Chỉ đạo nghệ thuật: Sự nhạt nhoà đáng suy ngẫm!

10:33 - Thứ Ba, 30/10/2018 Lượt xem: 7140 In bài viết

Trong dàn kịch mục của một đơn vị nghệ thuật, chỉ đạo nghệ thuật được ví như người rọi đèn đi trước để định hướng phong cách nghệ thuật của đơn vị, vừa phải có chuyên môn sâu trong lĩnh vực nghệ thuật mình phụ trách, vừa phải có óc phán đoán, nhạy bén trong xây dựng phương hướng nghệ thuật.

 

Vở kịch nói “Kiều” có sự thể nghiệm táo bạo giữa kịch nói, âm nhạc đương đại, múa truyền thống.

Nếu đạo diễn được coi là chỉ đạo nghệ thuật của một vở diễn thì chỉ đạo nghệ thuật của một đơn vị chính là người có trách nhiệm cao nhất về nghệ thuật ở đơn vị đó, là người tổ chức kịch mục để tạo nên bản sắc của đơn vị; đồng thời cũng là người giữ vai trò chính trong việc chọn kịch bản đáp ứng mục tiêu nghệ thuật trong ngắn hạn và lâu dài cho nhà hát của mình. Có điều, theo nhiều chuyên gia sân khấu, vai trò này ở một số đơn vị nghệ thuật hiện chỉ dừng ở mức hình thức mà chưa thật sự phát huy đúng chức năng trên thực tế.

Giám đốc, Trưởng đoàn là chỉ đạo nghệ thuật?

Nhìn vào thực trạng ở một số đơn vị sân khấu nước ta, dường như vai trò này đang thiếu vắng hoặc bị nhầm lẫn. Điều đó dẫn đến sự nhạt nhòa về phong cách của các đơn vị nghệ thuật, thiếu bản sắc và ấn tượng riêng từ các tác phẩm được dàn dựng khiến sân khấu khó tiếp cận khán giả...

Tại hội thảo bàn về “Vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát Hà Nội hiện nay” do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều nghệ sĩ không ngần ngại nói thẳng: Nhìn vào pa-nô giới thiệu nhân lực tham gia xây dựng vở diễn những năm gần đây, bên cạnh các thành phần sáng tạo như: đạo diễn, tác giả, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên… còn có thêm dòng “chỉ đạo nghệ thuật” và chức danh này thường mặc nhiên được gán cho giám đốc nhà hát hay trưởng đoàn nghệ thuật, trong khi trên thực tế, có những người chỉ làm công tác quản lý chứ không có chuyên môn về nghệ thuật.

Đây cũng là thực trạng mà NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội trăn trở: Do thiếu cán bộ chỉ đạo nghệ thuật thật sự, sân khấu đang rơi vào tình trạng “xem một đoàn biết được nhiều đoàn”. Các nhà hát chưa xác định được đâu là thế mạnh riêng cho nên chỉ biết chạy theo cái mà nơi khác đã thành công. Tất nhiên, điều này không sai, nhất là trong tình trạng nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu đang phải dùng hài kịch để lấy ngắn nuôi dài. Nhưng chỉ chạy theo thị hiếu thì sẽ không thể có những vở diễn gây tiếng vang.

Khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển bùng nổ, việc phải xây dựng đối tượng khán giả riêng càng trở thành yêu cầu cấp thiết của các đơn vị sân khấu. Muốn thế, cần có một kịch mục riêng tạo nên diện mạo, thương hiệu nghệ thuật của đơn vị. Song cũng do thiếu vắng vai trò và bản lĩnh chỉ đạo nghệ thuật thật sự cho nên trên thực tế, kịch mục hiện nay ở nhiều đơn vị luôn rơi vào tình trạng “ăn đong”.

Nhà viết kịch Giang Phong cho biết: Trước đây, kịch bản “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của cố tác giả Lưu Quang Vũ hoàn thành năm 1981 nhưng phải 5 năm sau, sau nhiều nỗ lực của đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi và Nhà hát Kịch Việt Nam, kịch bản này mới được đồng ý dàn dựng và sau đó, trở thành vở diễn gây tiếng vang nhất của Nhà hát những năm cuối thế kỷ XX và đến nay vẫn là vở diễn kinh điển của sân khấu kịch nói Việt Nam. Nói thế để thấy, nếu không có bản lĩnh, tinh thần dám chịu trách nhiệm của người chỉ đạo nghệ thuật, không thể có những vở diễn xuất sắc như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. 
Hay NSƯT Nguyễn Đăng Tiến dẫn chứng, trước năm 1980, Đoàn Múa rối Thăng Long rơi vào trì trệ, bế tắc vì sự bất đồng quan điểm giữa trưởng đoàn và phó đoàn chỉ đạo nghệ thuật. Thế nhưng, từ năm 1990, giám đốc nhà hát kiêm chỉ đạo nghệ thuật có những đường hướng rõ ràng. Cụ thể, giai đoạn 1992 – 2002, bộ môn rối nước được tập trung xây dựng phát triển và đưa nhà hát từ một đoàn rối địa phương thành một nhà hát múa rối hàng đầu trong cả nước, liên tục xuất ngoại hơn 60 lần, với 40 quốc gia trên thế giới chiếm lĩnh thị phần quốc tế. Giai đoạn sau 2002, song song với rối nước, nhà hát còn củng cố đầu tư nghệ thuật rối cạn. Hàng loạt các vở rối cạn ra đời, giành nhiều giải Vàng, Bạc trong các kỳ liên hoan múa rối quốc tế tại Việt Nam. Đáng tiếc là hiện nay ít có chỉ đạo nghệ thuật nào làm được như vậy.

 

Một cảnh trong vở kịch nói "Lâu đài cát" của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Trăn trở nhưng khó có bứt phá

Ở nhiều đơn vị, việc chọn kịch bản thường dựa trên quan hệ với những tác giả, đạo diễn quen thuộc để rồi diễn cầm chừng bằng cách dựng vài vở có kịch bản an toàn theo ngân sách phân bổ hoặc nguồn tài trợ.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho biết, có thể nhìn thấy điều này rõ nhất ở các liên hoan sân khấu: Nhiều đơn vị chọn kịch bản theo tác giả là ai để mong có giải thưởng. Càng là tác giả có vị trí quan trọng càng có nhiều đoàn chọn kịch bản và khi tác giả rời vị trí thì kịch bản được chọn cũng thưa thớt dần. Cũng bởi vậy, sân khấu cứ hoạt động cầm chừng trong trạng thái trầm lắng, thật khó tìm ra những bứt phá thật sự.

Hiện nay rất ít đơn vị nghệ thuật sân khấu phía Bắc tạo được một dàn kịch mục phong phú, hấp dẫn mà chỉ là một kịch mục mang tính “ăn đong”. Việc lựa chọn kịch bản dựng vở nhiều khi dựa theo sự thân quen và đạo diễn nhận kịch bản như hình thức khoán trắng. 
Vở diễn như một công trình và kịch bản như bản thiết kế đã được duyệt. Phòng nghệ thuật của nhà hát như bộ phận giám sát công trình nhưng khi vở ra mắt lại khác xa kịch bản được duyệt. Đạo diễn tham gia vào kịch bản như thầy cầm tay trò viết, cuối cùng chữ chả phải của thầy mà cũng chả phải của trò.

Hàng loạt những vấn đề bất cập đặt ra tạo cho vị trí chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát không riêng của Thủ đô mà của cả nước, đặc biệt là khu vực công lập trở nên mờ nhạt, bế tắc.

NSND Thanh Trầm - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội còn chỉ ra những bất cập: “Đến nay các trường nghệ thuật chưa có chương trình đào tạo chỉ đạo nghệ thuật. Hiện nay bộ máy nhân sự của các nhà hát vẫn diễn ra tình trạng, cứ là giám đốc hay trưởng đoàn là chỉ đạo nghệ thuật. Chúng ta quên rằng, giám đốc hay trưởng đoàn chỉ làm vai trò quản lý đã nhiều việc lắm rồi, hơn nữa lại kiêm luôn vai trò chỉ đạo nghệ thuật thì quá nhiều việc”.

Có rất nhiều những gợi mở để tạo dấu ấn cho vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát được dẫn ra tại cuộc hội thảo lần này: Xây dựng quy chế, quy trình lựa chọn kịch bản và ê kíp sáng tạo, quy định rõ trách nhiệm của từng thành phần, trách nhiệm cá nhân giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát đối với chất lượng tác phẩm; Hội đồng nghệ thuật duyệt vở cũng cần thay đổi cách đánh giá bởi không phải tác phẩm nào hội đồng thấy tốt là bán được vé, là hấp dẫn khán giả; Cần có các biện pháp quảng bá tác phẩm đến công chúng... nếu không có thể sân khấu đặc biệt là sân khấu truyền thống sẽ rơi vào tình trạng “gieo vừng ra ngô”…

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top