Gìn giữ nghề truyền thống dân tộc Thái

09:05 - Thứ Tư, 23/10/2019 Lượt xem: 12694 In bài viết

ĐBP - Dệt vải và thêu thùa tạo ra những sản phẩm thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Thái tỉnh Ðiện Biên. Xưa kia, nếu vào bất cứ bản nào của người Thái đều bắt gặp hình ảnh khung cửi ngày đêm lách cách thoi đưa, chị em cặm cụi thêu thùa. Mỗi sản phẩm đều hết sức kì công, tinh tế, sống động, hơn thế nữa còn chứa đựng tâm tư, tình cảm của người phụ nữ Thái. Bởi thế mà có câu hát “Khoẳm mư pên lai/Hai mư pên bok” nghĩa là “Úp bàn tay thành hình muôn sắc/Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu” ca ngợi sự khéo léo của người phụ nữ Thái.

Phụ nữ dân tộc Thái bản Noong Chứn, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) thêu khăn thổ cẩm.

Ðiểm đặc biệt của nghề thêu, dệt vải truyền thống dân tộc Thái là họ tự tay làm tất cả, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu như: Trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, bật bông, xe sợi, dệt vải, tìm các nguyên liệu từ cây rừng để nhuộm màu cho vải, nhuộm chỉ và thêu thùa thành sản phẩm. Những tấm vải đã dệt có thể tạo thành váy, áo, khăn hay gối, chăn, đệm dùng trong gia đình. Sản phẩm thêu truyền thống được làm hết sức tỉ mỉ, thủ công với những công cụ thô sơ nên chỉ những người phụ nữ mới có thể kiên trì làm được. Bà Lường Thị Âng, bản Noong Chứn, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: “Trước đây, con gái Thái từ 6 - 10 tuổi đã bắt đầu học các công đoạn thêu thùa, dệt vải. Ðây là điều quan trọng để đánh giá một người phụ nữ. Cầm trên tay sản phẩm thổ cẩm có thể hiểu được phần nào tuổi tác, tính cách, sự đảm đang của người tạo ra nó thông qua từng đường kim mũi chỉ và hoa văn trên tấm vải”.

Bà Âng lý giải thêm, thổ cẩm của người Thái có họa tiết rất đa dạng, tùy theo sự sáng tạo của từng người, như: Hoa văn cành ban, con ngựa chở thóc, con cò, nhà cửa, cổng vào, thác nước hoa sen, hoa mướp, chân rết… Mọi đồ vật, con vật, sự việc diễn ra xung quanh đều có thể được “khắc họa” trên mặt vải. Các hoa văn thổ cẩm thường được sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím… tạo ấn tượng mạnh. Với những cô gái Thái tuổi cập kê thì thường dùng những gam màu sáng làm chủ đạo cùng những đường nét hoa văn bay bướm, uốn lượn, hay những họa tiết cách điệu mới lạ. Còn với thế hệ lớn tuổi thì hay lấy gam trầm làm chủ đạo với các họa tiết cổ, đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.

Ngày nay xã hội phát triển, các sản phẩm may mặc công nghiệp được bán nhiều trên thị trường, nên tiếng bật bông, xe sợi, dệt vải hay hình ảnh người phụ nữ Thái ngồi bên hiên nhà tỉ mỉ thêu thùa không còn dễ dàng bắt gặp như trước đây. Một số cộng đồng đã dần tự đánh mất nghề thủ công truyền thống của mình hoặc không còn thực hiện đủ các công đoạn, chỉ mua sợi về dệt, mua vải về thêu. Mặc dù các sản phẩm thổ cẩm vẫn đang được duy trì trong sinh hoạt văn hóa Thái, nhưng số người biết thêu thùa, làm nghề truyền thống không nhiều và chủ yếu là thế hệ từ 40 - 50 tuổi trở lên. Bà Lường Thị Dọn, bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) là một trong số ít phụ nữ Thái còn gìn giữ nghề thủ công này nguyên vẹn từ những công đoạn đầu tiên. Bà tự tay nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, hoàn thiện những sản phẩm thổ cẩm. Bà Dọn cho biết: Ðây là nghề truyền thống của dân tộc, hơn nữa trong các nghi lễ, đặc biệt là khi về với tổ tiên nhất thiết phải có các sản phẩm thổ cẩm do chính tay mình làm ra nên tôi vẫn luôn gìn giữ nghề. Các con, các cháu bận học, bận làm không theo nghề được thì mình cố gắng giữ nghề truyền thống lúc còn sức khỏe.

Ông Ðào Duy Trình, Phó Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trước nguy cơ mai một nét văn hóa đẹp - nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, các hoa văn, trang phục... trong giai đoạn này là rất cần thiết và cấp bách. Ngành Văn hóa đã thực hiện bảo tồn nghề dệt, thêu trang phục, hoa văn dân tộc Thái ngành Thái đen tại bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2165/KH-UBND ngày 23/7/2019 về việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ðồng thời hướng dẫn định hướng cấp huyện chủ động triển khai xây dựng bảo tồn văn hóa trong đó có nghề thêu, dệt thủ công của dân tộc Thái, kết hợp giới thiệu, quảng bá sản phẩm thổ cẩm trong các sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng của huyện, tỉnh và một số chương trình giao lưu, xúc tiến du lịch ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top