Tết Hồ sự chà - góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa

08:44 - Thứ Tư, 13/12/2017 Lượt xem: 5216 In bài viết
ĐBP - Cứ vào tháng 12 dương lịch hàng năm, hàng nghìn người dân và du khách trên mọi miền Tổ quốc lại tìm về khu vực ngã ba biên giới, nơi cực Tây Tổ quốc để đón Tết Hồ sự chà cùng đồng bào dân tộc Hà Nhì. Mỗi người một phương, một tính cách nhưng họ đã hòa mình vào không khí tưng bừng, ấm áp và khám phá những nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Người Hà Nhì sống tập trung ở khu vực ngã 3 biên giới trên địa bàn xã Sín Thầu và Sen Thượng (huyện Mường Nhé). Ðời sống văn hóa của dân tộc Hà Nhì khá phong phú. Sự tinh tế trong trang phục của người phụ nữ, tập quán sinh hoạt cộng đồng, văn hóa ẩm thực và văn hóa tâm linh... Ðể thích ứng với điều kiện phát triển của xã hội, trải qua nhiều năm, có những phong tục tập quán đã được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp hoặc một số nét văn hóa đã mai một; không còn làm nhà trình tường, bỏ tập quán săn bắn; các nghề thủ công truyền thống đan lát, chạm khắc cũng ít dần. Tuy vậy, nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc vẫn còn được duy trì trong đời sống thường ngày. Ðặc biệt, những bản sắc văn hóa ấy thể hiện rõ nhất vào các dịp lễ, tết: như: Lễ tết tháng 2 (Gạ ma thú); lễ cầu mưa; lễ cúng rừng và đặc biệt là Tết Hồ sự chà (tết cơm mới) - đây chính là tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì.

 

Tiết mục văn nghệ của các thiếu nữ Hà Nhì.

Tết Hồ sự chà thường được tổ chức vào tháng 12 dương lịch hàng năm, bắt đầu vào một ngày Thìn trong tháng và kéo dài trong 3 ngày. Ðây là lúc người dân đã thu hoạch xong mùa màng, gặt hái những thành quả sau một năm lao động sản xuất và chuẩn bị đón năm mới. Ngày tết cổ truyền cũng là dịp để những người con đi xa trở về nhà sum họp, báo hiếu ông bà, cha mẹ, tổ tiên; thăm hỏi người thân, thắt chặt tình đoàn kết xóm giềng. Công việc không thể thiếu trong ngày tết là làm bánh trôi nước, giã bánh dày; mổ lợn cúng tổ tiên, thần linh... Mỗi công việc ấy lại kèm theo những nghi thức khá đặc biệt. Chỉ riêng việc mổ lợn đã có thể kể được một câu chuyện dài. Ngoài ra, trong ngày tết còn có những tiết mục văn nghệ độc đáo như múa xòe, múa nón để mô phỏng các động tác điển hình trong lao động, sản xuất và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày... Có lẽ từ những nét văn hóa độc đáo ấy cộng với sự  thân thiện, hiếu khách vốn có của người Hà Nhì mà Tết Hồ sự chà được nhiều người biết đến và đã trở thành “thương hiệu”, một địa chỉ trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Những năm gần đây, ngày tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì không những thu hút đông đảo người dân và du khách trong nước mà còn có sự tham dự của  du khách nước ngoài, đặc biệt là các đoàn khách đến từ nước láng giềng Trung Quốc. Trong dịp tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì năm nay, xã Sín Thầu và Sen Thượng cũng đã tổ chức đón tiếp đoàn khách hơn 30 người là cán bộ và nhân dân thị trấn Khúc Thủy, huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong không khí tưng bừng của ngày tết, các hoạt động giao lưu thể thao như cầu lông, bóng chuyền giữa các đội của 2 nước đã diễn ra trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị. Vào buổi tối, chương trình giao lưu văn nghệ cũng được tổ chức với nhiều tiết mục đặc sắc đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, du khách. Cuối buổi giao lưu, cả chủ và khách hòa chung trong điệu xòe truyền thống của dân tộc Hà Nhì giữa ánh lửa ấm áp của mùa đông nơi biên cương Tổ quốc.

Ðến Sín Thầu không chỉ dịp này mà cả trong các dịp nghỉ lễ, tết của đất nước, chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự đông vui, nhộn nhịp của hàng nghìn du khách. Ngoài những nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu còn được nhiều người biết đến vì có cột mốc không số đặt tại bản A Pa Chải là cực Tây của Tổ quốc, nơi được mệnh danh “một con gà gáy, 3 nước cùng nghe”. Ðó cũng chính là tiềm năng, lợi thế lớn để Sín Thầu thu hút và phát triển du lịch.

Xác định được điều đó, những năm gần đây các cấp chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào Hà Nhì từng bước khôi phục bản sắc văn hóa thông qua dịp lễ, tết. Từ đó, gây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng ở các bản để duy trì những điệu xòe, điệu múa truyền thống; phát huy nét văn hoá ẩm thực, các trò chơi dân gian… Khi người dân đã thực sự hiểu giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình thì họ sẽ tự có ý thức duy trì và phát huy.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top