Tác quyền và ý thức bảo vệ

10:40 - Thứ Hai, 14/05/2018 Lượt xem: 6802 In bài viết
Sự phát triển mạnh mẽ của in-tơ-nét đồng thời với sự tăng trưởng hoạt động sáng tạo và các sản phẩm trí tuệ, tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin; song, cũng làm gia tăng các vi phạm về quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bên nhằm bảo vệ tác quyền.

Việt Nam nằm trong năm nước có mức tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất và nằm trong 20 nước sử dụng in-tơ-nét nhiều nhất thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra sự thay đổi của toàn bộ hệ thống xuất bản; những công đoạn của xuất bản truyền thống (sách in) giảm dần; các loại hình như sách điện tử (ebook), sách nói (audio-book)… đến được với bạn đọc nhiều và nhanh nhất. Trong khoảng 5 năm gần đây, các hội sách diễn ra ngày càng nhiều, thậm chí có cả các hội sách trực tuyến (online) như của Tiki, Fahasa. Các sản phẩm sách cũng rất đa dạng, ngoài audio-book, ebook còn có các thể loại sách tương tác, sách 3D, 4D… tăng khả năng trải nghiệm thực tế cho người đọc. Tuy nhiên, tình trạng gia tăng vi phạm bản quyền với cả sách in và ebook là một thực trạng rất đáng lo ngại. Theo đại diện Thái Hà Books, trong một năm, công ty xuất bản được khoảng 1.000 đầu sách thì có 25% số sách bị vi phạm bản quyền, trong đó có ấn bản ebook. Năm 2016, công ty đã phải gửi công văn đến các trang web và trang mạng yêu cầu gỡ bỏ các file ebook vi phạm bản quyền; trong đó, có đơn vị chia sẻ gần 100 cuốn sách của Thái Hà Books dưới dạng ebook. 

Bên cạnh đó, vấn đề quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản còn có mối liên hệ mật thiết với lĩnh vực thư viện. Hiện nay, xu hướng phát triển của thư viện là thư viện số, thư viện điện tử; đòi hỏi ngành thư viện đổi mới công tác phục vụ bạn đọc, cộng đồng lẫn các dịch vụ liên quan; đồng thời cũng đặt ra việc thực thi quyền tác giả. Ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm quyền tác giả trong hoạt động thư viện rất mong manh. Sao lưu, số hóa, tạo dựng dữ liệu… là những hoạt động chính liên quan chặt chẽ đến quyền tác giả. Vì thế, ngành thư viện đang đứng trước nghịch lý khó giải quyết: một mặt có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu cao nhất của người sử dụng trong việc tiếp cận tài liệu; mặt khác, không xâm hại đến quyền lợi của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm khi cung cấp tài liệu, bản sao cho người dùng. 

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, hiện nay việc tìm kiếm, phát hiện các vi phạm về quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản dù khó khăn nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Theo đại diện Công ty cổ phần giải pháp công nghệ AiBiz - đơn vị sở hữu công nghệ giám sát việc sử dụng âm nhạc trên truyền hình, khi thực hiện giám sát bản quyền âm nhạc trên truyền hình, họ phải ứng dụng công nghệ cao bởi lượng dữ liệu rất lớn và âm nhạc nằm ở khắp nơi của các đài phát 24 giờ trong ngày. Vì vậy, có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận ra khu vực nào phát âm nhạc, sau đó tập trung đối chiếu mẫu âm nhạc đó với mẫu trong cơ sở dữ liệu của mình. Nguyên lý này có thể áp dụng với thư viện và các nhà xuất bản. Trên phương diện pháp lý, Cục trưởng Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) Bùi Nguyên Hùng khẳng định, đến nay Luật Sở hữu trí tuệ và các nghị định hướng dẫn đã tạo lập đủ các căn cứ pháp luật để có thể xử lý những vấn đề liên quan đến bản quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản.

Trước tiên, bản thân các tác giả và nhà xuất bản cần nâng cao ý thức về quyền tài sản, quyền tác giả. Các nhà xuất bản không nên trốn tránh trả tiền tác quyền cho tác giả; đồng thời chủ động và quyết liệt hơn trong bảo vệ tài sản của mình. Trong các vụ việc, vấn đề quan trọng là cần chứng minh được đâu là chủ thể quyền tác giả để tránh các tranh chấp xảy ra; khi có tranh chấp, chủ thể bị vi phạm bản quyền cần kiến nghị đến các cơ quan có chức năng để xử lý. Có thể thấy, ý thức tự bảo vệ là điều rất cần thiết, đòi hỏi các tác giả cần nắm rõ quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền nhân thân, quyền tài sản; cần lưu chứng tác phẩm gốc ngay sau khi sáng tạo để bảo đảm không phát sinh tranh chấp về bản quyền trong tương lai. Trong môi trường kỹ thuật số và văn hóa ứng xử, ý thức tôn trọng bản quyền chưa cao như ở Việt Nam thì khi xảy ra tranh chấp, các tác giả cần vận dụng tốt các biện pháp hành chính, dân sự... đã được quy định cụ thể trong luật để tự bảo vệ mình.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top