Trăn trở với tình yêu dân ca Thái

08:46 - Thứ Năm, 16/04/2020 Lượt xem: 9511 In bài viết

ĐBP - Với tay lấy cặp kính mắt, bà Lò Thị Phúc mở quyển sổ cũ, chăm chú nhìn từng hàng chữ rồi ngân nga một đoạn dân ca Thái. Những lời ca như ngấm vào máu thịt, đôi khi bà lẩm nhẩm hát lúc nào không hay. Hát để tự thưởng cho mình bài dân ca yêu thích, hát để “ôn bài” vì sợ tuổi già sẽ quên, và hát để truyền tình yêu âm nhạc dân tộc, mong tìm người gìn giữ, truyền nối.

Nghệ nhân Lò Thị Phúc vừa giở xem cuốn sổ sưu tầm dân ca dân tộc Thái vừa ngân nga hát đoạn dân ca cổ.    

Bà Lò Thị Phúc (62 tuổi), bản Lọng Bon, xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên là Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian như: Sưu tầm, sáng tác, thực hành và truyền dạy hát dân ca Thái. Bà Phúc nổi tiếng trong vùng từ khi còn trẻ với giọng ca truyền cảm và là “thư viện” dân ca dân tộc Thái. Bà thuộc lòng nhiều làn điệu cổ, như: Bó lụ (dạy con), Ếu Mường Thanh (đi khắp Mường Thanh), Xống chụ xon xao (tiễn dặn người yêu), Quắm tố mương (kể chuyện bản mường)… Các làn điệu dân ca Thái đều gần gũi, như lời kể chuyện, thủ thỉ, tâm tình thường ngày, mang tính răn dạy con cháu làm điều hay, lẽ phải, ngợi ca quê hương, đất nước. Chính những điều đó làm nghệ nhân Lò Thị Phúc yêu và gắn bó với dân ca dân tộc suốt mấy chục năm qua. Bà Phúc chia sẻ: “Tôi say mê, yêu thích dân ca, âm nhạc truyền thống. Từ nhỏ tôi đã lắng nghe và nhẩm hát theo bà, mẹ và các chị trong bản. Lớn lên lại càng say hơn. Thời ấy, trai gái gặp nhau thường hát đối đáp, tôi và những người cùng trang lứa có khi hát cả ngày, cả đêm với đủ thứ chuyện trong cuộc sống. Cũng không biết từ khi nào những làn điệu dân ca ấy như cơm ăn, nước uống hàng ngày của tôi cho đến tận bây giờ”.

Quyển sổ cũ kĩ, giấy đã ngả màu là “tài sản” vô giá mà bà Phúc nâng niu, cất giữ. Trong đây có hơn 40 bài dân ca cổ do bà sưu tầm từ năm 2003. Những bài hát được chép lại theo trí nhớ của bà Phúc, từ những người cao tuổi trong vùng, những người yêu dân ca như bà và từ trên báo đài. Gần 100 trang giấy được đánh số, mỗi bài hát đều được ghi chép cẩn thận, để giờ đây khi trí nhớ của bà không còn tốt, không thể nhớ hết những lời dân ca cổ thì cuốn sổ có thể thay bà lưu giữ những giai điệu văn hóa truyền thống của dân tộc. Bà không chỉ sưu tầm mà còn sáng tác nhiều bài hát mới. Bà Phúc cầm một sấp giấy A4 in một mặt, đếm có hơn 30 bài hát do chính bà sáng tác. Mỗi bài hát đều được bà gửi gắm những tâm sự, tình cảm cùng lời nhắn nhủ cho thế hệ con cháu, như: Ðang dệt côn (làm người), Chứ cồng ai (Nhớ ơn các anh), Nha dệt cài hịt khong chăn (Ðừng quên dân tộc của mình)…

Mấy chục năm nay, chồng bà lúc nào cũng kiên nhẫn, nắn nót từng chữ giúp vợ chép lại lời bài hát. Bà đọc, ông chép. Cả cuốn sổ sưu tầm là nét chữ của ông. Mỗi khi bà sáng tác, ông lại cầm bút nhẫn nại chờ ghi những câu ca mới. Các con thì giúp bà mang “bản thảo” viết tay đi đánh máy in ra giấy A4 để lưu giữ, đôi khi còn giúp bà gửi bài hát mới đến Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Nhờ gia đình ủng hộ, bà Phúc có thêm động lực cống hiến, bảo tồn dân ca dân tộc.

Với giọng ca cùng sự am hiểu dân ca dân tộc của mình, bà Lò Thị Phúc đã tham gia nhiều cuộc thi liên hoan tiếng hát dân ca, các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, văn nghệ truyền thống… Năm 2004, bà tham gia hội thi của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, được trao giải B với tiết mục hát Xống chụ xon xao. Năm 2005, bà nhận Bằng khen của Tổng Giám đốc Ðài Truyền hình Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong cuộc thi “Liên hoan tiếng hát dân ca”. Năm 2011, bà được Viện Âm nhạc Việt Nam tặng Giấy khen vì đã có thành tích trong công tác giữ gìn, bảo tồn âm nhạc dân gian Thái, tỉnh Ðiện Biên. Và còn rất nhiều hoạt động, giấy khen, bằng khen của tỉnh mà bà được vinh danh trong những năm qua. Ðến nay dù đã hơn 60 tuổi, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tại địa bàn. Những lời hát mượt mà, đối đáp giản dị, gần gũi mà sâu sắc, thay người dân bày tỏ mong ước về cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, bình yên.

Ðể những làn điệu dân ca còn ngân lên mãi trong các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bà Lò Thị Phúc vẫn luôn tâm tư, trăn trở. Mặc dù bà không ngại truyền dạy cho bất cứ ai, dù là một người xa lạ nhưng cho đến nay bà chưa tìm được học trò nào thực sự yêu thích dân ca, theo học một cách nghiêm túc. Bà Phúc cho biết: “Con cháu tôi và những người tôi từng dạy hát dân ca đều nhanh chóng bỏ cuộc. Người học lâu cũng chỉ được vài tuần. Họ đều bảo không nhớ nổi lời ca vì dài và nhiều từ khó. Ðối với âm nhạc truyền thống, phải tìm được ai thực sự tâm huyết, say mê mới có thể dành thời gian và công sức theo học. Giờ đây tôi đã già rồi, lại hay ốm đau bệnh tật, cùng thời với tôi cũng không còn được mấy người hay hát dân ca, sợ vài năm nữa những bài dân ca dân tộc Thái sẽ dần mai một, chỉ còn trong những quyển sổ tay ghi chép…”.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top