thì không làm cũng có ăn, có mặc. Con trai, con gái chỉ việc đi chơi, đi đánh cù quay, ném pa pao như ngày Tết Mông ấy… có người tin bỏ nương, bỏ ruộng, bỏ nhà cửa, anh em đéo cái lú cở đi theo Vàng Chứ. Ði vài ngày đói quá lại phải quay về, nhất là bọn trẻ con thì khổ lắm, bụng đói, nước mắt, nước mũi chảy dài. Bọn xấu bụng, chúng nó ác thế đấy!..

Tôi và bố con ông Khua Lồng vui chuyện quanh bếp lửa. Ngoài trời rừng núi mênh mông, bản làng heo hút cô tịch đang chìm trong sương lạnh. Khua Trá bỏ thêm mấy đoạn củi vào bếp, lửa cháy to khiến căn nhà ấm cúng hẳn lên. Ngoài cửa có ánh đèn pin rồi một người đẩy cửa bước vào, đó chính là thiếu tá Vũ Thanh.

- Chào cả nhà, vẫn chưa đi ngủ cơ à? Khuya rồi đấy, chà chà lạnh quá!

Nhà báo Trịnh Phong:

- Tôi đang nói chuyện với bố Khua Lồng và phó chủ tịch Khua Trá! Anh sang bản bên họp có gì mới, liệu có chia sẻ với báo chí được không?

- Tôi sang họp để vận động và con mở rộng diện tích ngô lai, đậu tương và bàn về tổ chức ngày hội đại đoàn kết các dân tộc đầu tháng 11 tới. Nông thôn, nông nghiệp trên vùng cao này còn nhiều việc phải làm lắm.

Ông Khua Lồng hơ hai bàn tay lên bếp lửa, nói:

- Nhà báo ơi! Cái khổ trước đây của người Mông vùng này thì nhiều như lá rừng ấy, nói mãi chả hết được đâu! Chỉ có Ðảng, Bác Hồ như ông mặt trời soi sáng thì cuộc sống của người Mông mới có bát cơm ăn no bụng, có áo mặc ấm thân, có cái chữ cho trẻ con nó học. Mấy chục năm gần đây, còn có cả tiếng đài, ti vi rồi xe máy vi vu như tiếng gió núi ấy! Bọn xấu bụng thấy thế nó tức lắm, cứ kích động gây mất đoàn kết, chia rẽ các dòng họ... Cái miệng chúng nó như con rắn độc ấy mà!

Khua Trá đỡ lời bố:

- Bố em nói phải lắm. Nếu không có anh Vũ Thanh và tổ công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh biệt phái lên đây thì bản em còn gặp nhiều khó khăn! Tổ công tác chính trị cơ sở do thiếu tá Vũ Thanh phụ trách cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân; giáo dục và vận động bà con phát triển sản xuất, hạn chế việc phá rừng làm nương, ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội, nhất là việc khai hoang ruộng nước rất hiệu quả. Qua 3 mùa nương, 3 mùa hoa đào nở, mảnh đất Na Hồng từng ngày đang thay da đổi thịt. Chính cán bộ và nhân dân trong xã là những người cảm nhận sâu sắc điều đó nhất.

Ông Khua Lồng góp lời:

- Lúc đầu vận động nhân dân khai hoang ruộng cấy lúa nước thì họ cho là chuyện lạ, không ai tin, không ai làm. Bọn xấu bụng lại bảo: “Người Mông ta chỉ biết ăn cái sương mù trên đỉnh núi thôi. Khai phá đồng cỏ làm ruộng là cái con ma nước nó không để yên đâu”. Trước khó khăn ấy, tổ công tác của Vũ Thanh xin xã cấp cho 2.000 mét vuông để cấy thử, trưởng bản cho mượn trâu cày. Kết quả thu hoạch giống thóc IR64 hợp chất đất nên năng suất rất cao. Lúc ấy người dân ai cũng bảo bộ đội cấy lúa sao giỏi thế. Thóc thu được, tổ công tác chia cho người nghèo trong xã. Bà con phấn khởi lắm, giờ thì không cần vận động tự người dân tìm đất khai phá ruộng nước...

Câu chuyện bên bếp lửa tưởng như không có dấu chấm hết. Từ chuyện sản xuất nâng cao đời sống đến chuyện giữ trật tự an toàn xã hội, xây dựng bản văn hóa đến chuyện học hành của con em... Giờ này dân bản đang chìm sâu trong giấc ngủ, thỉnh thoảng nghe tiếng sương rơi lách tách ngoài hiên. Khua Trá dụi tắt mấy thanh củi cháy dở rồi nói:

- Ta nghỉ thôi, con gà rừng nó gáy lần thứ ba rồi. Anh Trịnh Phong đi ngủ kẻo mệt, mà sáng mai bố cũng phải lên xã dự lớp tập huấn về công tác xây dựng Nông thôn mới cho các già làng, trưởng bản nữa đấy!...

Truyện ngắn của Quốc Anh

Bình luận
Back To Top