Hoài niệm Xên mường

08:38 - Thứ Năm, 07/06/2018 Lượt xem: 7910 In bài viết
ĐBP - Như tin đã đưa: Sáng ngày 25/5/2018, tại trụ sở UBND phường Thanh Trường, UBND TP. Ðiện Biên Phủ tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, cho vùng đất từng diễn ra nghi thức lễ hội Xên mường trong quá khứ sinh thành. Ngay tại buổi lễ, chúng tôi may mắn có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Vân - cán bộ Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng tỉnh Ðiện Biên - là người trực tiếp nghiên cứu điền dã lập hồ sơ Di tích Xên Mường Thanh, đồng thời cũng là người chắp bút cho tài liệu khoa học Di tích lịch sử Xên Mường Thanh....

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Vân đưa chúng tôi trở lại Hội thảo “Lễ hội Xên Mường Thanh” diễn ra sáng 9/11/2016, trong khuôn viên Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh. Tại đó, tham luận của các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng lễ hội Xên mường - Mường Thanh có từ thế kỷ thứ XIII, khi thủ lĩnh Lạn Chượng đặt chân lên vùng đất này. Từ đó lễ hội Xên mường liên tục được những người đứng đầu vùng Mường Thanh mở rộng quy mô, cách thức tổ chức đến thế kỷ XVIII. Từ khi lập bản, dựng mường các thế hệ chảu mường đã cho lập các Ðông xên (Rừng cúng) để thờ cúng hàng năm với mục đích thể hiện sự biết ơn của con người với đất, trời, thể hiện sự biết ơn của thế hệ sau với các bậc tiền bối, thủ lĩnh đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khai sơn phá thạch lập bản, dựng mường, cầu mong cho mường bản thái bình, nhân dân an lành, mưa thuận gió hoà, con người có mối quan hệ hòa đồng với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên để miền biên viễn thái bình, đoàn kết, hưng vượng, phát triển. Ðồng thời, đây là nơi lưu giữ niềm tự hào, sự quật cường của mường, bản trong chống giặc ngoại xâm bảo vệ sự bình yên cho dân chúng.

 

Lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, ngày 25/5/2018, tại trụ sở UBND phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ.

Chắc nhiều người chúng ta còn nhớ sáng 14/6/2012, lễ hội Xên mường - Mường Thanh được tổ chức tại bản Tông Khao, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên). Ðây là một nỗ lực hợp tác bền bỉ và thật đáng ghi nhận, giữa Hội Văn học - Nghệ thuật Ðiện Biên với chính quyền và nhân dân xã Thanh Nưa. Trên triền đồi cạnh đó, hoạt động tế lễ diễn ra dưới gốc cây thiêng (giổi găng). Thầy mo chính là ông Vì Văn Hiêng (trú tại bản U Va, xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên), được ủy quyền thay mặt nhân dân Tông Khao và nhân dân xã Thanh Nưa, trịnh trọng “chuyển” những điều tâm nguyện của bà con người Thái lên các đấng siêu hình. Bàn thờ tre đơn sơ được dựng từ chiều hôm trước, giờ chất đầy thịt trâu đen và đó là con vật hiến sinh thứ hai trong lễ hội.

Lục tìm trong thẳm sâu ký ức của mình, thầy mo Vì Văn Hiêng tâm sự: Từ sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ đến nay, lễ hội Xên mường - Mường Thanh dần mai một và Ðông xên Tá Pô trở thành ruộng nước. Vài chục năm lại đây, ngành Văn hóa cũng phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức phục dựng lễ Xên bản tại một số bản văn hóa trong lòng chảo Mường Thanh. Tuy nhiên, đúng như tên gọi, “Xên bản” chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính của một bản (cả về con người tham gia cũng như những đóng góp vật chất của các gia đình), mà không quy tụ nhân dân toàn vùng như Xên mường ngày trước. Và như vậy, vô hình trung trong tâm thức các thế hệ người Thái Mường Thanh, đương nhiên Xên mường chỉ còn phảng phất đâu đó trong hoài niệm, trong ký ức nhạt nhòa của những bậc cao niên...

Với tư cách Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển tri thức các dân tộc thiểu số tỉnh Ðiện Biên, ông Lò Văn Thâng, cho biết: Xên mường cuối cùng được tổ chức tại huyện Tuần Giáo vào năm 1946. Dưới Xên mường, mỗi bản lại có Ðông xên bản khi lập bản mới. Các già bản chọn khu rừng quanh bản nơi đầu nguồn nước, có cây cổ thụ và cây này dùng chung cho cả Ðông xên mường. Quan niệm người Thái đây là cây “nhà ở” của các thần, là nơi thắp nến, đốt hương khấn xin ma thổ địa cho được dựng nhà, lập bản; đồng thời làm nơi tụ tập ma bản và ma thổ địa để hợp sức trông coi, gìn giữ... cho dân bản dân mường được bình yên, hạnh phúc ấm no... Bình thường dân tộc Thái không ai dám tự tiện vào Ðông xên (rừng cấm) kiếm củi, hái măng, bắt ong, đào củ...!

Hôm nay, khép lại nội dung bài cúng thực hành như có gì đó mê dụ và ám ảnh, mo then Lường Thị Song (bản Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: Trước kia, do được các chẩu mường và các tạo lộng, xã, bản đứng ra tổ chức nên lễ hội Xên mường diễn ra theo chu kỳ hàng năm vào mùa xuân (tháng 2 - 3 âm lịch). Trong thời gian 5 ngày, phần hội chủ yếu là vui chơi giao lưu văn hoá: Ném còn, tó mák lẹ, kéo co, đánh quay, chọi gà, đi cà kheo, múa tăng bẳng, tăng bu, múa sạp, múa vòng theo nhịp trống... các ông các bà luống tuổi uống rượu hát hò chúc tụng nhau, thanh niên nam nữ hát đối đáp... Mặt khác, trước kia chỉ làm ruộng một vụ nên tháng 2 - 3 âm lịch là thời điểm nông nhàn, tổ chức lễ hội và giao lưu vui chơi là rất hợp lý.

Sau khi Lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh kết thúc, theo hướng dẫn của bà Nguyễn Thị Vân, chúng tôi vào bản Ta Pô (phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ), để tìm gặp các cụ Lò Văn Ðôi (sinh năm 1930) và cụ Lường Văn Pánh (sinh năm 1927). Ðây là 2 trong số những bậc cao niên từng sống qua nhiều giai đoạn lịch sử, của vùng đất Mường Thanh nói chung và vùng văn hóa lễ hội Xên mường - Mường Thanh nói riêng. Trong trí nhớ còn khá minh mẫn của cụ Lò Văn Ðôi và cụ Lường Văn Pánh, thì Xên Mường Thanh được tổ chức lần cuối vào đầu năm 1953. Lý do chủ yếu khiến hơn 60 năm qua loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng này không được duy trì thường xuyên, một phần do đất nước trải qua các thời kỳ chiến tranh nhất là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhìn chung những năm đó đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn và một số lý do khác về tâm linh do ông mo cúng “Then” qua đời không ai còn nhớ chính xác bài khấn, quá trình cầu cúng đã xướng sai tên các vị thần linh, vì vậy những điều thỉnh nguyện qua nội dung bài cúng không còn được ứng nghiệm. Ðiều đáng ngạc nhiên đến nay cũng không biết lý giải ra sao, là không hiểu vì lý do gì một số ông mo sau khi hành lễ, về nhà đang khỏe mạnh mà bỗng nhiên... ngã bệnh và qua đời(?).

Theo tài liệu điền dã của bà Nguyễn Thị Vân: Xên Mường (cúng mường) là việc trọng đại của cả mường và chỉ có mường mới thỉnh nguyện được với trời đất, thần linh, những tiền nhân đã khai sơn phá thạch, chống giặc ngoại xâm, lập bản dựng mường. Chỉ có mường mới cầu cho trời đất thuận hòa, nhân dân an lành, phát triển và đây cũng là cơ hội để người dân bày tỏ lòng biết ơn tới những bậc tiền bối đã có công khai sơn, phá thạch lập bản, dựng mường và các vị anh hùng đã có công chống giặc ngoại xâm, dẹp nội phản; những vị tiền nhân, nhân vật lịch sử được khắc ghi công ơn trong lễ hội Xên mường. Theo một số người già được chứng kiến Lễ hội Xên Mường Thanh xưa kể lại thì đây là địa điểm hội tụ nhiều yếu tố cùng tính chất linh thiêng của một mường, như: Thế đất, thế sông suối, các cây cổ thụ, đặc biệt nơi đây có cửu long chầu chín con rồng cùng hướng về nơi tổ chức chính, đây là vị trí mà các mo mường “giao cảm” được với trời, thần linh và các vị tướng lĩnh có công với bản, với mường qua các thời kỳ lịch sử xã hội.

Trong man mác hoài niệm của nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Thanh, còn đó những ngày trước, trong và sau chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954. Từ đống hoang tàn đổ nát, bà con vùng lòng chảo Mường Thanh gạt nước mắt bắt tay vào việc dựng nhà lập bản, cày ruộng phát nương. Những đêm trăng sáng - bên dòng Nậm Rốm mềm mại như một nét nhạc trữ tình - tiếng đàn tính ngân nga như tiếng lòng các chàng trai cô gái thổ lộ với nhau nỗi niềm riêng chất nặng trong tim. Bên chum rượu cần cất vội, cha ngậm ngùi nhắc lại những ngày loạn lạc, một mình cha lang thang qua bao mùa măng đắng mà vẫn không tìm thấy mấy mẹ con đâu... Nay lễ hội Xên bản Xên mường từng bước được phục dựng và vùng đất thực hành các lễ hội đó được công nhận là “Di tích lịch sử” cấp tỉnh - Ðó không chỉ là niềm tự hào mà còn nhắc nhở trách nhiệm trao truyền, gìn giữ và phát huy giá trị nét văn hóa tâm linh dân gian cổ xưa, bản ngã của một tộc người, giữa thời công nghệ số mọi cái đều rất dễ hòa tan...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top