Tương lai luôn thuộc về lớp trẻ

15:17 - Thứ Hai, 07/12/2020 Lượt xem: 4829 In bài viết

Ở nhiều kỳ cuộc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, có thể nhận thấy sự vắng bóng khá nhiều cây bút trẻ. Tác phẩm mới của họ vẫn được xuất bản đều đều, các cuộc giới thiệu sách, giao lưu với người hâm mộ vẫn được tổ chức, nhưng dường như họ ít mặn mà với các hoạt động của những nhà văn... không trẻ. Vì sao vậy?

Nguyễn Phong Việt là một trong số ít tác giả trẻ có tác phẩm “ăn khách” quan tâm đến việc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhìn vào đời sống văn học trẻ hiện nay, có thể thấy một sự sôi động đáng kể. Trong khi các nhà văn lão thành chủ yếu viết về chiến tranh, về văn hóa, phong tục hay về đời sống hôm nay thì các tác giả trẻ, bằng sức tưởng tượng phong phú và khả năng tiếp cận với xu hướng mới đã “dấn thân” vào nhiều thể loại, đề tài mới. Họ không chỉ viết về đời sống hôm nay trong cái nhìn của người trẻ Việt, mà còn “tung tẩy” với loại tác phẩm phiêu lưu, kỳ ảo, trinh thám, tâm linh, du ký, truyện tranh, xuyên không lịch sử... Một bộ phận tác giả “trưởng thành” từ văn học mạng đã có những đầu sách best-seller với số lượng bản in lên tới hàng vạn, thậm chí hàng triệu - con số trong mơ đối với đa số nhà văn. Sách liên tục được tái bản, những tác giả trẻ ấy thực sự sống được bằng nghề viết.

Tất nhiên, để đạt được con số ấy, nhiều tác giả phải hướng theo dòng văn học đại chúng dễ tiếp cận đa số độc giả. Nhiều ý kiến cho rằng, dòng sách thị trường còn dễ dãi, chạy theo nhu cầu giải trí đơn thuần, thiếu chiều sâu cũng như giá trị tư tưởng và tính thẩm mỹ. Điều này đúng, song nếu lấy sự đón nhận của độc giả làm thước đo, rõ ràng là các tác giả trẻ đã có sự thành công nhất định. Thậm chí, ngay như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tuổi đời, tuổi nghề cao cũng đã nhận được những lời đánh giá cho rằng sách của Nguyễn Nhật Ánh

thuộc dòng văn học đại chúng, viết “uốn” theo thị hiếu, đón đầu xu hướng thị trường. Điều này cho thấy, dường như đang tồn tại sự mâu thuẫn trong quan niệm của các nhà văn. Tác giả nhanh nhạy bắt kịp đời sống, đặc biệt là tâm sinh lý lứa tuổi thanh - thiếu niên, để mỗi đầu sách đều có số lượng bản in “khủng” nhưng dường như lại không được đánh giá cao như những tác giả có sách kén độc giả.

Thực ra, dòng văn học nào cũng có những tác giả thành công và chưa mấy thành công. Điều quan trọng là cần có cách nhìn nhận công bằng. Theo nhà văn Hoài Hương, các cây bút best-seller hiện đang ở ngoài Hội Nhà văn Việt Nam: “Trong danh sách 11 tác giả trẻ đang nổi trong giới trẻ, duy nhất có tác giả thơ trẻ 8x là Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, các tác giả còn lại hình như không quan tâm tới việc có là hội viên hay không. Trong khi, độc giả trẻ vẫn tiếp tục tìm đến tác phẩm của họ vì gặp được các câu chuyện và cảm xúc của bản thân mình trong đó”.

Ngay cả những nhà văn trẻ không đi theo dòng văn học thị trường dường như cũng ngần ngại cất tiếng nói trên văn đàn bởi sự khác biệt về quan niệm văn chương. Hiền Trang, tác giả tập truyện ngắn kỳ ảo Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa từng đặt câu hỏi: “Tôi không biết tại sao có ý kiến cho các tác giả phi hiện thực như chúng tôi là không có đủ trải nghiệm sống. Người viết phải có vốn sống dồi dào, tôi cho rằng điều đó chỉ đúng với một dạng nhà văn. Còn có những dạng nhà văn khác, viết về tri thức mà mình tiếp nạp qua việc đọc, chứ không phải sống. Thậm chí, tôi cho rằng đôi khi vốn đọc còn quan trọng hơn vốn sống, vì chỉ có đọc mới giúp người ta có thể đi tới vô cùng”.

Mỗi một thế hệ sẽ có nét riêng trong sáng tạo, không nên áp đặt theo khuôn thước cứng nhắc. Bởi nếu đòi hỏi tác giả phải có vốn sống, trải nghiệm thì những cây bút mới 10 - 12 tuổi như Nguyễn Bình, Cao Việt Quỳnh làm sao có được điều đó? Chẳng thế mà, mặc những quan niệm khác biệt từ các nhà văn... già, các cây bút trẻ “co cụm” trong cộng đồng riêng, nỗ lực và tự tin khẳng định “tương lai luôn thuộc về lớp trẻ”.

Tuy nhiên, trong những buổi sinh hoạt văn chương, như ở Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội chẳng hạn, tác giả Nhật Phi vẫn thường đại diện cho các cây bút trẻ bày tỏ suy nghĩ và mong muốn của thế hệ mình, đó là “có cơ hội để các tác giả trẻ được thể hiện mình, được đãi cát tìm vàng, được nhìn nhận một cách thuần túy, công bằng”. Bởi theo Nhật Phi, ngày nay, “sở học” của tác giả trẻ không chỉ được vun đắp bằng ca dao, tục ngữ, những câu chuyện kể hay sách vở, mà còn mở rộng ra điện ảnh, truyện tranh, game từ các nền văn hóa lớn trên thế giới. Do đó, họ dễ dàng tiếp cận những thể loại không mấy quen thuộc như khoa học giả tưởng, kỳ ảo, trinh thám, siêu thực... Điều quan trọng là, “văn học mạng và sách giấy, lịch sử hay viễn tưởng, hiện thực hay siêu thực, tất cả chỉ là vấn đề anh kể được một câu chuyện thú vị, hấp dẫn tới đâu, anh nói lên điều gì và với trạng thái nào”.

Tạo diễn đàn để lớp trẻ lên tiếng, tạo cơ hội để lớp trẻ thể hiện năng lực và nhìn nhận thành công của họ thì mới có thể dần hướng những cây bút trẻ ấy đến với những giá trị mà chúng ta vẫn đã và đang yêu cầu. Rõ ràng, tương lai của văn chương nước nhà thuộc về lớp trẻ.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top